Cây thuốc, Vị thuốc

Vạn tuế: Cây thuốc chữa đau nhức xương khớp, cầm máu, giảm đau

Từ xa xưa, Vạn tuế được biết đến như là cây cảnh làm đẹp nhà cửa hay là cây phong thuỷ. Ngoài ra, Vạn tuế còn có nhiều công dụng ít ai biết đến như chữa đau nhức xương khớp, cầm máu, giảm đau… 

1. Mô tả dược liệu Vạn tuế

Cây Vạn tuế có tên khoa học Cycas revoluta Thunb., thuộc họ Tuế (Cycadaccae). Vạn tuế còn gọi là Thiết thụ, Phong mao tùng, Phong mao tiêu. Cây có thân hình trụ, cao 2 – 3m.

Lá mọc thành vòng dài tới 2m, hình lông chim, cuống lá có gai. Lá chét dài 15 – 18cm, rộng 6mm, nhỏ hơn về phía gốc và phía ngọn, gần mọc đối, nguyên, nhẵn, hình sợi chỉ. Mũi có gia đơn, mép cuốn lại, có gân lồi. Nón đực hẹp, dài 218cm, rộng 4cm. Nhị thưa, hơi lợp, hình mũi mác hẹp, dài 30cm, rộng 6 – 8mm, gần hình lòng thuyền, ở phía trên mang bao phấn dọc theo mép. Nón cái gồm những lá noãn dài tới 20cm, có lông màu trắng hơi vàng, có phần không sinh sản rộng chia thành nhiều đài hẹp có ngọn cong và mũi nhọn cứng. Noãn có lông.

Hạt hình trái xoan dẹt, thoạt tiên có lông rồi nhẵn, màu da cam, dài 3cm, thường trồng làm cảnh tại các đình chùa.

Người ta dùng làm thuốc lá tươi hay phơi khô, thu hái gần như quanh năm. Hạt cũng dùng làm thuốc, thu hái vào hạ và thu.

Cây Vạn tuế
Cây Vạn tuế

2. Thành phần hoá học

  • Lá chứa sosetsuflavon, hinokiflavon, dihydrohinokiflavon, amentoflavon, 2-3 dihydroamentoflavon. Dịch chiết lá chứa ancaloit, steroid, tannin.
  • Chất chiết xuất từ lá có phổ kháng khuẩn rộng đối với E. coli, Klebsiella pneumoniae và Saccharomyces cerevisae.
  • Chiết xuất dung môi khác nhau của nón cây và lá Vạn tuế có khả năng chống oxy hoá, trong đó nón cái cho thấy hoạt tính chống oxy hoá mạnh hơn lá.
  • Hạt chứa cycasin, neocycasin A, B, C, D, E, F, G, một lượng nhỏ macrozamin. Tất cả những chất trên đều có nhân cơ bản là hydroxyazoxymetan. Ngoài ra, hạt còn có choline, trigonellin. Nghiên cứu tinh chế một peptide từ hạt cây Vạn tuế có khả năng ức chế tăng sinh tế bào ung thư và gây ra quá trình chết tế bào theo chương trình bằng cách liên kết trực tiếp với ADN.
  • Tinh dầu chiết xuất cây Vạn tuế gồm 5 thành phần acid béo: axit linolenic (18,47%), axit oleic (12,96%), axit linoleic (10,9%), axit palmitic (8,82%) và axit Octadecanoic ( 7,85%).

3. Tác dụng dược lý Vạn tuế

Hạt chứa lượng độc tố Cycasin cao nhất. Cycasin gây kích ứng đường tiêu hoá. Hạt gây nôn mửa, tiêu chảy và có thể dây co giật, nhiễm độc gan dẫn đến suy gan. Đồng thời, hạt chứa β-N-methylamin-L- alanin (BMAA) được sử dụng làm thuốc bổ và thuốc đắp. Hạt cũng được xem xét sử dụng làm thuốc điều kinh, long đờm.

Thân có 3 chất độc bao gồm: beta-methylamino-L-alanine gây độc thần kinh, cycasin độc gan và một chất độc chưa xác định. Độc tố chưa xác định này gây tê liệt chi sau ở gia súc do thoái hoá sợi trục thần kinh trung ương.

Nón và hạt Vạn tuế đều được sử dụng làm thuốc nhưng cũng chứa nhiều độc tính
Nón và hạt Vạn tuế đều được sử dụng làm thuốc nhưng cũng chứa nhiều độc tính

4. Công dụng, liều dùng

Lá vị ngọt, tính ấm, tác dụng thu liễm, cầm máu, giảm đau. Dùng lá chữa các chứng chảy máu cam, chữa lỵ, đau nhức xương khớp.

Hạt có độc, có tác dụng cố tinh, sáp đới (làm cho tinh khí lâu xuất, sạch khí hư), nên dùng trong trường hợp hoạt tinh, khí hư. Ngoài ra còn dùng hạ huyết áp. Hạt được tiêu thụ rộng rãi như thực phẩm và thuốc (như thuốc bổ hoặc thuốc đắp) ở miền Nam Nhật Bản, Australia, New Guinea và các đảo phía Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, hạt được sấy khô và nghiền thành bột, trộn với gạo lứt và lên men thành tương miso (Nhật).

Nón Vạn tuế có thể dùng làm thuốc lợi tiểu. Tại Ấn Độ, nón non có thể dùng ăn hằng ngày để chữa chứng tiểu buốt.

Toàn cây dùng chữa khó tiêu, rắn cắn tại Bangladesh.

Ở Trung Quốc, quả dùng làm thuốc long đờm và thuốc bổ.

Liều dùng

Lá và hoa 3 – 6g, hạt và rễ 10 – 15g, dạng thuốc sắc.

5. Bài thuốc kinh nghiệm

Cầm máu, giảm đau

Ngày dùng 12g đến 40g lá, đốt thành than cho uống hay sắc với nước mà uống.

Di tinh, hoạt tinh

Ngày dùng 1 đến 2 hạt sắc nước uống.

6. Lưu ý

  • Hạt và ngọn thân có độc, khi dùng cần thận trọng.
  • Trong thân cây vạn tuế có chứa các hợp chất alkaloids có thể gây ung thư và acid amin là nguyên nhân dẫn tới chứng rối loạn thần kinh mạn tính. Hạt vạn tuế cũng có chất cycasin độc tính khá cao.
  • Không nên tiếp xúc thường xuyên hoặc đặt cây vạn tuế trong phòng kín vì dễ sinh bệnh, gây ngộ độc, thậm chí tử vong.
  • Nên chú ý vị trí đặt cây tránh xa tầm với của trẻ em, có thể gây ra những tổn thương không đáng có cho cơ thể trẻ.

Hiện nay, cây Vạn tuế vẫn là một vị thuốc đang được tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trên người bệnh. Đồng thời, đây là một vị thuốc mà toàn thân đều có độc và khi dùng cần sơ chế kỹ. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không nên tự ý sử dụng vị thuốc. Nếu muốn sử dụng, mong quý độc giả tham vấn ý kiến bác sĩ.

Bài viết liên quan

Leave a Comment