Cây thuốc, Vị thuốc

Long cốt: vị thuốc từ xương hóa thạch

Long cốt là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong Đông y. Nó có tác dụng an thần, trị đổ mồ hôi, di tinh, hoạt tinh. 

Long cốt là gì?

Là hóa thạch xương động vật

Long cốt còn gọi là Phấn Long cốt, Thổ Long cốt. Nó có tên khoa học là Os Draconis. Đây là vị thuốc được hình thành do kết quả hóa thạch (hóa đá) của xương một số động vật thời cổ đại như voi mamut, tê giác, lợn rừng, …

Như vậy, ta thấy đây không phải xương của một động vật cố định nào. Trong 1 nghiên cứu ở Nhật Bản, người ta nghiên cứu trên 20.939 mảnh hóa thạch, bao gồm 19.766 xương (10,84 kg) và 1173 răng (3,73 kg). Các mẫu vật được phân loại bao gồm chủ yếu là các mảnh hóa thạch từ động vật móng guốc. Chúng được được chia vào ít nhất 9 họ động vật khác nhau.

Nguồn gốc khác nhau có tác dụng khác nhau không?

Điều lý thú là mặc dù có nguồn từ nhiều động vật khác nhau, chưa có báo cáo nào về sự khác nhau về tác dụng của các loại Long cốt. Cho thấy, tác dụng trong đông y của nó có thể đến từ thành phần chung của các loại xương. Việc này đặc biệt có ý nghĩa trong phát triển nguồn thuốc thay thế. Bởi vì rõ ràng xương hóa thạch của động vật thời cổ đại là nguồn hữu hạn.

Long cốt và Long xỉ

Long xỉ (Dens Draconis) là hóa thạch răng của các động vật cổ đại. Giữa Long xỉ và Long cốt cùng thành phần hóa học và cùng công dụng.

 

Long xỉ có thành phần từ hóa thạch răng
Long xỉ có thành phần từ hóa thạch răng

Tác dụng của Long cốt

Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu của Viện Y học Bắc Kinh năm 1958, trong Long cốt có nhiều hợp chất vô cơ. Thành phần chính là Ca2+, CO32-, PO43-, một lượng nhỏ Fe2+, Fe3+, Al3+, Mg2+, SO42-, Cl-, …

Tương tự kết quả trên, các nghiên cứu gần đây cho thấy thành phần hóa học chính trong Long cốt là CaCO3 và Ca3(PO4)2. Thành phần này không có sự thay đổi rõ ràng trước và sau khi nung, mặc dù có hình thành thêm một ít canxi oxit

Long cốt trong Y học cổ truyền

Y học cổ truyền phương đông đã sử dụng Long cốt trong trị bệnh từ hàng ngàn năm. Theo đó, nó có vị ngọt, sáp, tính bình. Vị thuốc này có khả năng trấn kinh, an thần, sáp tinh, liễm hãn.

Tức là Long cốt giúp ổn định tinh thần, dễ ngủ, đồng thời làm cầm mồ hôi và trị di tinh, hoạt tinh. Người ta thường dùng để trị hồi hộp, mất ngủ, thần trí không yên, đổ mồ hôi trộm. Hoặc trị tiêu chảy lâu ngày, vết loét lâu ngày không lành.

Một công thức thuốc có Long cốt là bài Sài hồ gia Long cốt Mẫu lệ thang đã được nghiên cứu trên mô hình chuột trầm cảm. Kết quả cho thấy bài thuốc này có tác dụng điều chỉnh hành vi ở chuột thông qua các cơ chế tương tự thuốc chống trầm cảm.

Cách dùng Long cốt

Do tính có thể chất cứng, rắn, vị thuốc này thường được bào chế bằng phương pháp nung. Việc này làm cho vị thuốc trở nên giòn xốp, có lợi cho việc nghiền, tán bột. Long cốt được nung trực tiếp bằng cách đặt tiếp xúc trực tiếp trong lò (nhiệt độ 800 °C đến 1000 °C ), nung cho đỏ đều, sau đó lấy ra để nguội.

Liều thông dụng của là 12 đến 20 gam, dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng làm thuốc rắc ngoài da.

Bài thuốc sử dụng Long cốt

Sau đây xin giới thiệu 2 bài thuốc cổ phương và một số bài thuốc trị bệnh thường gặp có sử dụng Long cốt.

Bài thuốc cổ phương Tang phiêu tiêu tán

– Tang phiêu tiêu, Đương qui, Viễn chí, Xương bồ, Long cốt, Phục thần, Miết giáp trích giấm. Mỗi vị 40g, tán bột, uống với nước sắc Nhân sâm, mỗi ngày uống 8g.

Chủ trị: tiểu nhiều lần, tiểu như nước vo gạo. Kèm tinh thần hốt hoảng, hay quên, đái dầm, …Bài thuốc cổ phương Kim tỏa cố tinh

– Sa uyển tật lê (sao) 80g, Liên tu 80g, Mẫu lệ (chính muối) 40g, Khiếm thực 80g, Long cốt (chích giấm) 40g. Các vị thuốc tán bột, thêm với bột Liên nhục làm thành hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần khoảng 12g vào lúc đói.

Chủ trị: đau lưng, mỏi gối, ù tai, di tinh, hoạt tinh.

Cường giáp thể can khí uất kết, âm hư hỏa vượng

Trong thể bệnh này, bệnh nhân nóng bứt rứt, bốc hỏa, đau tức hông sườn, thường cáu gắt, tức giận, tay chân run rẩy.

Sử dụng bài thuốc Dục âm thang gia giảm. Công thức Sa sâm 15g, Thiên đông 15g, Mạch đông 15g, Sinh địa 15g, Thiên hoa phấn 15g, Côn bố 15g, Hải tảo 15g, Ngũ bội tử 10g, Long cốt, Mẫu lệ mỗi vị 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Rối loạn nhịp tim thể âm hư dương vượng, tâm thận bất giao

Trong thể bệnh này, bệnh nhân mệt mỏi, thường hồi hộp, đánh trống ngực. Kèm đau lưng, mỏi gối, ù tai, tay chân có thể phù thũng, …

Dùng bài Bát vị an thần hoàn gia vị. Công thức gồm: Thục địa 15g, Sơn thù nhục 15g, Phục thần 15g, Xương bồ 12g, Hổ phách 12g, Táo nhân 30g, Nhân sâm 12g, Chính cam thảo 9g, Long cốt 30g, Đương qui 12g, Câu kỷ 15g, Nhục thung dung 12g.

Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi hoàn nặng 9g, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 hoàn.

Rối loạn nhịp tim thể Can khí uất

Trong thể bệnh này, bệnh nhân thường tim hồi hộp, ngực bức bối khó chịu. Lại thêm hay lo lắng ngờ vực, hay cáu gắ. Kèm mất ngủ hay mộng mị, yếu sức, ǎn uống kém sút.

Sử dụng bài Định tâm thang gia vị. Công thức: Đan sâm 15g, Đảng sâm 15g, Hương phụ 12g, Phật thủ 110g, Viễn chí 10g, Long cốt 15g, Mẫu lệ 15g, Bá tử nhân 10g, Táo nhân 15g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

Tăng huyết áp thể Âm hư dương vượng

Triệu chứng thể bệnh này gồm đau đầu, chóng mặt, bốc hỏa. Người bứt rứt, khó chịu, dễ cáu gắt. Kèm theo đau lưng, mỏi gối, ù tai.

Dùng bài Gia vị ích âm tiềm dương thang. Công thức: Huyền sâm 12g, Mạch đông 9g, Ngưu tất 9g, Phục linh 9g, Câu đằng 9g, Cúc hoa 9g, Thuyền thoái 6g, Đại giả thạch 15g, Sinh long cốt 15g, Sinh mẫu lệ 15g, Chích viễn chí 6g.

Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Người thận âm hư, cơ thể suy nhược nhiều thì có thể thêm Thục địa, Nữ trinh tử.

Suy nhược thần kinh thể Tâm Thận bất giao

Ở thể bệnh này, bệnh nhân giảm trí nhớ, kèm chóng mặt, mất ngủ, trầm cảm, hồi hộp đánh trống ngực. Có cảm giác nóng, khô khát, bốc nóng ở mặt, trong khi chân lạnh. Đau nhức toàn thân, lưng gối mỏi.

Dùng bài thuốc Bách hợp an miên thang. Công thức: Bách hợp 24g, Táo nhân sao 12g, Long cốt 15g , Bá tử nhân 10g, Ngũ vị tử 6g, Chế thủ ô 24g, Thục địa 15g, Đương quy 10g, Sinh kỳ 15g, Viễn chí 10g, Quy bản 24g, Trần bì 6g, Đương quy 10g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

Lưu ý

  • Người thấp nhiệt tích trệ không nên sử dụng.
  • Long cốt kỵ cá.

Tóm lại, Long cốt có bản chất là xương động vật hóa thạch. Thành phần hóa học chính của nó là các hợp chất Canxi. Đây là vị thuốc có tác dụng an thần, trị đổ mồ hôi, di tinh, hoạt tinh. Vị thuốc này nên được chỉ định, phối hợp thuốc bởi thầy thuốc Y học cổ truyền để phát huy tác dụng tốt nhất

Bài viết liên quan

Leave a Comment