Cây thuốc, Vị thuốc

Quả sung: Tác dụng và các bài thuốc chữa bệnh

Quả sung là loại quả đi liền với cuộc sống người dân. Quả được biết nhiều thông qua các món ăn dân dã. Ngoài ra, quả còn mang đến nhiều công dụng chữa bệnh. Quả sung chữa béo phì, trĩ, thiếu máu, tăng tiết sữa

Quả sung là gì?

Quả sung còn có tên gọi là ưu đàm thụ, vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả. Quả có tên khoa học là Ficus racemosa, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).

Quả mọc dạng chùm tạo các cành ngắn nhỏ trên thân cây già. Có khi mọc ở nách lá trên các cành non hoặc trên các cành nhỏ đã già. Quả sung mọc thành nhóm, khi chín có màu đỏ nâu, hình quả lê. Quả sung thuộc loại quả giả, từ đế hoa tạo thành. Phần quả có đường kính 3-3,5 cm, lông mịn phủ trên bề mặt quả. Cuống ngắn, dài khoảng 1-2 cm.

Ra hoa trong khoảng tháng 5 – 7.

 

Quả sung khi chín có màu đỏ cam hoặc đỏ nâu
Quả sung khi chín có màu đỏ cam hoặc đỏ nâu

Công dụng của quả sung

Thành phần hóa học

Gluanol acetat là thành phần chính chứa trong quả. Ngoài ra quả sung còn bao gồm các loại như glucanol, acid tiglic, taraxasterol, lupeol acetat, friedelin.

Mủ từ quả hoặc cây có chứa các loại steroid như euphol, isoeuphorbol, β-sitosterol, 4-deoxyphorbol, cycloartenol, và cycloeuphordenol.

Tính chất dược lý

Hoạt tính hạ đường huyết

β-Sitosterol được phân lập từ vỏ thân được báo cáo là có hoạt tính hạ đường huyết mạnh.  Một thí nghiệm khác cũng cho thấy chiết xuất methanol của trái sung có tác dụng hạ đường huyết tốt ở liều 1, 2, 3 và 4 g / kg,  ở chuột.  Một nghiên cứu khác của Ahmad và Urooj cho thấy chiết xuất nước từ vỏ thân cây có hoạt tính hấp thu glucose cao hơn. Đồng thời, giảm glucose, có thể so sánh với cám lúa mì và acarbose.

Hoạt tính chống viêm và bảo vệ niêm mạc dạ dày

Dịch chiết quả sung (50% etanol) thể hiện khả năng chống viêm loét dày  trên các mô hình chuột khác nhau với ba liều (50, 100 và 200 mg / kg, hai lần mỗi ngày, đường uống) trong năm ngày. Chiết xuất ức chế vết loét ở tất cả các mô hình nêu trên phụ thuộc vào liều lượng.  Một chiết xuất tương tự làm giảm tổn thương oxy hóa niêm mạc của dạ dày bằng cách ức chế hoạt động của enzym như của H + / K + ATPase và superoxide dismutase.

Công dụng

Quả sung có tác dụng chữa bệnh phong, rong kinh, rong huyết,  rối loạn đông máu, bỏng, giun sán, ho khan, viêm đường tiết niệu.

Lá được dùng chữa  viêm phế quản, đại tiện, mót rặn. Nước sắc của lá được dùng chữa vết thương.

Mủ từ quả hoặc cây có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm phù nề, thúc đẩy lành vết thương. Đặc biệt giảm tiêu chảy và kiết lỵ ở trẻ em. Ngoài ra còn cải thiện tình dục ở nam giới.

 

Quả sung có tác dụng chữa ho, giun sán
Quả sung có tác dụng chữa ho, giun sán

Bài thuốc kinh nghiệm

1. Viêm họng

Sung tươi gọt vỏ, thái phiến mỏng, sắc lấy nước. Thêm đường phèn, đun nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hàng ngày đến khi khỏi.

2. Ho khan không đờm

Sung chín tươi gọt bỏ vỏ, nấu với gạo tỉ lệ 1:1 thành cháo chia ăn 2-3 lần trong ngày.

3. Viêm loét dạ dày tá tràng

Quả sung sao khô tán bột, uống 2-3 lần/ ngày, mỗi lần 6-9g với nước ấm.

4. Tiêu hoá kém, kém hấp thu

Quả sung 30g, thái mỏng nhỏ, sao hơi cháy, hãm 10g với nước sôi trong bình kín mỗi ngày. Đun khoảng 20p, pha thêm đường phèn, uống thay trà trong ngày.

5. Táo bón

Sung tươi 9g thái phiến mỏng, sắc uống hàng ngày.

Sung chín ăn 3-5 quả mỗi ngày.

6. Trĩ

Sung tươi 6g, rễ thị 9g, sắc lấy nước uống. Có thể dùng lá sung thay thế. Dùng lá sung sắc lấy nước. Xông ngâm vùng trĩ khoảng 30p.

7. Sản phụ thiếu sữa, sau sinh suy nhược

Sung tươi 120g, móng lợn 500g, hầm nhừ hai thứ hoặc nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

8. Viêm khớp

Sung tươi lượng vừa đủ đem hầm với thịt lợn nạc ăn.

Sung tươi 2-3 quả rửa sạch thái mỏng, bằm nhỏ rồi chiên với trứng gà. Dùng ăn trong ngày

Quả sung là vị thuốc cũng là món ăn dân dã với nhiều dinh dưỡng. Quả có tác dụng trong chữa các chứng đau dạ dày, táo bón, trĩ, béo phì. Đồng thời, đây là loại quả có triển vọng nghiên cứu hỗ trợ điều trị hạ đường huyết. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment