Cây thuốc, Vị thuốc

Hà thủ ô trắng: Vị thuốc bổ máu, bổ can thận

Hà thủ ô trắng là một vị thuốc có tác dụng bổ máu, bổ Can Thận. Tác dụng của nó cũng không kém cạnh gì so với hà thủ ô đỏ, tuy nhiên lại ít được biết tới hơn. 

1. Mô tả

Hà thủ ô trắng còn có tên gọi khác là Dây sữa bò, Củ vú bò, Mã liên an, Khâu nước, Dây mốc, Cây sừng bò. Tên khoa học là Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. hoặc Tylophora juventas Woodf. Thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae)

1.1 Cây Hà thủ ô trắng

Hà thủ ô trắng là một loại dây leo dài từ 2 đến 5m. Thân và cành màu hơi đỏ hay nâu đỏ, có rất nhiều lông, khi già thì nhẵn dần. Lá mọc đối, hình mác dài, đầu nhọn, đáy tròn hoặc hơi hình nón cụt, có lông mịn và nhiều ở mặt dưới, mặt trên cũng có lông ngắn hơn. Phiến lá dài 4-14cm, rộng 2- 9cm, cuống lá dài 5-8cm cũng có nhiều lông.

cây hà thủ ô trắng
Cận cảnh cây hà thủ ô trắng

Hoa màu nâu nhạt hoặc vàng tía mọc thành xim, rất nhiều lông. Quả đại tách đôi ngang ra trông như sừng bò (do đó có người gọi là cây sừng bò). Quả hình thoi, màu xám nhiều lông, dài 711 cm, rộng 8mm. Hạt dẹt, phồng ở lưng, dài 5-7mm, rộng 2mm, có chùm lông mịn dài 2cm.

Vì cây có nhiều lông trông như mốc cho nên có nơi còn gọi là dây mốc.

dây mốc
Dây mốc

Toàn cây bấm thân, lá, quả non chỗ nào cũng ra thứ nhựa trắng như sữa cho nên có tên cây sữa bò.

1.2 Dược liệu Hà thủ ô trắng

Rễ nạc hình trụ, đường kính 1 cm đến 3 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu xám, có nếp nhăn và rãnh dọc, có nhiều lỗ vỏ nằm ngang và những vết tích của rễ con còn sót lại. Mặt cắt ngang có màu trắng ngà đến màu vàng nâu nhạt, nhìn thấy rõ tầng phát sinh libe-gỗ. Vị hơi đắng, có nhiều bột.

Củ hà thủ ô trắng
Củ hà thủ ô trắng

2. Thu hái và bào chế

Thu hái quanh năm, đào lấy rễ củ về rửa sạch, thái lát, phơi hoặc sấy khô. Có thể ngâm nước vo gạo 12 giờ rồi phơi hay sấy khô.

Hà thủ ô trắng và đỏ
Hà thủ ô trắng và đỏ

3. Thành phần hoá học

Rễ củ chứa tinh bột, nhựa đắng, tanin pyrogalic và một chất có phản ứng alcaloid có tinh thể.

Trong các nghiên cứu mới, 16 cardenolide, hai hemiterpenoids, hai phenylpropanoids và một phenylethanoid được phân lập từ rễ của Hà thủ ô trắng.

4. Tác dụng dược lý

4.1 Hoạt động chống tăng sinh

Các cardenolide phân lập từ Hà thủ ô trắng ức chế một cách chọn lọc và mạnh mẽ sự tăng sinh của ba dòng tế bào có nguồn gốc từ người (u xơ HT-1080, ung thư biểu mô tuyến A549 ở phổi, ung thư biểu mô tuyến HeLa ở cổ tử cung) và ba dòng tế bào có nguồn gốc từ mu (ung thư biểu mô 26-L5, ung thư biểu mô phổi Lewis, u ác tính B16-BL6). Những thay đổi hình thái đặc trưng và sự phân mảnh DNA dạng bậc thang trong những tế bào được xử lý bằng cardenolide cho thấy hoạt động chống tăng sinh là do sự cảm ứng của quá trình apoptosis.

