Cây thuốc, Vị thuốc

Qua lâu nhân: Vị thuốc cổ truyền hay

Qua lâu nhân là hạt của cây Qua lâu. Trong hạt chứa nhiều hợp chất có tác dụng chữa bệnh. Từ lâu, vị thuốc này đã được Y học cổ truyền sử dụng để giảm sốt, ho, táo bón, hỗ trợ tiêu hóa… Một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh thêm nhiều tác dụng của loại hạt này.

1. Sơ lược về Qua lâu nhân

Qua lâu nhân còn gọi là hạt thảo ca, quát lâu nhân. Tên khoa học là Semen Trichosanthis. Thuộc họ Bí Cucurbitaceae.

Đây là hạt phơi hay sấy khô của nhiều loài Trichosanthes như Trichosanthes kirilowii Maxim., Trichosanthes multiloba Miq. v.v… Loại trái giống như quả bầu được tìm thấy ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Tất cả các bộ phận của cây Qua lâu đều được sử dụng làm thuốc.

  • Quả – Fructus Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu.
  • Vỏ quả – Pericarpium Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu bì.
  • Hạt – Semen Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu nhân.
  • Rễ củ – Radix Trichosanthis, thường gọi là Thiên hoa phấn.

Tuy nhiên, các phần khác nhau của cây được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau.

2. Mô tả dược liệu

Hiện nay, cây mới được phát hiện và thu mua ở Cao Bằng. Mùa thu hoạch hạt từ tháng 6 đến tháng 9. Sau đó, hạt được đem phơi hoặc sấy khô.

Hạt Qua lâu được bao bởi thịt quả. Hạt hình elip dẹt, dài 12-15mm, rộng 6-10mm, dày khoảng 3,5mm. Mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu thẫm, trơn nhẵn. Xung quanh mép hạt có rãnh tròn. Đỉnh hạt tương đối nhọn, có rốn hình điểm, lõm xuống. Đáy hạt tròn tù. Vỏ hạt ngoài cứng, vỏ hạt trong là màng mỏng, màu lục xám, bọc lấy 2 lá mầm dày, màu trắng vàng, chứa nhiều dầu.

Mùi nhẹ, vị hơi ngọt diu, hơi đắng.

Qua lâu nhân
Qua lâu nhân

3. Thành phần chứa trong Qua lâu nhân

Hạt Qua lâu chứa 16,8% axit béo không bão hòa, 5,46% protein và 17 loại axit amin, saponin, nhiều vitamin và 16 loại nguyên tố vi lượng, như canxi, sắt, kẽm, selen.

4. Công dụng của Qua lâu nhân

4.1. Theo Y học cổ truyền

Tính vị: ngọt,hơi hàn. Quy kimh phế, vị, đại trường.

Tác dụng: thanh nhiệt hoá đàm, khoan hung tán kết, nhuận trường thông tiện.

Chỉ định:

Điều trị đàm nhiệt khái xuyễn thường dùng cùng với bối mẫu, tri mẫu.  Nếu đàm nhiệt nội kết, ho có đàm đặc dính, tức ngực, đại tiện bí, thường dùng cùng với hoàng cầm, đởm nam tinh, chỉ thực như bài thanh khí hoá đàm hoàn.

Điều trị căng tức ngực do đàm trọc trở trệ thường dùng cùng với giới bạch. Gần đây dùng trong điều trị bệnh lý mạch vành, có thể dùng một vị qua lâu hoặc phối hợp với trầm hương, uất kim, hương phụ để điều trị thể khí trệ, phối hợp với đan sâm, hồng hoa, đào nhân để điều trị thể huyết ứ.

Điều trị viêm phổi gây ho ra máu mủ, thường dùng cùng với lô căn, ngư tinh thảo. Điều trị viêm tuyến vú, xưng nóng đỏ thường dùng cùng với đương quy, nhũ hương, một dược như bài thần hiệu qua lâu tán.

Điều trị đại tiện táo bón, qua lâu nhân có tác dụng thông tiện, thường dùng cùng với hoả ma nhân.

Liều dùng: 10 – 20g.

Chú ý: cấm dùng khi tỳ hư, hàn đàm, thấp đàm.

4.2. Theo Y học hiện đại

Một số nghiên cứu đã chứng minh tác dụng tốt của Qua lâu nhân đối với một số bệnh lý ở người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh:

  • Kháng ung thư
  • Kháng viêm và chống oxy hóa;
  • Cải thiện và điều hòa hệ miễn dịch;
  • Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường;
  • Dãn vành, tăng lưu lượng máu đến động mạch vành, giảm nguy cơ bị thiếu máu cơ tim cấp;
  • Ức chế mạnh sự tăng sinh của virus HIV trong nghiên cứu in vitro;
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp;
  • Giảm lipid máu;
  • Giúp giảm cân, cải thiện vóc dáng.

5. Cách dùng – Liều dùng 

Liều dùng: Qua lâu nhân 12 – 16g/ngày; dưới dạng thuốc sắc.

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều vị thuốc này có thể dẫn đến các phản ứng bất lợi, chẳng hạn như đau dạ dày, buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy.

6. Các bài thuốc có Qua lâu nhân

6.1. Chữa táo tón

Qua lâu nhân 15g, Cam thảo 3g, đem sắc lấy nước dùng. Cho một ít mật nếu cảm thấy khó uống.

6.2. Chữa thấp khớp mạn tính

Qua lâu nhân, Thạch cao, Thổ phục linh, Sinh địa, Rau má, Kê huyết đằng, Cốt toái bổ, Đơn sâm, Uy linh tiên, Khương hoạt, Hy thiêm, Độc hoạt mỗi vị 12g; Bạch chỉ 8g và Cam thảo 4g. Đem sắc lấy nước, ngày uống 1 thang.

6.3. Chữa viêm tuyến vú cấp tính, vú sưng nóng nổi mẩn đỏ gây đau và sốt

Qua lâu nhân, Bồ công anh và Kim ngân hoa mỗi vị 15g đem sắc cùng với nước đến khi cô đặc để dùng.

6.4. Chữa viêm họng, tắt tiếng

Qua lâu nhân, Bạch cương tằm, Cam thảo mỗi vị 10g; Gừng tươi 4g. Đem tất cả sắc cùng với 5 phần nước còn 2 phần nước để dùng. Chia làm 2 lần nhỏ dùng sau mỗi bữa ăn.

6.5. Chữa viêm phế quản, đau thắt ngực do đàm vàng hoặc áp xe phổi

Qua lâu nhân và Bồ công anh mỗi vị 12g; Toàn qua lâu và Ý dĩ nhân mỗi vị 15g; Kim ngân hoa, Bán hạ và Cát cánh mỗi vị 10g; Hoàng liên 4g. Đem sắc cùng với nước, có thể chia thành các phần nhỏ cho dễ dùng.

Bài viết liên quan

Leave a Comment