Riềng khô

Mô tả

Tên gọi: Riềng, Riềng thuốc, Cao lương khương, Tiểu lương khương, Phong khương.

Tên khoa học: Alpinia officinarum Hance, thuộc họ Gừng – Zingiberaceae.

Mô tả cây thuốc:

Riềng khô là củ riềng phơi khô, riềng là cây thảo sống lâu, mọc thẳng cao 1-1,5m, thân rễ mọc bò ngang, chia thành nhiều đốt không đều nhau, màu đỏ nâu, phủ nhiều vẩy. Lá không cuống, có bẹ hình mác, mọc thành 2 dãy. Hoa màu trắng, tập hợp thành chùm thưa ở ngọn. Cánh môi to, có vân đỏ. Quả hình cầu, có lông, hạt có áo hạt.Mùa hoa quả tháng 5-9 và kéo dài đến hết năm.

Riềng khô

Củ Riềng tươi

Nơi sống và thu hái Dược liệu:

Loài phân bố ở Việt Nam, thường gặp ở Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng lấy thân rễ làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng đoạn thân rễ vào mùa xuân, được 1 năm, có thể thu hoạch. Thu hái thân rễ cuối mùa hè, chỉ chọn củ già, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, cắt thành từng đoạn 4-6cm, phơi khô hoặc đồ qua rồi mới phơi.

Bộ phận dùng: Thân rễ – Rhizoma Alpiniae, thường gọi là Cao lương khương.

Thành phần hoá học:

Thân rễ chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cineol và metylcinnamit. Còn có chất dầu vị cay là galangol và các dẫn chất của flavon ở dạng tinh thể là galangin, alpinin và kaempferin.

Tính vị: Vị cay thơm, tính ấm.

Vị thuốc Riềng khô

Tác dụng của Riềng khô: Lợi tiêu hóa, giảm đau, chống lạnh.

Chủ trị:

+ Ðau thượng vị, nôn mửa, tiêu hóa kém.

+ Loét dạ dày và tá tràng, đau dạ dày mạn tính.

+ Viêm dạ dày – ruột cấp.

+ Sốt rét, có báng. Dùng ngoài trị lang ben.

Liều dùng: 3-10g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài giã cây tươi đắp.

Bài thuốc có Riềng khô:

+ Củ riềng phơi khô 20g, thiên niên kiện 16g, quế 24g, thạch xương bồ 20g, trần bì (sao) 16g, nhân hạt gấc (sao vàng) 20g. Các vị thái nhỏ, bỏ vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm. Sau 10 ngày là có thể dùng được. Lấy bông tẩm vào thuốc, xoa vào chỗ đau, kết hợp day, bấm nhẹ. Dùng trong những trường hợp đau xương đau mình trật ngã, sang chấn, sưng đau các khớp, thần kinh tọa, đau nhức cục bộ

+ Chữa đau bụng do lạnh: củ riềng 20g, nụ sim 8g, búp ổi 60g, tất cả sấy khô, tán bột. Ngày uống 3 lần sau ăn, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Hoặc củ riềng 200g, quế 120g, hậu phác 80g, sấy khô. Sắc uống mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày. Dùng trong 2 – 4 ngày.

+ Chữa phong thấp: riềng, vỏ quít, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5 – 7 ngày.

+ Chữa sốt rét: bột riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn. Hoặc riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 15 – 20 viên.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Riềng khô”