Cây thuốc, Vị thuốc

Hạ khô thảo: Cây thuốc có tác dụng kháng viêm, làm mát cơ thể

Hạ khô thảo (Spica Prunellae) được người xưa đặt cho cái tên ấy vì nó là một loại cây cỏ và sẽ khô đi vào mùa hạ chí. Loại cây đó mang trên mình những cụm hoa thật đẹp. Chính những cụm hoa trên cây đó, với tính chất mát lạnh sẽ trở thành một vị thuốc thanh nhiệt và có tính kháng viêm mạnh. 

1. Đặc điểm cây thuốc Hạ khô thảo

1.1. Mô tả

Như đã mô tả ở đầu bài, hoa và lá của cây Hạ khô thảo sẽ khô héo dần vào mùa hạ. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, ở nước ta cây vẫn mọc xanh tươi hết cả mùa hè.

Hạ khô thảo còn được biết đến với một số tên khác như: Mạch hạ khô, Bổng trụ đầu hoa, Thiết sắc thảo…

Hạ khô thảo là cây thân thảo, sống dai. Thân có hình vuông, màu hơi tím đỏ. Cây cao độ 20 – 30cm.

 cây mọc đối, hình trứng, đầu hơi dài, mép nguyên hoặc có răng thưa. Thân và lá có thể lác đác phủ lông nhỏ.

Hoa tự gồm nhiều hoa nhỏ mọc thành cụm, màu tím nhạt. Hoa tập trung mọc ở ngọn, cành. Một cành lớn có thể có đến 5 – 6 hoa. Đài hoa có 2 môi, môi trên và môi dưới, hình ba cạnh. Cánh hoa khi nở hình môi, màu tím nhạt. Nhị hoa có 4 chiếc, 2 dài, 2 ngắn, đều thò ra khỏi tràng. Cuống hoa ngắn, mọc vòng thành xim co, ở đầu cành.

Quả của nó nhỏ và cứng.

Cây Hạ khô thảo
Cây Hạ khô thảo

1.2. Phân bố

Cây có xuất xứ từ các vùng ôn đới châu Á, châu Âu. Hiện nay, cây phân bố nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Trong đó, Trung Quốc là nơi trồng phổ biến nhất.

Ở nước ta, cây mọc hoang ở các vùng cao lạnh như: Sa Pa, Tam Đảo, Hà Giang…

Nhìn chung loại cây này dễ mọc tự nhiên ở các vùng có độ cao 1.000 – 1.500m so với mực nước biển. Cây mọc tốt nhất trong môi trường ẩm ướt, mưa nhiều, nhiệt độ tầm 15 – 18°C. Cây không chịu được nắng nóng.

1.3. Thu hái

Người ta thu hoạch khi hoa chuyển sang màu nâu đỏ vào khoảng thời gian tháng 5 – 6. Sang tháng 8, một số cây có thể bị héo lụi.

2. Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản

2.1. Bộ phận dùng

Cả thân, lá, hoa của cây Hạ khô thảo đều có thể dùng. Tuy nhiên, phần được sử dụng nhiều nhất là hoa, vì nơi đó dược tính tập trung cao nhất.

Theo Dược điển Việt Nam, dược liệu Hạ khô thảo được mô tả như sau: Dược liệu hình chùy do bị ép nên hơi dẹp, dài 1,5 – 8cm, đường kính 0,8 – 1,5cm; màu từ nâu nhạt đến nâu đỏ. Toàn cụm quả có hơn 10 vòng đài, còn lại là lá bắc. Mỗi vòng lại có 2 lá bắc mọc đối trên cuống hay quả như hình quạt, đỉnh nhọn, có gân gợn rõ, mặt ngoài phủ lông trắng. Mỗi lá bắc có 3 hoa nhỏ, tràng hoa thường bị rụng, đài có 2 môi, 4 quả hạch nhỏ hình trứng, màu nâu với vết lồi trắng ở đầu nhọn. Thể nhẹ, chất giòn, mùi thơm nhẹ, vị nhạt.

Hoa của cây Hạ khô thảo là bộ phận thường dùng làm thuốc
Hoa của cây là bộ phận thường dùng làm thuốc

2.2. Chế biến

Sau khi thu hái, đem rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô, nhưng tránh phơi quá nắng, sẽ làm mất mùi thơm của thuốc. Có thể phơi âm can.

