Thiên ma bắc: Tức phong chỉ kinh, bình ức can dương, khứ phong thông lạc

Mô tả

Tên khác: Định phong thảo, thần thảo, vô phong tự động thảo, chân tiên thảo…

Tên khoa học: Rhizoma Gastrodiae elatae.

Mô tả cây thuốc: 

Thiên ma là một loài thực vật đặc biệt, kỳ lạ, khác hẳn với các loài thực vật khác, đó là không có chất diệp lục, toàn thân màu vàng đỏ, rễ thẳng đứng giống hình chân người vì vậy còn được gọi là “cây mũi tên đỏ”. Khi đào gốc lên thấy có những thân ngầm, hình dạng giống củ khoai tây. Nếu củ to có thể bằng quả trứng nhưng không có rễ. Thân củ đó cho vị thuốc thiên ma. Cây thường mọc ở những nơi ẩm ướt.

Cây thuốc Thiên ma

Bộ phận dùng và phương pháp chế biến:

Củ đào vào mùa đông hoặc mùa xuân. Loại bỏ vỏ rễ, rửa sạch, tẩm nhiều rượu ủ 3 ngày đêm rồi bào mỏng đem sấy hoặc phơi khô .

Mô tả Dược liệu:

Vị thuốc Thiên ma là phần thân rễ hình bầu dục hoặc dạng thanh mỏng, quăn lại và hơi cong queo, dài 3 – 15cm, rộng 1,5 – 6cm, dày 0,5 – 2cm. Mặt ngoài màu trắng đến hơi vàng, hoặc nâu hơi vàng, có vân nhăn dọc và nhiều vân vòng tròn ngang của những chồi búp tiềm tang, đôi khi là những cuống noãn màu nâu hiện ra rõ rệt. Đỉnh dược liệu có những chồi hình mỏ vẹt, màu nâu đỏ đến nâu sẫm hoặc có những vết của thân; phía dưới có một vết sẹo tròn. Chất cứng rắn như sừng, khó bẻ gãy, mặt bẻ tương đối phẳng, màu trắng hơi vàng đến màu nâu. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt.

Tính vị: Vị ngọt, tính bình.

Quy kinh: Vào kinh Can.

Thành phần chủ yếu: Gastrodin, gastrodioside, vannillyl, alcohol, vanillin, alkaloid, vitamin A.

Vị thuốc Thiên ma

Tác dụng của Thiên ma: 

– Có tác dụng bình can, trừ phong, chống co giật, được dùng trị can phong nội động, run, co giật, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

– Tác dụng làm trấn tĩnh, giảm căng thẳng lo âu. Cơ chế gây trấn tĩnh của Thiên ma là do tác dụng ức chế tính hưng phấn của thần kinh trung ương. Tác dụng tăng trương lực và co bóp của hệ cơ trơn đường ruột.

– Được dùng làm thuốc chống co giật, an thần, giảm đau, chữa hoa mắt chóng mặt đau đầu, chân tay tê bại, bán thân bất toại, nói năng phát âm khó khăn, kinh phong ở trẻ em.

Chủ trị, phối hợp:

– Trấn phong nhiệt ở can, trị nhức đầu, chóng mặt, co giật do phong nhiệt, dùng với Ngưu tất, Hoàng cầm.

– Giải phong, trừ phong thấp, đau nhức, tê vùng lưng dùng với Tần giao, Khương hoạt.

Liều dùng: Liều thường dùng: 3 – 10g. Tán bột uống 1 – 1,5g/lần.

Kiêng kỵ: Tránh dùng quá liều.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Thiên ma bắc: Tức phong chỉ kinh, bình ức can dương, khứ phong thông lạc”