Cây thuốc, Vị thuốc

Tiền hồ: Vị thuốc hay trị bệnh hô hấp

Tiền hồ là rễ phơi hay sấy khô của cây Tiền hồ (Peucedanum decursivum Maxim.). Tác dụng của nó là tán phong nhiệt, chỉ khái và tiêu đàm, thường được sử dụng để điều trị các bệnh đường hô hấp. 

1. Đặc điểm Tiền hồ

1.1. Tên gọi

Còn gọi là: Nham phong, Tín tiền hồ, Quy nam, Tử hoa tiền hồ, Thổ đương quy, Sạ hương thái.

Tên khoa học: Radix Peucedani.

Thuộc họ: Hoa Tán (Apiaceae).

1.2. Mô tả cây 

Cây thân thảo, cao 0,7 – 1,4m, mọc thẳng đứng. Phân nhánh phía trên, thân có khía dọc. Lá ở gốc cây lớn, 1 – 2 lần xẻ lông chim, cuống dài, phiến lá chia thành thùy hình bầu dục có răng cưa to. Lá ở thân nhỏ, cuống ngắn có bẹ lá phồng và rộng; lá ở phía không cuống hay thu lại còn bẹ lá. Cụm hoa tán kép. Hoa màu tím.

Quả hình bầu dục, cụt ở hai đầu, dài 5 – 7 mm, rộng 3 – 5 mm. Phân liệt quả, có múi ở hai cạnh, khi chưa chín hai phân liệt quả dính chặt vào nhau. Khi chín phân liệt quả nở tung ra, có rìa rộng và hơi dày.

Cây Tiền hồ
Cây Tiền hồ

1.3. Phân bố

Hiện nay, ở nước ta mới phát hiện thấy có nhiều Tiền hồ ở Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Tiền hồ mọc ở các tỉnh Giang Tây, Triết Giang, An Huy, Sơn Đông, Thiểm Tây, Hàng Châu (Trung Quốc). Tại Trung Quốc còn khai thác rễ một cây khác gọi là Bạch hoa tiền hồ (Peucedanum praeruptorum Dunn.) cùng họ hoa Tán, thường thấy ở Thiểm Tây, Quảng Tây, Phúc Kiến, An Huy. Cây này có hoa màu trắng và chưa thấy ở Việt Nam.

1.4. Bộ phận dùng

Rễ của cây.

1.5. Bào chế

Vào mùa thu, đông hay mùa xuân, đào lấy rễ về, rửa sạch đất, phơi hay sấy khô.

Sao Tiền hồ: Dùng lửa nhỏ sao các phiến Tiền hồ đến khi có màu vàng hơi nâu, lấy ra để nguội.

Chích Tiền hồ: Cho các phiến Tiền hồ vào cùng với mật, trộn đều, ủ một lúc, sau đó dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng, không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ mỗi 10kg Tiền hồ dùng 2kg mật. Loại này sau khi bào chế có thể hòa hoãn tính cay, mật chích có thể tăng cường tác dụng nhuận phế giảm ho.

Tiền hồ sau khi bào chế
Tiền hồ sau khi bào chế

1.6. Bảo quản

Nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao và nơi có độ ẩm cao.

2. Hoạt chất trong cây

2.1. Thành phần hóa học

Nodakenin, nodakenetin, decusin, tannin, tinh dầu, spongosterola, manitol, pyranocoumarin…

2.2. Tác dụng dược lý

Dịch chiết Tiền hồ có tác dụng giảm viêm, tăng tiết trong đường hô hấp giúp hóa đàm.

Có tác dụng đối vận calci, ức chế calci đi vào cơ trơn, ức chế co cơ trơn.

Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng tăng lưu lượng máu của động mạch vành, không ảnh hưởng nhịp tim và sức co bóp cơ tim. Thuốc có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu.

2.3. Độc tính

Tiêm bụng chuột dịch chiết Tiền hồ 600mg/kg, xuất hiện tình trạng tứ chi vô lực, giảm hoạt động, chết 1/3.

3. Công dụng điều trị

Tính vị: đắng, cay, hơi hàn. Qui kinh phế.

Tác dụng: giáng khí hoá đàm, tuyên tán phong nhiệt.

Chỉ định:

Điều trị hen xuyễn đàm nhiều, màu vàng thường dùng cùng với hạnh nhân, tang bì, bối mẫu như bài tiền hồ tán. Điều trị hàn đàm, thấp đàm thì phối hợp với bạch tiền. 

Điều trị ngoại cảm phong nhiệt gây ho có đàm thường dùng cùng với tang diệp, ngưu bàng, cát cánh; nếu do phong hàn khái thấu thì phối hợp kinh giới, tử tuyển.

3.2. Liều dùng

Dùng 4 – 9g, chủ yếu dưới dạng thuốc sắc.

Chích mật Tiền hồ giảm bớt tính hàn, tác dụng nhuận phế tốt.

3.3. Lưu ý

Người ho do âm hư, ho hoặc khò khè do lạnh không nên dùng Tiền hồ.

Thận trọng trên bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng đông (như heparin, warfarin, enoxaparin) hoặc kháng kết tập tiểu cầu (như aspirin, clopidogrel).

4. Một số bài thuốc

4.1. Trị viêm khí quản, đàm không tiết ra được

Tiền hồ 10g, Bối mẫu 10g, Đào nhân 10g, Tang bạch bì 10g, Khoản đông hoa 8g, Cam thảo 3g, Cát cánh 5g. Sắc với 600ml nước, còn lại 200ml, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

4.2. Trị phong nhiệt độc vào người, lên đầu mặt gây nóng, miệng khô, ngực bứt rứt, không muốn ăn

Tiền hồ, Tử cầm, Sơn chi nhân, Phòng phong, Cam cúc hoa, Sa sâm, Chích cam thảo, mỗi loại 15g. Linh dương giác, Mạch môn đông, Chỉ xác, mỗi loại 30g. Thạch cao 60g. Mỗi ngày uống 9g.

Tiền hồ kết hợp với một số dược liệu khác có thể trị khô miệng
Kết hợp với một số dược liệu khác có thể trị khô miệng

4.3. Trị táo chứng, sợ lạnh, không ra mồ hôi, đau đầu, ho đàm, mũi nghẹt, họng khô

Hạnh nhân, Chế bán hạ, Tiền hồ, Bạch linh, Tô diệp, mỗi loại 9g. Cát cánh, Chỉ xác, Quất bì, mỗi loại 6g. Cam thảo 3g, Đại táo 3 quả, Gừng tươi 3 lát. Sắc uống ấm.

Thông tin về dược liệu Tiền hồ trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Giống như các vị thuốc khác, quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn về chỉ định, liều lượng và thời gian dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment