Cây thuốc, Vị thuốc

Húng chanh: Vị thuốc, nguồn tinh dầu với nhiều công dụng trị bệnh

Húng chanh còn tên gọi khác là tần dày lá, rau thơm, tả thủ hương. Tần dày lá có mùi thơm và chứa rất nhiều tinh dầu. Húng chanh được xem như một vị thuốc truyền miệng trong dân gian. Vị thuốc húng chanh dùng đầu tay trong cảm mạo, hen, táo bón, nhức đầu, ho, sốt. Ngoài giá trị như một vị thuốc Đông y, húng chanh còn là nguyên liệu của một số món ăn. Lá có thể ăn sống với các món mắm hoặc sử dụng làm rau nêm trong canh chua.

1. Nhận biết vị thuốc Húng chanh như thế nào?

Húng chanh có tên khoa học Coleus aromaticus Benth (Coleus crassifolius Benth) hoặc Coleus amboinicus Lour. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).

Húng chanh là một loại cỏ, gốc hoá gỗ cứng có thể cao 25 – 75cm. Thân mọc đứng, có lông. Lá có cuống, mọc đối xứng với nhau qua thân, hình bầu dục, dày giống như mọng nước, mép có khía như tai bèo. Mặt trên có lông đơn, mặt dưới lá nhiều lông bài tiết hơn, gân lá nổi rõ. Hoa màu tía, nhỏ mọc sát nhau gồm 20 – 30 hoa. Tóm lại, cả cây màu xanh nhạt và đều có lông tơ trắng.

húng chanh
Lá tần dày lá

2. Trong vị thuốc húng chanh có chứa những gì?

Khảo sát tài liệu cho thấy sự có 76 chất bay hơi và 30 hợp chất không bay hơi.

Trong húng chanh có một chất màu đỏ gọi là colein và một ít tinh dầu mùi thơm nhẹ. Tinh dầu thu được từ lá và thân cây có chứa tổng cộng 76 thành phần dễ bay hơi. Tinh dầu chứa một lượng lớn của hai hợp chất phenolic chính là carvacrol và thymol. Hợp chất này được đánh giá cao về mặt dược phẩm cho các đặc tính ẩm thực khác nhau. Mặt khác, hợp chất cacvacrola (39,5%), α-terpinen (19,0%), γ-terpinen (16,8) đã được nghiên cứu và công bố tại Việt Nam.

Thêm nữa, các thành phần hóa học không bay hơi này bao gồm axit phenolic, flavonoid, monoterpene hydrocarbons, sesquiterpene hydrocarbons, monoterpen oxy và este.

3. Tác dụng dược lý của vị thuốc Húng chanh

3.1. Kháng khuẩn

Vị thuốc húng chanh có công dụng kháng khuẩn. Ngay từ những năm đầu, Húng chanh đã được sử dụng làm thuốc dân gian để chống lại hoạt động của vi khuẩn gây bệnh. Ở Cuba, thuốc sắc của lá được dùng cho những bệnh nhân bị ho mãn tính hoặc bệnh lao và các nghiên cứu khoa học sau đó cho thấy có hoạt tính chống vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis).

Hơn nữa, người ta đã chứng minh rằng dịch chiết xuất từ lá của Húng chanh thể hiện hoạt tính kháng khuẩn chống lại mầm bệnh vết thương tiểu đường, E. coli , S. aureus , P. mirabilis , P. aeruginosa và K. pneumonia. Chiết xuất nước nóng của lá Húng chanh ức chế sự phát triển của mầm bệnh, Escherichia coli và Salmonella typhimurium.

Tinh dầu Húng chanh được báo cáo là làm tăng tác dụng của thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside trong điều trị các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Năm 1961, phòng Đông y Viện vi trùng có nghiên cứu tác dụng kháng sinh của tinh dầu húng chanh đối với các loại vi trùng theo phương pháp Rudat và thấy tinh dầu húng chanh có tác dụng kháng sinh mạnh đối với vị trùng Staphyllococcus 209 P. Salmonella typhi, Shigella flexneri – Shigella sonnei, Shigella dysenteria (Shiga) Subtilis, Coli pathogene, Coli bothesda Streptococcus, Pneu mococcus, Dipheri và Bordet Gengou (Y học thực hành, 11 – 1961).

3.2. Chống nấm

Vị thuốc húng chanh có công dụng chống nấm. Một số nấm bị ức chế phát triển đến 60% bởi tinh dầu dễ bay hơi trong húng chanh.

3.3. Chống virus

Vị thuốc húng chanh có công dụng chống virus. Chiết xuất có hoạt tính kháng virus khi thử nghiệm với virus VSV nồng độ tối thiểu 0,1 mg/mL.

3.4. Hỗ trợ bệnh về hô hấp

Húng chanh thường được trích dẫn trong điều trị ho mãn tính, hen suyễn, viêm phế quản và viêm họng. Theo đó, lá có hoạt tính giãn phế quản dương tính khi thử nghiệm trên chuột lang. Ở Cuba, tinh dầu từ húng chanh được sử dụng để điều trị hen suyễn.

3.5. Giúp mau lành vết thương

Húng chanh có khả năng giảm nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng của nó ở bệnh nhân tiểu đường. Ghi nhận dùng chiết xuất húng chanh giảm diện tích vết thương lên tới 76,6% trên chuột thí nghiệm. Chiết xuất này giúp thúc đẩy chữa lành vết thương bằng cách tăng cường lắng đọng collagen và thu nhỏ vết thương.

3.6. Chống bệnh ngoài da

Húng chanh đã được sử dụng ở Brazil từ những ngày đầu để điều trị loét da. Ở Ấn Độ, nước ép của lá còn được sử dụng để điều trị dị ứng da. Nó cũng được sử dụng để điều trị bỏng ở khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Tinh dầu húng chanh cũng ức chế sự phát triển của nấm gây ra gàu.

4. Lưu ý

  • Lá và thân cây húng chanh có nhiều lông nên với những người có làn da nhạy cảm sử dụng cẩn thận tránh bị kích ứng da.
  • Chưa có nghiên cứu về tác dụng của húng chanh đối với phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy, tốt nhất là không nên tự ý sử dụng.
  • Đối với các trường hợp bệnh nặng không nên tự chữa bằng các bài thuốc từ cây húng chanh mà nên sớm tới các cơ sở y tế để được thăm khám chuyên sâu.

Cây húng chanh là một loại thảo dược có hương thơm chứa nhiều hoạt chất sinh học và dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu chứng minh húng chanh là có hiệu quả trong việc chữa các bệnh về hô hấp, da, tiêu hóa và có hoạt tính kháng khuẩn, chống nấm, chống virus. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment