Cây thuốc, Vị thuốc

Tầm bóp: Cây thuốc với những chùm quả “lồng đèn”

Nếu ai đã một lần nhìn thấy cây tầm bóp, sẽ dễ dàng ghi nhớ và nhận biết nó. Nhờ vào những chùm quả lủng lẳng như những chiếc lồng đèn treo trên cành. Đặc biệt khi chín, trái cây chuyển màu cam đỏ, trông lại càng đẹp mắt. Nhưng không chỉ có đẹp mắt, Tầm bóp còn là một vị thuốc. 

1. Mô tả đặc điểm cây Tầm bóp

Tầm bóp có tên khoa học Physalis angulata L., thuộc họ Cà (Solanaceae). Nó còn được gọi bằng những cái tên khác như Thù lù, Lồng đèn, Bùm bụp.

Đây là loại cây thảo sống hàng năm, cây cao 50 – 70cm, phân cành nhiều. Thân cây có gốc, thường rủ xuống. Thân rỗng, có gân, đường kính thân 1 – 2cm.

Lá mọc so le, hình bầu dục, màu xanh, chia thùy hoặc không. Kích thước lá dài cỡ 3-15 cm và rộng 2-10 cm. Lá nối liền với thân bằng một cuống lá dài khoảng 3-4 cm.  Viền lá có răng cưa không đều. Một cây có thể có tới 200 lá.

 Cây Tầm bóp
Cây Tầm bóp

Hoa mọc đơn độc, có cuống mảnh. Đài hình chuông, phủ lông, xẻ tới phần giữa thành 5 thùy hình mũi mác nhọn. Cánh hoa màu vàng tươi hay màu trắng nhạt, có khi thêm vài chấm tím ở gốc.

Cây Tầm bóp cho quả quanh năm. Quả mọng, hình cầu, bề mặt nhẵn. Quả lúc non màu xanh, khi chín màu cam đỏ. Bên ngoài quả có một lớp đài bao trùm bên ngoài giống như lồng đèn, lớn lên cùng với quả, dài 3 – 4cm.

Vì vậy mà cây tầm bóp còn có tên gọi là cây lồng đèn. Lớp bao này khi bị bóp vỡ phát ra tiếng kêu “lụp bụp”. Quả Tầm bóp mọng nước, ăn thử có vị chua đắng đặc trưng. Trong mỗi quả tầm bóp đều chứa nhiều hạt nhỏ li ti, hình thận, màu vàng nhạt.

2. Phân bố

Trên thế giới, cây phân bố tại các vùng nhiệt đới, liên nhiệt đới như vùng Nam Mỹ, nhiệt đới châu Phi, Ấn Độ, Afghanistan, Trung Quốc,…

Tại Việt Nam, cây thường mọc ở các bãi hoang, trên các đường làng, bờ ruộng, ven rừng,…. Từ vùng thấp đến nơi có độ cao 1500m.

 Các bộ phận rễ, thân, lá, quả Tầm bóp đều được dùng để làm thuốc
Các bộ phận rễ, thân, lá, quả Tầm bóp đều được dùng để làm thuốc

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Tất cả các bộ phận của cây (rễ, thân, lá, quả) đều có thể được dùng làm thuốc. Dược liệu sau khi thu hái về đem giũ sạch đất cát, rửa sạch. Có thể phơi sấy khô hoặc dùng tươi trực tiếp.

Lưu ý bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt có thể làm hư hại thuốc.

4. Thành phần hóa học

Nghiên cứu về thành phần hóa học cho thấy trong cây Tầm bóp chứa một số hợp chất thuộc nhóm alkaloid, steroid thực vật, flavonoid và một số hợp chất khác.

  • Các hợp chất steroid gồm: Physalin A, B, E, F, G, H, I, J; Withangulin A; Physagulin C, A, B, D. Trong rễ, thân, lá chứa Stigmasterol, Sitosterol, Physangulidine. Trong hoa, quả chứa Withanone, Withanolide A.
  • Các hợp chất flavonoid gồm: 1-O-methylated flavonol, Myricetin 3-O- neohesperidoside
  • Các hợp chất khác gồm: Acid chlorogenic, Cholin, Ixocarpanolit, Myriceti, Vamonolit,…

5. Tác dụng dược lý của Tầm bóp

Một số nghiên cứu về Tầm bóp cho thấy:

  • Nó là một chất kích thích miễn dịch hiệu quả, rất độc đối với nhiều loại ung thư và tế bào ung thư bạch cầu, và nó có tính chất chống vi trùng.
  • Physalin F và D trích từ cây Tầm bóp có hoạt tính diệt tế bào trên 8 dòng tế bào ung thư (5 dòng ở người, 3 ở động vật).
  • Physalin B, D, F, G có khả năng ức chế sự sinh trưởng của kí sinh trùng sốt rét.
  • Một số nghiên cứu invitro của dịch chiết cây Tầm bóp có khả năng chống lại các siêu vi khuẩn bại liệt, sởi, bạch cầu.

6. Công dụng của cây Tầm bóp

Theo Y học cổ truyền, cây Tầm bóp vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, chữa ho trừ đàm, làm mềm những khối cục kết rắn trong người (nhuyễn kiên tán kết). Cụ thể:

  • Quả có vị chua, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, chủ trị các chứng bệnh như cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, nôn, nấc.
  • Tầm bóp đắp ngoài trị đinh sang, mụn nhọt
  • Có thể hỗ trợ điều trị đái tháo đường
  • Lá cây Tầm bóp có thể trị các chứng rối loạn của dạ dày.

7. Một số bài thuốc sử dụng cây Tầm bóp

7.1. Bài thuốc trị đái tháo đường

Dùng khoảng 20 gram rễ cây rau tầm bóp tươi nấu cùng với chu sa và tim lợn để dùng liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 1 lần. Tuy nhiên Chu sa là vị thuốc có độc, nên tốt nhất mọi người không nên tự ý nấu, mà cần nhờ đến thầy thuốc.

7.2. Bài thuốc trị ho khan, viêm họng, thủy đậu, ban đỏ, tiểu ít

Dùng khoảng 20 gram cây tầm bóp khô, sắc nước uống mỗi ngày, liên tục trong khoảng 4 ngày.

7.3. Bài thuốc trị đinh độc, nhọt vú

Sử dụng khoảng 60 gram cây tầm bóp tươi giã rồi vắt lấy nước uống. Bã còn lại dùng để nấu nước rửa vết thương hằng ngày.

Bài viết liên quan

Leave a Comment