Trong 1 nghiên cứu khác, chiết xuất 75% ethanol của Hà thủ ô trắng, có tác dụng ức chế mạnh sự tăng sinh của tế bào ung thư biểu mô tuyến A549 ở phổi người. Tác dụng in vivo của nó đối với ung thư phổi được nghiên cứu trên những con chuột thí nghiệm có khối u A549 trong khi tác động của nó lên trọng lượng cơ thể, các chỉ số sinh hóa máu và các chỉ số nội tạng được theo dõi. Kết quả cho thấy khả năng ức chế đáng kể sự phát triển của khối u ở ngày thứ 10 và ngày thứ 15 trong quá trình điều trị mà không có tác dụng phụ vật lý.

4.2 Hoạt động chữa lành vết thương

Phân tích in vivo về mô bệnh học vết thương cho thấy số lượng tế bào viêm giảm 2,3 lần ở những con chuột được điều trị bằng chiết xuất cồn của Hà thủ ô trắng. Các vết thương được điều trị bởi chiết xuất Hà thủ ô trắng cho thấy mật độ tế bào viêm thấp hơn vào ngày thứ 7 sau khi bị thương. Ngoài ra, khi những con chuột được điều trị bằng chiết xuất cồn của loại dược liệu này, mức độ biểu hiện gen VEGF cũng tăng mạnh, gấp 6,5 lần, 4,6 và 4,5 lần, trong vết thương của những con chuột được điều trị tương ứng với liều 100, 50 và 10 mg / kg / ngày.

Dữ liệu của nghiên cứu này cho thấy chiết xuất cồn của Hà thủ ô trắng có hoạt tính chữa lành vết thương do tác dụng chống viêm và cảm ứng tăng sinh nguyên bào sợi và hình thành mạch.

5. Công dụng và liều dùng

5.1 Công dụng

Dược liệu này có công dụng bổ huyết, bổ can thận.

Chủ trị: Huyết hư thiếu máu, da xanh gầy, tóc bạc sớm, yếu sinh lý, kinh nguyệt không đều, đau nhức gân xương.

Có nơi còn dùng củ và thân lá của cây để chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét. Có người còn dùng dây sắc lấy nước cho phụ nữ sinh đẻ thiếu sữa uống cho có thêm sữa. Cây lá cũng được dùng đun nước tắm và rửa để chữa lở ngứa. Người ta còn dùng củ chữa cơn đau dạ dày.

5.2 Liều dùng

Ngày dùng từ 12 g đến 20 g, dạng thuốc sắc.

Các thầy thuốc Việt Nam coi vị Hà thủ ô trắng có cùng một công dụng với hà thủ ô đỏ. Các Công ty dược liệu vẫn thu mua và bán chung với hà thủ ô đỏ. Trong các đơn thuốc thường dùng một nửa hà thủ ô đỏ, một nửa hà thủ ô trắng. Có khi để nguyên không chế biến mà dùng. Nhưng cũng có khi chế biến như đối với hà thủ ô đỏ. Liều và cách dùng cũng giống như hà thủ ô đỏ.

6. Phương thuốc kinh nghiệm

6.1 Thuốc bổ

Bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức lực, chữa đau lưng mỏi gối, giúp ăn ngủ được.

Đậu đen 50g, Đậu đỏ 10g, Đỗ trọng dây 50g, Ráng bay 15g, Củ sen 50g, Bố chính sâm 15g, Hà thủ ô trắng (sao muối) 50g, Phục linh 15g. Các vị hiệp chung, tán làm viên hoàn, mỗi lần uống 3g, ngày uống 3 lần. (Kinh nghiệm ở An Giang).

6.2 Bệnh tiêu khát

Biểu hiện ăn nhiều chóng đói, thân thể ngày càng gầy, hay khát.

Bài thuốc: Hà thủ ô trắng sao vàng hạ thổ 500g, hoài sơn 1000g, liên nhục 10000g, sâm voi 500g, cử đinh lăng 500g. Tất cả sao vàng, tán nhỏ mịn, luyện mật ong làm hoàn. Ngày dùng 6-8g chia 2 lần uống với nước sắc cây cối xay (cối xay 20g, nước 200ml).

7. Lưu ý

  • Người hư yếu, tạng lạnh không dùng Hà thủ ô trắng.
  • Khi dùng hà thủ ô trắng kiêng ăn tiết canh, cá, lươn, rau cải, hành tỏi.

Bài viết liên quan

Leave a Comment