Qua lâu nhân: thanh nhiệt hóa đàm, khoan hung tán kết, nhuận trường thông tiện

Mô tả

Tên gọi khác: Qua lâu thực, Qua lâu tử…
Tên khoa học: Trichosanthes kirilowii Max.
Mô tả cây thuốc:

Qua lâu nhân là hạt của cây Qua lâu, một cây thảo leo sống nhiều năm, thân có rãnh, tua cuốn có 2-3 (-5) nhánh. Lá mọc so le, phiến dài 5-14cm, rộng 3-5cm, chia 3-5 thuỳ, dày, dai, mặt trên nhám nhám. Cây có hoa khác chỗ, chùm hoa đực dài 15cm, lá bắc to có răng, hoa rộng 7cm, màu trắng, cánh hoa cao 2,5cm, nhị 3. Hoa cái mọc đơn độc, bầu có cuống, dài 3cm. Quả mọng tròn, to 9-10cm, màu vàng cam; hạt tròn dẹp, dài 11-16mm, rộng 7-12mm, trong có lớp vỏ lụa màu xanh. Ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 9-10.

Phân bố:

Qua lâu sinh sống tại Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc trên đất rừng bên khe hay mé đường vùng núi Cao Bằng và cùng mọc trên đất cát hoang ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Mô tả Dược liệu:

Vị thuốc Qua lâu nhân là hạt của quả cây Qua lâu. Hạt hình bầu dục dẹp, phẳng, dài 12 – 15 mm, rộng 6 – 10 mm, dày 3,5 mm. Mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu thẫm, trơn nhẵn. Xung quanh mép hạt có rãnh tròn. Đỉnh hạt tương đối nhọn, có rốn hình điểm, lõm xuống. Đáy hạt tròn tù. Vỏ hạt ngoài cứng, vỏ hạt trong là màng mỏng, màu lục xám, bọc lấy 2 lá mầm dày, màu trắng vàng, chứa nhiều dầu. Mùi nhẹ. Vị hơi ngọt dịu, hơi đắng.

Bộ phận dùng:

+ Nhân của quả chín gọi là Qua lâu nhân (Semen Trichosanthis). Nên chọn hạt già phơi khô hạt chắc vỏ dày không mối mọt là được

+ Vỏ quả gọi là Qua lâu bì (Pericarpium Trichosanthis).

+ Rễ gọi là Thiên hoa phấn.

+ Dùng cả nhân và vỏ gọi là Toàn qua lâu.

Thu hái, sơ chế: Quả thu hái vào tháng 9-10, lấy vỏ quả và hạt phơi khô.

Bào chế:

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

+ Đập nhẹ cho vỏ tách đôi, bỏ vỏ lấy nhân, giã nát (dùng sống) để trừ nhiệt.

+ Có thể tẩm mật ong sao qua (bổ Phế ) để khỏi rát cổ (dùng chín).

+ Muốn làm nhanh thì lấy hột sao qua, chà hoặc giã cho nát vỏ lấy nhân rồi làm như trên.

+ Hái những quả sắp chín, rửa sạch, phơi khô, thái từng sợi, sao hoặc tẩm nước mật để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Vị thuốc Qua lâu nhân

Bảo quản: Để nơi khô ráo, mát, tránh nóng nhân sẽ bị đen.

Thành phần hóa học: Hạt chứa khoảng 25% dầu; rễ chứa nhiều tinh bột và 1% saponosid.

Tính vị: Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn.

Quy kinh: Vào các kinh Phế, Vị và Đại trường.

Tác dụng của Qua lâu nhân: Thanh nhiệt hoá đàm, nhuận phế, chống ho, nhuận tràng.

Công dụng: Chữa ho lâu ngày, ho có đờm, sưng yết hầu, nhuận tràng.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 9-15g, dạng thuốc sắc (sau khi ép kiệt hết chất dầu).

Bài thuốc có Qua lâu nhân:

– Chữa Phế táo, họng khô miệng ráo, đau, khi bốc lên suyễn súc: Bối mẫu 4g, Qua lâu nhân 4g, Thiên hoa phấn 4g, Phục linh 4g, Trần bì 4g, Cát cánh 4g. Sắc uống. Công dụng: Nhuận Phế hóa đàm. (Bối Mẫu Qua Lâu Tán).

– Trị viêm phế quản thể đàm nhiệt; ngực đau do đàm vàng hoặc áp xe phổi: Qua lâu thực 12g, Bán hạ 10g, Hoàng liên 4g. Sắc uống.(Tiểu hãm hung thang -Thương hàn luận).

– Chữa các chứng đàm do nhiệt: Qua lâu nhân 12g, Hoàng cầm 12g, Bạch linh 12g, Chỉ thực 12g, Hạnh nhân 12g, Trần bì 12g, Đởm nam tinh 8g, Bán hạ 6g: Công dụng: Thanh nhiệt, hoá đàm. (Thanh Khí Hóa Đàm Hoàn).

– Trị đờm, thấp, huyết ứ trệ trong ngực biểu hiện cảm giác khó thở và đau ngực, đau ngực xuyên ra sau lưng: Qua lâu với Thông bạch và Bán hạ trong bài. (Qua Lâu Thông Bạch Bán Hạ Thang).

– Trị viêm Phế quản thể đờm nhiệt, ngực đau do đờm hoặc áp xe phổi: Qua lâu thực 12g, Bán hạ 10g, Hoàng liên 4g. Sắc uống. (Tiểu Hãm Hung Thang).

– Trị Phế ung: Toàn qua lâu, Ý dĩ nhân đều 15g, Cát cánh 10g, Kim ngân hoa 10g, Bồ công anh 12g. Sắc uống. (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Chú ý: Nếu để nhân hạt mà dùng sẽ sinh nôn nao khó chịu, buồn mửa, do vậy khi dùng phải ép bớt dầu.

Kiêng kỵ: Tỳ Vị hư hàn không nên dùng. Dùng nhiều sinh ra tiêu chảy.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Qua lâu nhân: thanh nhiệt hóa đàm, khoan hung tán kết, nhuận trường thông tiện”