Thiên hoa phấn: thanh nhiệt sinh tân, nhuận phế nhuận táo, giải độc tiêu ung

Mô tả

Tên khác: Qua lâu, Dưa trời, Dưa núi, Hoa bát, Vương qua, Dây bạc bát, Bát bát trâu, Thau ca, Qua lâu nhân, Thảo ca, Bạt bát.
Tên khoa học: Trichosanthes kirilowii Maxim. Thuộc họ Bầu bí – Cucurbitaceae
Mô tả cây thuốc:

Thiên hoa phấn là cây thảo leo sống nhiều năm, thân có rãnh, tua cuốn có 2-3 (-5) nhánh. Lá mọc so le; phiến dài 5-14cm, rộng 3-5cm, chia 3-5 thuỳ, dày, dai, mặt trên nhám nhám. Cây có hoa khác chỗ, chùm hoa đực dài 15cm, lá bắc to có răng; hoa rộng 7cm, màu trắng, cánh hoa cao 2,5cm, nhị 3. Hoa cái mọc đơn độc; bầu có cuống, dài 3cm. Quả mọng tròn, to 9-10cm, màu vàng cam; hạt tròn dẹp, dài 11-16mm, rộng 7-12mm, trong có lớp vỏ lụa màu xanh. Ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 9-10.

Địa lý:

Loài của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc trên đất rừng bên khe hay mé đường vùng núi Cao Bằng và cùng mọc trên đất cát hoang ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Thiên hoa phấn
Thu hái, sơ chế:
Rễ củ thu hái vào mùa đông, đào về rửa sạch, gọt bỏ vỏ ngoài, cắt từng đoạn, đem ngâm vào nước sôi trong một tuần lễ, lấy ra phơi khô dùng làm thuốc.

Mô tả Dược liệu:

Thiên hoa phấn là tên thuốc của rễ cây qua lâu, một dược liệu quý của y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Vị thuốc Thiên hoa phấn là rễ đã cạo sạch vỏ ngoài, phơi hay sấy khô của cây Qua lâu. Rễ dạng hình trụ không đều, hình thoi hoặc hình khối, dài 6 – 8cm, đường kính 1,5 – 5,5cm. Mặt ngoài vàng nhạt hoặc màu nâu vàng, nhạt. Củ to, khô, chắc nặng, da vàng ngà, thịt trắng, nhiều bột, ít xơ, không già quá, không mốc mọt là tốt. Củ non quá thì bở, kém phẩm chất.

Tính vị: Vị đắng, hơi ngọt, tính hàn.

Quy kinh: Vào kinh Phế, Vị.

Thành phần hóa học: Saponin, tinh bột.

Vị thuốc Thiên hoa phấn

Tác dụng của Thiên hoa phấn:

Sinh tân dịch, chỉ khát, nhuận táo, giảm đau, chữa sốt nóng, miệng khô khát, lở ngứa, hoàng đản, viêm tấy, thanh nhiệt hoá đàm, khoan hung tán kết, nhuận tràng.

Chủ trị, phối hợp:

+ Tiêu khát, trị hoàng đản, vú lên nhọt, trị mạch lươn, lở độc, sưng, tấy.

+ Khát trong bệnh có sốt: Thiên hoa phấn phối hợp với Sa sâm, Mạch đông và Lô căn.

+ Khát dữ dội trong tiểu đường: Thiên hoa phấn phối hợp với Cát căn, Ngũ vị tử và Tri mẫu.

+ Ho khan do Phế nhiệt: Thiên hoa phấn phối hợp với Tang bạch bì, Xuyên bối mẫu và Cát cánh.

+ Mụn nhọt: Thiên hoa phấn phối hợp với Liên kiều, Bồ công anh, Xuyên bối mẫu và Kim ngân hoa.

Liều dùng: Ngày dùng 12 – 16g.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Thiên hoa phấn: thanh nhiệt sinh tân, nhuận phế nhuận táo, giải độc tiêu ung”