Lý luận cơ bản YHCT

Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp chẩn đoán theo YHCT

[toc]

I. Nguyên nhân gây bệnh theo y học cổ truyền.

Theo y học cổ truyền, có hai nguyên nhân gây bệnh lớn là ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài) và nội nhân (nguyên nhân bên trong). Ngoài ra, còn  có một số nguyên nhân khác gọi là bất nội ngoại nhân.

1. Ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài)

Có lục dâm (6 nguyên nhân xấu). Sáu nguyên nhân này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, đó là: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Đó là lục khí của trời, ở điều kiện bình thường lục khí này vô hại đối với con người. Song với điều kiện bất thường, lục khí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của con người. Trên cơ sở đó mà phát sinh ra bệnh tật. Tuy nhiên nếu cơ thể sức đề kháng giảm thì ngay trong điều kiện bình thường cũng vẫn có thể phát sinh ra bệnh.

1.1. Phong

Phong là chủ khí của mùa xuân, song 4 mùa đều có phong tà. Tuy nhiên, khí của thấp, nhiệt, táo, hàn đều dựa vào phong để nhập vào cơ thể mà gây ra bệnh và lúc đó gọi là phong ôn, phong nhiệt, phong hàn, phong thấp. Đặc điểm của bệnh phong là lưu động và nhanh chóng chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác. Ví dụ sau một chuyến đi xe bị lạnh, bệnh nhân bị sưng mặt, méo miệng, lệch mắt… Hoặc sáng đau khớp vai, chiều đau khớp khuỷu, tối đã chuyển xuống cổ tay…

Bệnh phong chia ra 2 loại:

– Ngoại phong:

Phong đưa lại do những nguyên nhân bên ngoài như phong tà đưa lại bệnh ngoại cảm phong tà, ví dụ cảm mạo phong hàn hoặc cảm mạo phong nhiệt.

Do phong thuộc loại dương tà nên bệnh thường thuộc loại dương biểu, thường có sốt, có đau đầu, ngứa họng, bụng đầy, nôn… Ngoài ra có những bệnh do có đặc điểm nhanh chóng cũng được gọi là phong như: sởi, phát ban…

– Nội phong:

Bệnh phong do trong cơ thể phát ra.

Ví dụ nhiệt cực sinh phong. Do nguyên nhân sốt cao mà gây phong dẫn đến  co giật. Can phong nội động dẫn đến động kinh, kinh giản… gây co giật. Hoặc huyết hư sinh phong dẫn đến ngứa, chàm, dị ứng nội sinh.

Để chữa bệnh phong, phải căn cứ vào các nguyên nhân cụ thể mà nó dẫn đến. Ví dụ ngoại phong gây cảm mạo thì dùng thuốc tân ôn hoặc tân lương kiêm trừ phong. Huyết hư sinh phong thì phải dùng thuốc chữa về huyết “trị phong tiên trị huyết”, phải dùng thuốc bổ huyết. Nếu do huyết trệ gây phong (phong ngứa, dị ứng) thì phải dùng thuốc hành huyết “huyết hành phong tự diệt”, muốn huyết hành phải dùng kèm thuốc hành khí “khí hành huyết hành”.

1.2. Hàn

– Ngoại hàn:

Nguyên nhân chính là do lạnh gây ra. Lạnh làm tổn thương đến dương khí. Ở mức độ nhẹ, hàn là còn ở phần biểu, gây cảm mạo phong hàn: sốt cao, rét run, đau đầu, đau họng… Bệnh hàn có đặc điểm là ngưng trệ. Khi hàn có khuynh hướng hút sâu vào phía trong rồi ngưng đọng gây ra tích trệ, đau tắc do huyết ứ, khí tắc. Khi đó cơ thể sẽ mắc chứng “trúng hàn”, tức nguyên nhân hàn đã vượt qua hàng rào “biểu” vào tới tạng phủ. Tạng mà hàn dễ nhập vào đó là tỳ và phế.

Để điều trị các bệnh ngoại hàn nói chung. Y học cổ truyền dùng thuốc tân ôn giải biểu (đối với cảm hàn), dùng thuốc ôn lý trừ hàn (khi hàn nhập lý).

– Nội hàn:

Nguyên nhân chính là do nội tạng thiếu dương khí, đó là trường hợp tâm dương hư, biểu hiện tay chân giá lạnh, sợ gió. Hoặc thận dương hư biểu hiện xương cốt, lưng, gối đau lạnh, đi ngoài sống phân hoặc ỉa chảy. Khi ăn nhiều thức ăn sống lạnh cũng dễ dẫn đến chứng nội hàn.

Thuốc dùng cho các bệnh thuộc chứng nội hàn thường có vị cay, tính ôn nhiệt hoặc các loại thuốc bổ dương…

1.3. Thử:

Thử có liên quan đến hỏa, đều là chủ khí của mùa hạ. Thử là nóng là dương nhiệt, tính chất chủ thăng, chủ tán. Do vậy nếu thử mà thâm nhập vào người thì làm cho tấu lý nhiều mồ hôi mà tổn thương đến nguyên khí và tổn thương tân dịch, do đó dẫn đến đau đầu, chóng mặt, bồn chồn háo khát. Nếu thử quá mạnh nhập sâu vào cơ thể gọi là “trúng thử”, trúng thử dẫn đến bất tỉnh nhân sự, sốt cao, mê sảng, đờm nhiều và sẽ ảnh hưởng đến tạng phế gây ho, nục huyết, khái huyết…

Thuốc dùng cho chứng thử thường phải có vị đắng tính bình hoặc lương, đa phần là sinh tân chỉ khát, ví dụ các loại thanh nhiệt giải thử (rễ sắn dây tươi, Rau má, rễ đạm trúc diệp,  cát căn…). Nếu đã “trúng thử” thì phải dùng thuốc giải thử, thuốc thanh nhiệt tả hỏa kiêm hóa đờm, thanh nhiệt lương huyết.

1.4. Thấp

Thấp là chứng ẩm thấp, là chủ khí của mùa trưởng hạ, do vậy trưởng hạ đa phần dẫn đến bệnh thấp.

– Thấp ngoại:

Nguyên nhân gây thấp ngoại là thấp ở bên ngoài đưa đến. Đó là nguyên nhân ẩm thấp của môi trường khí hậu nơi sinh sống hoặc nơi làm việc. Ví dụ thấp ngoại thường xảy ra với những người làm việc ở điều kiện tiếp xúc nhiều với nước, bùn đất hoặc sinh sống trong các nơi có độ ẩm không khí cao. Khí thấp tà xâm nhập vào cơ thể thường thấy ở các bộ phận phía dưới như chân, các khớp đau nhức sưng phù tê bì, hoặc đau lưng, đau vai… Nếu thấp ở phần trên thì đầu có cảm giác nặng, chảy nhiều nước mắt, nước mũi, thấp ở biểu, lúc nóng lúc lạnh.

– Thấp nội:

Bệnh thường phát sinh từ tỳ vị do ăn nhiều các thức ăn tính lạnh, tính nhờn béo, làm cơ thể khó hấp thu, khó chuyển hóa, có khi do các cơ quan khác chuyển tới. Ví dụ bệnh hoàng đản nguyên nhân từ can đởm song ảnh hưởng đến tỳ vị mà gây thấp nội thường biểu hiện bụng đầy chướng, buồn nôn.

Các thuốc có liên quan đến bệnh thấp đó là thuốc hóa thấp, lợi thấp và trừ thấp. Ngoài ra thấp thường đi đôi với một số triệu chứng khác như phong gọi là phong thấp, đi đôi với hàn gọi là hàn thấp, đi với nhiệt gọi là thấp nhiệt… Khi đi kèm với các triệu chứng này, về mặt thuốc cũng cần có sự kết hợp hài hòa. Ví dụ bệnh phong thấp phải kết hợp vừa thuốc trừ thấp vừa thuốc trừ phong…

1.5. Táo

Táo là khô ráo, là chủ khí của mùa thu, tính của táo là khô, tương ứng với khí của phế. Khi phế thông với bì mao, biểu lý với đại tràng. Do đó các triệu chứng của táo gây ra với cơ thể là da khô, mũi khô, môi khô, họng đau ho và đại tràng táo kết.

– Táo ngoại:

Táo do khí hậu kho hanh dẫn đến.

– Táo nội:

Do huyết hư, tân dịch không đầy đủ. Biểu hiện cơ thể háo khát, tiểu tiện ngắn đỏ, đại tiện táo kết hoặc trường phong hạ huyết, da khô, xanh gầy, nhiều khi uống thuốc không đúng cũng gây táo nội. Ví dụ uống nhiều thuốc có tính cay nóng hoặc lợi tiểu… cũng gây táo, hoặc ăn uống kém, ít vận động cũng gây táo nội.

Các loại thuốc có liên quan đến chứng táo đó là: các loại thuốc ttả hạ, nhuận hạ, thuốc sinh tân chỉ khát, thuốc thanh nhiệt lương huyết, thuốc bổ âm…

1.6. Hỏa

Hỏa là nhiệt ở mức độ cao, có liên quan đến thử. Cũng là chủ khí của mùa hạ.

Nắng và nóng là nguyên nhân trực tiếp gây ra chứng hỏa. Khi mắc trứng hỏa thì tạng phủ tân dịch khí huyết trong cơ thể bị thiêu đốt, cơ thể sốt cao, phát cuồng, hôn mê.

Các chứng phong hàn, thử, thấp, táo đều có thể dẫn đến hỏa gọi là phong hóa hỏa, thử hóa hỏa, thấp hóa hỏa, táo hóa hỏa. Khi đã chuyển sang giai đoạn hỏa thì bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn, khó chữa hơn. Triệu chứng của bệnh hỏa nói chung sốt cao, mặt đỏ nhừ, mắt đỏ, môi khô nứt nẻ, miệng loét, họng lợi sưng đỏ…

Các thuốc có liên quan đến triệu chứng hỏa là thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt lương huyết, thanh nhiệt giải độc…

2. Nội nhân (nguyên nhân bên trong)

Nội nhân có thất tình (bảy trạng thái, bảy nguyên nhân) của cơ thể ảnh hưởng đến sự phát sinh bệnh tật. Bẩy mức độ đó phản ảnh bảy mức độ khác nhau của tâm lý. Đó là: hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh.

– Hỷ (vui mừng):

Là một trạng thái của hoạt động tinh thần, vui mừng làm cho con người sảng khoái, phấn chấn. Nếu quá mức sẽ ảnh hưởng đến tạng tâm.

– Nộ: Là phẫn nộ, bực tức. Nộ hại can.

– Ưu (ưu sầu): Buồn rầu, hại phế.

– Tư (tư lự): Lo âu, hại tỳ.

– Bi (bi quan, chán nản): Hại phế, hại tỳ.

– Khủng (khủng khiếp): Hại tâm.

– Kinh (kinh hoàng): Hại tâm, hại thận.

Nếu cơ thể khỏe mạnh sẽ điều hòa được các yếu tố tâm lý nói trên, tức là điều hòa được âm dương trong cơ thể, nếu cơ thể không điều hòa lại được thì gây bệnh.

Trong hai nguyên nhân dẫn đến bệnh tật nói trên, giữa ngoại nhân (lục dâm) và nội nhân (thất tình), thì nội nhân vẫn là nguyên nhân chính, quyết định đến sức khỏe con người. Khi sức đề kháng của cơ thể  đủ mạnh thì thời tiết, khí hậu dù có biến đổi  cũng không dễ dàng làm cho cơ thể bị mắc bệnh.

3. Bất nội ngoại nhân

Gồm các nguyên nhân như bị đánh ngã, bị đâm chém, tên đạn, bị trùng tích (giun sán), thú vật cắn, các ký sinh trùng khác và  các yếu tố như : ăn uống, lao động, săc dục

II. Phương pháp chẩn đoán theo y học cổ truyền (tứ chẩn)

Khi xem xét bệnh tình của người bệnh cần xem xét toàn diện, trên cơ sở đó người thầy thuốc có điều kiện nắm chắc căn bệnh của bệnh nhân. Có như vậy mới thiết lập được phương dược chuẩn xác, phương thuốc có phù hợp mới đưa lại hiệu quả điều trị cao.

Tứ chẩn là 4 phương pháp chẩn đoán mà y học cổ truyền thường dùng để khám bệnh. Và ngày nay, việc kết hợp với các phương tiện chẩn đoán hiện đại là việc làm cần thiết để nâng cao hiệu quả khám và điều trị.

Bốn phương pháp chẩn đoán mà y học cổ truyền áp dụng là :

– Vọng chẩn: là phương pháp nhìn để khám bệnh.

– Văn chẩn: là phương pháp người thầy thuốc dùng tai nghe để chẩn đoán.

– Vấn chẩn : là phương pháp người thầy thuốc hỏi bệnh nhân để chẩn đoán.

– Thiết chẩn : là phương pháp bắt mạch để chẩn đoán. Đây là phương pháp hết sức quan trọng, cho các thông tin khá khách quan trong việc chẩn đoán. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment