Cây thuốc, Vị thuốc

Thất diệp nhất chi hoa: Cây thuốc hiếm cần được bảo tồn phát triển

Thất diệp nhất chi hoa được biết đến với tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa trị trong trường hợp bị rắn độc hoặc côn trùng cắn, loại cây này còn thường được người dân dùng để trị các loại viêm da, mụn nhọt, viêm tuyến vú ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Không những thế công dụng của bảy lá một hoa ngày càng được phổ biến rộng rãi và được nghiên cứu trong chữa trị ung thư.

Thất diệp nhất chi hoa là gì ?

Mô tả

Thất diệp nhất chi hoa còn gọi là bảy lá một hoa. Cây còn gọi là Tảo hưu, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, thảo hà xa. Cây có tên khoa học Paris polyphylla Sm, thuộc họ hành tỏi (Liliaceae Trilliaceae).

Cây thảo nhỏ, sống nhiều năm, cao 30-100cm, thường có 5-8 lá ở 2/3 trên. Thân rễ dài khoảng 10-15cm, có nhiều đốt, khó bẻ. Gốc cây có một số lá thoái hóa thành vảy mỏng bao lấy gốc.

Giữa thân có một tầng lá mọc vòng khoảng 3 -10 lá, thường là 7 lá. Lá có phiến hình trái xoan ngược rộng 2,5-5cm, dài 7-17 cm. Mép nguyên, hai mặt lá nhẵn, mặt dưới lá màu xanh nhạt, hoặc là màu tím nhạt. Gốc tròn, chóp có mũi. Cuống lá dài 3-6cm.

Hoa mọc đơn độc ở ngọn thân, mọc trên một trục cao 70-80 cm, cuống hoa dài 15-30cm. Lá đài khoảng 5-10 lá, dài khoảng 3-7cm, mọc rời, màu xanh giống như lá p. Cánh hoa dạng sợi dài bằng đài mọc rũ xuống, màu vàng nâu.  Cánh hoa dài bằng hoặc ngắn hơn lá đài. Nhụy màu tím đỏ, bầu thường có khoảng 3 ngăn.

Quả mọng màu tím đen, cao 3cm, hạt to màu vàng.

Ra hoa tháng 3-7, quả tháng 8-12.

Paris polyphylla
 Quả thất diệp nhất chi hoa mọng, hạt to, mọc chùm

Bộ phận dùng

Thân rễ – Rhizoma Paridis Chinensis, người ta thường gọi là Tảo hưu hay Thất diệp nhất chi hoa.

Nơi sống và thu hái

Cây mọc hoang ở những vực khe ẩm tối, gần suối ở độ cao trên 600m, tại các vùng núi Cúc Phương. Gặp nhiều ở Lào Cai (Sapa), Ninh Bình (Cúc Phương), Bắc Thái (Ðại Từ), Lạng Sơn, Hoà Bình, Hà Bắc. Cũng mọc nhiều ở Trung Quốc với nhiều loài khác nhau.

Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông, đào về rửa sạch, phơi khô.

Tảo hưu dùng để đắp ngoài hoặc sắc uống.

Công dụng

Thành phần hóa học

Trong tảo hưu có chất glucozit, tính chất saponin gọi là paridin, và paristaphin cũng là một glucozit.

Trong thân rễ và quả thất diệp nhất chi hoa người ta chiết xuất được một gluzit gọi là paristaphin, khi thủy phân sẽ cho ra glucoza và paridin, thủy phân paridin cho ra được glucoza và chất nhựa paridol.

 

Tảo hưu dùng để đắp ngoài hoặc sắc uống
Tảo hưu dùng để đắp ngoài hoặc sắc uống

Tác dụng dược lý

Tác dụng bảo vệ của chất saponin steroid có trong cây thất diệp nhất chi hoa trên tổn thương niêm mạc dạ dày do rượu hoặc thuốc indomethacin ở chuột.

Chiết xuất methanolic từ thân rễ của cây thất diệp nhất chi hoa được phát hiện là có khả năng ức chế mạnh các tổn thương dạ dày do ethanol và indomethacin gây ra.

Nghiên cứu tác dụng chống di căn của polyphyllin VI trong tế bào ung thư vú thí nghiệm trên chuột
Polyphyllin VI (PP-VI) là một trong những saponin chính có trong thất diệp nhất chi hoa, Một cây thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị ung thư ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Polyphyllin VI làm suy giảm khả năng tồn tại của các tế bào ung thư vú. Hơn nữa, khi được áp dụng với liều lượng nhỏ gây độc tế bào, Polyphyllin VI đã giúp ngăn chặn sự di căn của các tế bào ung thư vú.

Công dụng

Theo Y học cổ truyền cây có vị ngọt, tính bình, hơi cay, không có độc.

Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng viêm (trong trường hợp rắn độc cắn).

Công dụng, chỉ định và phối hợp với Thất diệp nhất chi hoa:

  • Rắn độc cắn và sâu bọ đốt.
  • Mụn nhọt, viêm tuyến vú, viêm mủ da.
  • Sốt rét, ho lâu ngày, hen suyễn.
  • Còn dùng trị yết hầu, bạch hầu, trẻ em lên sởi có viêm phổi, quai bị, lòi dom.

Ngày dùng 6-15g. dưới dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài da thì dã nát đắp lên chỗ sưng không kể liều lượng. Có thể dùng Tảo hưu giã nát với giấm sau đó đắp lên vùng da bị rắn cắn, mụn nhọt.

Ở Trung Quốc, dân gian cho là thuốc giảm đau, giải nhiệt và giải độc, có khả năng trị kinh phong, lắc đầu, lè lưỡi. Cũng có thể trị bệnh phổi và giang mai. Dân gian thường dùng làm mát khi bị sưng đau và hen suyễn.

Kiêng kỵ

Thận trọng đối với các chứng hư và phụ nữ có thai.

Kết luận

Thất diệp nhất chi hoa được sử dụng từ xưa nhưng biết đến rộng rãi trong những năm gần đây được sử dụng như một dược liệu đông y với nhiều công dụng đang ngày càng được được nghiên cứu. Công dụng của cây thuốc được khai thác điều trị hiệu quả ở nhiều nơi vùng núi phía bắc Việt Nam, đặc biệt với những vết thương do côn trùng cắn, tuy vậy đây cũng là loại cây hiếm và phân bố hẹp nên chúng ta cần biết cách sử dụng đúng để góp phần bảo tồn dược liệu.

Bài viết liên quan

Leave a Comment