Cây thuốc, Vị thuốc

Quả sim và những công dụng đối với sức khỏe

Vốn là một hình tượng điển hình trong thơ ca Việt Nam, hoa sim mang vẻ đẹp e lệ của người thiếu nữ mới lớn. Hoa sim không chỉ đẹp, mà sim từ lâu đời đã được sử dụng như một loại thuốc trong y học cổ truyền. Chúng ta hãy tìm hiểu xem công dụng của quả sim là như thế nào nhé. 

Quả sim là gì?

“Chiều buồn cánh tím rung rinh
Sắc hoa e ấp trong ngần từ lâu.”

Quả sim thường được gọi là hồng sim, dương lê, đào kim nương, nẫm tử, sơn nẫm,… Các nhà khoa học gọi nó với cái tên là Rhodomyrtus tomentosa, thuộc Họ trầm (thymelacaceae)

Mô tả thực vật

Bên cạnh là một loại quả rừng ngon, quả sim còn là một vị thuốc quý. Cây sim thuộc dạng cây bụi, có chiều cao 1 – 3m, phân thành nhiều cành. Trên cành non có cạnh, nhiều lông mềm. Lá sim mọc đối, hình trứng thuôn, phiến dày, có 3 gân chính. Lông tơ nằm ở mặt dưới. Hoa sim mọc riêng lẻ, hoặc tập trung 2 – 3 cái ở kẽ lá, có màu hồng tím. Thuộc họ quả mọng (giống phúc bồn tử), khi chín màu tím sẫm, ăn được. Hạt nhiều và nhỏ.

 

Quả sim là một loại quả mọng
Quả sim là một loại quả mọng

Phân bố

Trên thế giới

Cây sim có nguồn gốc bản địa ở khu vực nam và đông nam Á, từ Ấn Độ về phía đông tới miền Nam Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, và về phía nam tới Sulawesi và Malaysia. Loài này ưa thích khí hậu ven biển, trong rừng tự nhiên, ven sông suối. Nó cũng mọc được trong các rừng ẩm ướt, rừng ngập nước, kể cả độ cao đến 2400 m so với mực nước biển.

Tại Việt Nam

Ở Việt Nam, cây sim mọc hoang ở nương rẫy bỏ hoang hoặc các vùng đồi. Hiện nay, tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và ven biển nước ta, đặc biệt là ở đảo Phú Quốc, loại sim lớn này mọc rất nhiều. Người dân thường thu hái sim để làm rượu. Loại rượu này uống rất ngon và nhiều công dụng, không khác gì rượu nho.

Thành phần hóa học

Cả cây chứa tanin.

Quả có chất béo, protein, glucid,  thiamin, riboflavin, acid nicotinic và vitamin A.

Thân và lá sim có nhiều hợp chất triterpen như acid betulinic; taraxerol, betullin,…

Nụ sim có nhiều flavonic, riboflavin, tanin, acid nicotinic, flavonic, riboflavin…

 

Rượu sim vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe
Rượu sim vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe

Công dụng quả sim

Theo y học hiện đại

Điều trị rối loạn đường tiêu hóa

Theo nghiên cứu, Rosli và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng chiết xuất cồn của R. tomentosa có đặc tính ức chế mạnh đối với Escherichia coli và S. aureus. Ngoài ra, chiết xuất cồn từ ​​lá sim đã được chứng minh là tác nhân chống lại vi khuẩn E. coli- một tác nhân gây bệnh qua đường thực phẩm. Vì vậy, chiết xuất lá sim có tiềm năng phát triển thêm thành chất kiểm soát sinh học để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Kháng viêm

Trong nghiên cứu, GS.Jeong và các đồng nghiệp đã lần đầu tiên xác định hoạt tính chống viêm của cây sim trong ống nghiệm. Kết quả cho thấy rằng dịch chiết cồn từ lá sim có khả năng ức chế sản xuất NO và prostaglandin E2 (các hóa chất trung gian gây viêm).

Ngoài ra, rhodomyrtone từ lá sim làm giảm chứng viêm da ở chuột thí nghiệm. Nghiên cứu cho thấy, rhodomyrtone có hiệu quả trong điều trị bệnh vẩy nến, thông qua việc ức chế tăng sinh tế bào sừng

Tóm lại là, R. tomentosa có tác dụng chống viêm. Điều này mở ra khả năng sử dụng các sản phẩm tự nhiên có lợi cho sức khỏe giúp phòng ngừa và điều trị viêm.

Chống oxy hóa

Quá trình oxy hóa gây ra hàng trăm loại bệnh ở con người. Chúng gây ra phá hủy màng tế bào, biến đổi protein, và tổn thương DNA,… Các chất chống oxy hóa từ các sản phẩm tự nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh do gốc tự do gây ra. Trong số đó, quả sim đã được xác định là một loại quả có khả năng chống oxy hóa hiệu quả.

Hỗ trợ điều trị ung thư

Chiết xuất cồn của rễ cây sim cho thấy khả năng ức chế tăng sinh đáng kể các tế bào ung thư. Đồng thời, rhodomyrtone từ lá sim cũng làm chậm quá trình phân bào, gây ra chết tế bào ung thư theo quá trình tự nhiên, ức chế tăng sinh tế bào ung thư ở biểu bì.

Theo y học cổ truyền

  • Quả sim có vị ngọt, chát, mùi thơm
  • Có tác dụng dưỡng huyết, chỉ huyết (cầm máu), sáp trường (cầm tiêu chảy)
  • Dùng chữa các chứng ói ra máu, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, lị, tai ù, di tinh, băng huyết, đới hạ …

Những lưu ý khi sử dụng quả sim

 

Người nông dân đang lên rừng hái sim
Người nông dân đang lên rừng hái sim
  • Những người bị táo bón do nhiệt không nên dùng để uống vì lá sim, búp sim và rễ sim có chứa nhiều chất chát.
  • Khi ngâm rượu sim, nên phơi sim qua 1-2 nắng để khô bớt nước. Không nên để quả tươi, vì như thế rất dễ bị hỏng, có mùi khó chịu.
  • Cây sim ngoài là một dược liệu quý, nó còn có tác dụng giữ đất, nước, chống xói mòn. Vì vậy, cần khai thác sim một cách hợp lí. Chỉ nên hái trái ngâm rượu, làm thực phẩm, làm thuốc. Không nên lấy rễ sim, làm mất đi thảm thực vật quan trọng giữ nguồn nước cho vùng đất cao.

Qua bài viết này chúng ta thấy quả sim và lá sim có thật nhiều công dụng phải không nào. Ngoài là một loài cây ăn trái, nó còn là vị thuốc có nhiều công dụng. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia, quả sim được dùng để điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, bệnh phụ khoa, đau dạ dày và làm lành vết thương.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng ra sức nghiên cứu để biết cụ thể cơ chế sinh học của mỗi chất trong quả sim, lá sim. Hay cơ bản hơn, chúng được sử dụng để làm các thực phẩm khác nhau như rượu, trà và mứt. Hi vọng các bạn đã có thời gian đọc hữu ích về tác dụng của loại thực vật núi rừng này.

Bài viết liên quan

Leave a Comment