2.3. Bảo quản

Dược liệu này dễ hút ẩm, dễ ẩm mốc nên cần bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

3. Thành phần hóa học có trong Hạ khô thảo

Trong Hạ khô thảo chứa:

  • Alkaloid tan trong nước.
  • Tinh dầu: chứa D-camphor (khoảng 50%), a-fenchon và D-fenchon.
  • 3,5% muối vô cơ: trong các muối vô cơ chủ yếu là Kali chlorua.
  • Chất đắng có trong dược liệu là Prunellin (trong đó phần không đường là acid ursolic).
  • Ngoài ra còn có Denphinidin cyanidin.
  • Ở Pháp, người ta đã xác định trong cây có: nhựa chất đắng, tanin, tinh dầu, chất béo, lipase, một glucosid tan trong nước (0,7g/kg cây khô) và một saponosid acid (1,10g).

4. Tác dụng dược lý của Hạ khô thảo

Tác dụng kháng khuẩn: tiêm dịch chiết từ Hạ khô thảo vào xoang bụng chuột thí nghiệm thấy tác dụng chống viêm rõ rệt. Đồng thời, dược liệu còn có khả năng ức chế một số vi khuẩn như trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn đại trường, khuẩn cầu chùm, trực khuẩn lỵ, vi khuẩn phẩy hoắc loạn, trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn lao.

Tác dụng lợi tiểu: do trong Hạ khô thảo có nhiều Kali nitrat cùng acid urosolic, là 2 chất có tác dụng lợi tiểu rất tốt. Acid urosolic còn giúp loại trừ độc tố và acid uric dư thừa qua thận.

Khả năng hạ áp: sử dụng thuốc sắc có chứa Hạ khô thảo trên động vật nhận thấy huyết áp giảm rõ rệt. Các chất tan trong Hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết và làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân cao huyết áp (theo báo Y học Liên Xô kỳ 6 năm thứ bảy, 1951 và Y dược học quyển số 4 kỳ 6, 1951).

Tiềm năng chống ung thư: trên nghiên cứu thực nghiệm bước đầu, thử nghiệm trên ung thư cổ tử cung ở chuột nhắt, người ta thấy Hạ khô thảo có khả năng chống lại sự di căn của tế bào ung thư. Tuy nhiên, đây mới là nghiên cứu bước đầu, chưa có kết quả cụ thể.

Hạ khô thảo khô
Hạ khô thảo khô

5. Công dụng của vị thuốc Hạ khô thảo theo Y học Cổ truyền

Tính vị: đắng, cay, hàn. Qui kinh can, đởm.

Tác dụng: thanh can hoả, tán uất kết.

Chỉ định:

Chứng can hoả thượng xung, gây ra mắt đỏ sưng đau, hoa mắt chóng mặt, thường dùng cùng với cúc hoa, quyết minh tử. Nếu do can âm bất túc, mắt có gỉ sưng đau, nặng về đêm , điều trị thường dùng cùng với đương qui,  kỷ tử.

Chứng loa lịch (tràng nhạc): thuốc có tác dụng thanh can tán kết, dùng trong can uất hoá hoả, đàm hoả ngưng tụ, kết ở quanh cổ mà gây ra loa lịch thường dùng cùng với bối mẫu, huyền sâm, mẫu lệ. Trị bướu cổ thường dùng cùng với hải cáp xác, côn bố, hải tảo. Ngoài ra còn dùng để điều trị cao huyết áp.

6. Liều dùng

Dùng 8 – 16g/ngày. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

7. Chú ý

Những người vốn sợ lạnh, lạnh trong người, ăn uống kém, bụng chướng, khó tiêu… nên cẩn trọng khi sử dụng.

8. Một số bài thuốc sử dụng Hạ khô thảo

8.1. Bài thuốc chữa hỏa bốc cao, nhức đầu chóng mặt, mắt đau sưng đỏ, huyết áp tăng cao

Hạ khô thảo, Bồ công anh, hạt Muồng ngủ (sao) (mỗi vị 20g), hoa Cúc, lá Dâu, Mã đề (mỗi vị 12g). Sắc uống.

8.2. Bài thuốc chữa tràng nhạc, sưng tuyến giáp, quai bị, viêm tuyến vú, viêm hạch

Hạ khô thảo, Huyền sâm (mỗi vị 20g), Xạ can, Nga truật, Hoàng đằng (mỗi vị 10g). Sắc uống.

Bên ngoài dùng nhân hạt Gấc mài với giấm để bôi.

8.3. Bài thuốc thông tiểu tiện

Hạ khô thảo 8g, Cam thảo 1g, Phụ tử 2g sắc với 600ml nước còn lại 200ml. Đem chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

8.4. Bài thuốc chữa vết bầm, vết thương

Dùng Hạ khô thảo giã và đắp vào vết thương.

Bài viết liên quan

Leave a Comment