Cây thuốc, Vị thuốc

Lô căn: vị thuốc hay từ rễ cây sậy

Lô căn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, giải khát rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về Lô căn

  • Tên thường gọi: Vi kinh, rễ sậy Lô căn, Tiên lô căn (rễ lau sậy tươi), Hoạt lô căn (rễ lau sậy sống), Hoạt thủy lô căn (rễ lau sậy dưới nước), Can lô căn (rễ lau sậy khô), Vĩ hành…
  • Tên khoa học: Rhizoma Phragmitis.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Lúa (Poaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cần phân biệt Lô căn là rễ cây sậy chứ không phải rễ cây lau. Cây sậy mọc hoang ở bờ nước, đầm lầy, nơi ẩm ướt, nhiều nhất ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Ninh Bình.

Nên chọn rễ mọc về phía nước ngược, béo mập, sắc trắng, hơi ngọt, phơi khô thì sắc vàng nhạt. Không thu hoạch những rễ nhỏ, nhẹ, nát vụn. Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào mùa xuân, hạ và thu.

1.2. Mô tả toàn cây

Lô căn là rễ cây sậy. Sậy là cây sống lâu năm, thân thảo, rễ bò dài, rất khỏe, màu trắng vàng, đốt dài. Thân cao 2 – 4m, thẳng đứng, đường kính 1,5 – 2cm, lõi rỗng ở giữa.

Lá dài 30 – 40cm, rộng 1 – 3,5cm, phẳng, nhẵn, hình dải hay hình mũi mác, có mỏ nhọn kéo dài, mép lá có lông tơ ngắn. Ngoài ra, lá xếp xa nhau, ôm lấy thân ở phía gốc lá; lưỡi bẹ có dạng vòng lông ngắn. Vào mùa rét, lá sậy thường khô ráo.

Cụm hoa dạng chùy, thường có màu tím hay màu nhạt, hơi cong rũ, dài 15 – 45cm. Cuống chung thường có lông mềm, dày đặc ở gốc, nhánh rất mảnh. Bông nhỏ mang 3 – 6 hoa, mày xòe ra khi chín, rất nhọn.

Lô căn là rễ cây sậy
Lô căn là rễ cây sậy

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Thân rễ cây được sử dụng để làm vị thuốc.

Bào chế: Rửa sạch phần thân rễ nhiều lần với nước để loại bỏ lớp đất cát. Cắt bỏ những phần đốt có râu tua hoặc vỏ màu vàng đỏ. Tiếp theo, thái thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô.

Sau khi chế biến, vị thuốc Lô căn có hình trụ tròn, dài ngắn không đều. Mặt ngoài thường có màu trắng vàng, không có rễ con, rễ tơ, bên trong rỗng màu hơi vàng. Đầu rễ hình nhọn giống búp măng tre, màu lục hoặc lục vàng. Có đốt dài, mỗi đốt dài khoảng 10 – 16cm, trên đốt có vết rễ và vết mầm sót lại. Lô căn dai, khó bẻ gãy, có vỏ ngoài thưa, dễ bóc, không mùi, có vị ngọt.

Vị thuốc có vỏ ngoài thưa, xốp, bóc rời ra được, không mùi, vị ngọt
Vị thuốc có vỏ ngoài thưa, xốp, bóc rời ra được, không mùi, vị ngọt

1.4. Bảo quản

Bảo quản những phần thân rễ đã qua khâu chế biến trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.

2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Trong Lô căn có Protein 6%; các loại đường 51%; Asparagin 0,1%; Arginin (Hiện Đại Thực Dụng Trung Y Dược).

In vitro, thuốc có tác dụng kháng khuẩn đối với liên cầu khuẩn dung huyết Beta (Trung Dược Học).

3. Lô căn trong y học cổ truyền

Tính vị: ngọt, hàn. Qui kinh phế, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt sinh tân, trừ phiền chỉ ẩu.

Chỉ định:

Chứng nhiệt bệnh phiền khát, lưỡi táo ít tân, thường dùng cùng với thiên hoa phấn, mạch môn.

Chứng  vị nhiệt buồn nôn, thường phối hợp  với trúc nhự, nước gừng.

Chứng phế nhiệt khái thấu, đờm vàng dính, thường dùng cùng với qua lâu, bối mẫu, hoàng cầm. Điều trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt, ho, thường phối hợp với tang diệp, cúc hoa, cát cánh như bài tang cúc ẩm. Ngoài ra lô căn còn có tác dụng lợi niệu, thấu chẩn, tiểu tiện ít, đỏ, đái buốt thường dùng cùng với bạch mao căn, sa tiền tử. Điều trị ban chẩn không mọc thường dùng cùng với bạc hà, thuyền thoái.

Liều dùng: 5 – 30g.

Chú ý: cấm dùng khi tỳ vị hư hàn.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Thảo dược Lô căn được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc sắc, sắc cùng với một lượng nước phù hợp, sắc đến khi thuốc cô đặc. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số vị thuốc khác (tùy vào từng bệnh lý).

Liều lượng: Lô căn khô 15 – 30g, nếu là tươi tăng gấp đôi. Mao căn (rễ cỏ tranh) nhỏ, thiên về thanh nhiệt ở phần huyết. Lô căn (rễ lau sậy) thô, to, thiên về thanh nhiệt ở phần khí.

Kiêng kỵ:

  • Người trúng hàn tà, cảm nắng mà không có sốt, nóng trong người hoặc tân dịch chưa tổn thương thì không được dùng.
  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong Lô căn hoặc một số dược liệu khác có trong bài thuốc.
  • Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách, các đối tượng bị tỳ vị hư hàn (đau bụng, lạnh bụng, tiêu lỏng, ăn không tiêu…) không được sử dụng các bài thuốc từ Lô căn.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị nôn mửa, dạ dày viêm cấp

Lô căn tươi 30g, Trúc nhự 9g, Gạo tẻ 8g. Nấu đến khi gạo nhừ, lọc bỏ bã, thêm ít nước cốt Gừng vào uống (Lô Căn Ẩm Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

4.2. Chữa say nắng, say nóng và các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp

Mạch đông 120g, Lô căn 150g, rửa sạch, thái vụn, phơi hoặc sấy khô, trộn đều rồi đựng trong lọ kín. Mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Có thể chế thêm một chút đường phèn cho dễ uống (Mạch môn lô căn ẩm).   

Vị thuốc Lô căn có tác dụng giải khát rất tốt
Vị thuốc Lô căn có tác dụng giải khát rất tốt

4.3. Trị tân dịch khô, khát nước, bứt rứt

  • Lô căn 24g, Mạch môn 12g, Thiên hoa phấn 12g, Cam thảo 3g. Sắc uống. Đem các vị thuốc trên sắc cùng với năm phần nước, sắc cô đặc còn hai phần để dùng. Nên dùng thuốc khi còn nóng, nếu thuốc nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng. 
  • Dùng Lô căn và Thạch cao mỗi vị 20g, 16g Mạch đông cùng với 14g Thiên hoa phấn. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên. Sắc một thang thuốc cùng với một lượng nước phù hợp, sắc cho đến khi cô đặc. Người bệnh có thể sử dụng một lần hoặc chia thành nhiều lần để sử dụng.

4.4. Trị khí trệ, phiền muộn, nôn nghịch, ăn uống không xuống

Lô căn 150 g, thái nhỏ. Nấu với 2 lít nước còn 1,5 lít, bỏ bã, uống ấm (Kim Quỹ Ngọc Hàm Phương).

Bài viết liên quan

Leave a Comment