Cây thuốc, Vị thuốc

Hà diệp: Vị thuốc nhiều công dụng ít người biết

Hà diệp (Folium Nelumbinis) hay thường được gọi là lá sen. Mặc dù được sử dụng hằng ngày với nhiều công dụng khác nhau nhưng ít người biết được tác dụng của Hà diệp. Từ lâu, Hà diệp đã được sử dụng trong y học cổ truyền với tác dụng điều trị đau tức ngực kèm nóng sốt, tiểu tiện ít đỏ, ho ra máu, kinh nguyệt nhiều… 

1. Bộ phận sử dụng

Lá sen được thu hái vào mùa thu, bỏ cuống. Sau đó đem phơi hoặc sấy khô.

2. Thành phần trong Hà diệp

Hà diệp chứa alkaloid 0,77% – 0,84%, trong đó, có nuciferin, nor-nuciferin, roemerin, anonain, liriodenin, pronuciferin, O-nornuciferin, armepavin, N-norarmepavin, methylcoclaurin, nepherin, dehydroroemerin, dehydronuciferin, dehydroanonain, N-methylisocaclaurin.

Ngoài ra, Hà diệp còn chứa quercetin, isoquercitrin, leucocyanidin, leucodelphinidin, nelumbosid.

Lá sen
Lá sen

3. Công dụng của Hà diệp

Theo y học cổ truyền: Hà diệp có vị đắng, tính mát, vào 3 kinh can, tỳ, vị. Dược liệu còn có công dụng chữa tức ngực có nóng sốt, ho ra máu, phù thũng, chảy máu (đại tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều).

4. Một số bài thuốc có sử dụng hà diệp

4.1. Chữa băng huyết sau sinh

Lá sen sao thơm, tán nhỏ, uống với nước hoặc đồng tiện. Hoặc Hà diệp sắc uống, ngày 20 – 30g.

4.2. Thuốc an thần, gây ngủ

  • Viên nén lá sen: Cao mềm lá sen 0,03g, bột mịn lá sen 0,09g; thêm tá dược làm thành 1 viên. Uống 3 – 6 viên 3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Viên sen vông: cao khô lá sen 0,05g (bằng 1g lá khô), cao khô lá vông 0,06g (bằng 1g lá khô),  L.tetrahydropalmatin 0,03g.
  • Sirô lá sen: Liều dùng một ngày trước khi đi ngủ: người lớn 15ml, trẻ em 5ml.

4.3. Chữa sốt xuất huyết

Lá sen, ngó sen (hoặc cỏ nhọ nồi), Rau má, mỗi vị 30g, bông Mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40 – 50g. Sắc uống ngày một thang.

4.4. Chữa xuất huyết não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp

Lá sen, Cam thảo mỗi vị 15,5g. Đỗ trọng 12,5g  Sinh địa, Mạch môn, Tang ký sinh, Bạch thược mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng làm giảm huyết áp, chức năng nói và cử động các chi được cải thiện.

Hà diệp là dược liệu rất quen thuộc trong cuộc sống
Hà diệp là dược liệu rất quen thuộc trong cuộc sống

5. Bằng chứng khoa học của Hà diệp

Hà diệp đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh như sau:

5.1. Chống oxy hóa

Các flavonoid có trong Hà diệp như Quercetin, glycoside, myricetin-3-O-glucopyranoside… có khả năng chống oxy hóa.

5.2. Kháng viêm

Một nghiên cứu in-vitro cho thấy quercetin-3-O-d-glucuronide (Q3GA) có trong Hà diệp có thể ức chế đáng kể sự phóng thích NO giúp giảm viêm.

Ngoài ra, nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của quercetin chiết xuất từ ​​Hà diệp đối với 5 loại vi sinh vật thường gây bệnh ở khoang miệng. Kết quả cho thấy quercetin trong chiết xuất này có khả năng làm giảm viêm nha chu.

5.3. Hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu

Một số thí nghiệm trên chuột đã cho thấy tác dụng thúc đẩy quá trình huy động và hoà tan lipid máu, giảm trọng lượng cơ thể ở chuột béo phì do ăn nhiều chất béo.

Ngoài ra, chiết xuất giàu flavonoid giúp giảm lipid máu do chế độ ăn nhiều chất béo tương đương với silymarin và simvastatin, giúp giảm tích lũy chất béo, giảm tổn thương gan.

5.4. Hỗ trợ điều trị bệnh béo phì

Từ lâu, y học cổ truyền Trung Quốc đã sử dụng Hà diệp để điều trị bệnh béo phì.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy các flavonoid có trong Hà diệp có tác dụng kích hoạt con đường beta-AR và ly giải mỡ, đặc biệt trong mỡ nội tạng.

Ngoài ra, vị thuốc này cũng giúp làm giảm sự tiêu hóa, ức chế hấp thu lipid và carbohydrate, tăng tốc độ chuyển hóa lipid và tăng tiêu hao năng lượng. Do đó, Hà diệp có lợi trong điều trị bệnh béo phì.

5.5. Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Một số nghiên cứu trên chuột và trong ống nghiệm cho thấy Hà diệp giúp giảm lượng đường trong máu và đề kháng insulin bằng cách làm giảm mỡ nội tạng, ức chế biểu hiện PPARγ2 và GLUT4, đảo ngược tình trạng không dung nạp glucose.

Do đó, Hà diệp có hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết và rối loạn lipid máu trên mô hình động vật đái tháo đường không phụ thuộc insulin do chế độ ăn nhiều chất béo.

5.6. Hỗ trợ điều trị ung thư

Trong mô hình thí nghiệm trên chuột ung thư gan do N-diethylnitrosamine, dịch chiết xuất từ Hà diệp có tác dụng bảo vệ tế bào gan bằng cách ngăn chặn quá trình peroxide hóa lipid, ngăn tổn thương tế bào gan và tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa.

Nghiên cứu của Chang CH và cộng sự cho thấy chiết xuất từ vị thuốc này có thể ngăn chặn sự hình thành khối u và di căn thông qua yếu tố tăng trưởng mô liên kết, có liên quan đến sự hình thành khối u và tiến triển trong ung thư vú.

5.7. Tác dụng an thần, giảm lo âu

Các alkaloid có trong Hà diệp có tác dụng an thần, giảm lo âu bằng cách tăng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. 

Hà diệp hay còn gọi lá sen, được sử dụng rất nhiều trong đời sống nhưng ít người biết được những công dụng mà vị thuốc này mang lại. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment