Miết giáp: tư âm tiềm dương, nhuyễn kiên, tán kết

Mô tả

Tên thường gọi: Còn gọi là Mai ba ba, Thủy ngư xác, Giáp ngư, Miết xác, được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.

Tên khoa học: Carapax Trionycis

Mô tả

Ba ba là vật nuôi phổ biến ở nhiều nơi trong cả nước. Ngoài thịt ba ba được dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi, mai ba ba là vị thuốc quý trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên miết giáp, thủy ngư xác hay miết xác. Hiện có nhiều loài  phổ biến nhất là Ba ba Trionyx sinensis Weigmann.

Nơi sống

Miết giáp thường sống ở hồ ao, sông ngòi ở các tỉnh nhất là nơi có sông ngoài lớn.

Phân bố

Loài ba ba này sinh sống ở Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Bắc Việt Nam và Nhật Bản. Khó xác định được phạm vi phân bố bản địa do loài này từ lâu đã được dùng làm thực phẩm và sau đó được lan tỏa rộng nhờ những người dân di cư. Loài này đã được du nhập vào Malaysia, Singapore, Thái Lan, Timor, quần đảo Batan, Guam, vài đảo thuộc Hawaiivà California.

Thu bắt:

Ba ba bắt được quanh năm, phần lớn thu hoạch vào mùa thu và mùa đông. Mổ lấy phần cứng ở trên lưng, cho vào nước sôi, đun 1 – 2 giờ cho đến khi lớp da trên mai có thể bong ra. Vớt lấy mai, bóc hết thịt còn dính lại, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Bộ phận dùng và phương pháp chế biến:

Lấy mai sau khi đã luộc ba ba 1 – 2 giờ.

Chế biến

Ba ba bắt về, cắt cổ lấy tiết hứng ngay vào ít rượu, rồi cho cả con vào nồi nước sôi, đun trong 1-2 giờ, vớt ra, gỡ lấy mai, để nguyên hoặc ngâm nước phèn một đêm (20g phèn cho 1kg mai), rồi cạo sạch thịt và màng, phơi khô. Nếu lấy mai ở con vật còn sống thì tốt hơn (không dùng mai đã cắt nhỏ nấu ăn). Mai ba ba hình bầu dục hay hình trứng rộng, trên dưới phẳng, dài 10-20cm, rộng 8,5 – 16,5cm, nhô dần lên ở phía giữa, mặt lưng màu xám đen hoặc lục đen loang lổ, hơi sáng bóng, có nhiều nếp vân nhăn. Mặt bụng màu trắng đục là một khung gồm xương sống chạy dọc ở giữa, có 8 đốt, mỗi đốt mang hai xương sườn thẳng hàng, uốn vào phía trong. Chất cứng chắc. Thứ mai to bản, dày chắc, không sót thịt và màng là loại tốt.

Thành phần hóa học

Colloid, Keratin, Iodine, Vitamin D (Chinese Hebral Medicine). Keratin (Dược Liệu Việt Nam).

Tác dụng dược lý

Thuốc có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, vì thế mà tiêu khối u, làm tăng protid huyết tương, kéo dài thời gian tồn tại của kháng thể, có tác dụng an thần.

Vị thuốc miết giáp

Tính vị: Mặn và lạnh.

Theo sách cổ:

– Sách Bản kinh: vị mặn bình.

– Sách Danh y biệt lục: không độc.

– Sách Bản thảo tùng tân: mặn, hàn.

Quy kinh:

Vào kinh can

Theo sách cổ

– Sách Bản thảo cương mục: quyết âm can kinh.

– Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập can tỳ.

– Sách Bản thảo hội ngôn: nhập túc quyết âm, thiếu âm kinh.

Công dụng

– Dưỡng âm tiềm dương;

– Nhuyễn kiên tán kết.

Chỉ định và phối hợp

– Can phong nội động trong bệnh có sốt giai đoạn muộn, phần âm và tân dịch bị hao tổn hoặc gân cơ không được nuôi dưỡng biểu hiện run tay, chuột rút và co giật, mạch tế sác, lưỡi khô rêu lưỡi ít. Miết giáp phối hợp với Mẫu lệ, Thục địa hoàng, A giao và Bạch thược.

– Âm hư có sốt: phần âm và tân dịch hư hao ở giai đoạn cuối của bệnh có sốt biểu hiện sốt về đêm, buổi sáng sốt hạ, không ra mồ hôi, chất lưỡi đỏ rêu lưỡi ít. Miết giáp phối hợp với Thanh hao và Mẫu đơn bì trong bài Thanh hao Miết giáp thang; b) âm hư nội nhiệt biểu hiện sốt về chiều và ra mồ hôi trộm. Miết giáp phối hợp với Ngân sài hồ và Ðịa cốt bì.

– Sốt rét mạn tính kèm với vô kinhbiểu hiện đau và cứng nghi bệnh, khối cứng chắc ở vùng bụng và thượng vị. Miết giáp phối hợp với Tam lăng, Nga truật, Mẫu đơn bì và Ðại hoàng.

Liều dùng

Dùng dạng thuốc sắc, tán bột, nấu cao, liều lượng từ 3-30g

Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc miết giáp

Chữa trẻ nhỏ bị suyễn, thở gấp:

Mai ba ba đốt tồn tính, tán nhỏ, rây bột mịn, lá nhót tươi 50g, rửa sạch, ép lấy nước đặc. Mỗi lần uống 4g bột mai với nước ép lá nhót.

Chữa sốt rét, thũng báng:

Mai ba ba, nga truật, tam lăng, trần bì, thanh bì, binh lang, thảo quả, sa nhân, ô mai, bán hạ chế, mỗi thứ 20g; thường sơn 40g. Tất cả thái nhỏ, ngâm với một lít rượu và một lít giấm trong một ngày đêm. Đun cho cạn hết dung dịch, phơi khô, sao giòn tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi ngày, người lớn uống 30-40 viên làm một lần với nước ấm trước khi lên cơn khoảng 2 giờ. Trẻ em 5-10 tuổi, 10-20 viên; 11 tuổi trở lên, 20-30 viên (kinh nghiệm của ông Tử Khắc Hàm – Nghệ An). Hoặc mai ba ba 30g, tẩm giấm, nướng vàng làm 3 lần; cành và lá cây cam thìa 100g, cắt nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng; rễ hà thủ ô trắng đã chế 50g; lá thường sơn 50g, tước bỏ cuống và sống lá, ngâm nước vo gạo 2 ngày, 2 đêm, mỗi ngày thay nước gạo một lần, thái nhỏ, tẩm rượu, sao vàng; thảo quả sao cháy vỏ ngoài, lấy hạt 30g; vỏ chanh khô 30g; hạt cau nhà hay cau rừng 30g; hậu phác 20g; cam thảo 20g, sao qua. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Người lớn uống mỗi ngày hai lần vào trước bữa ăn một giờ, mỗi lần 4g với nước sôi để nguội. Trẻ em tùy tuổi dùng liều thích hợp. Uống liên tục trong khoảng một tháng.

Chữa kinh nguyệt tắc do cơ thể suy nhược:

Mai ba ba 30g, tán nhỏ, rây bột mịn, cho vào bụng một con chim bồ câu (đã làm thịt) cùng với ít rượu và gia vị. Hấp cách thủy cho chín nhừ. Ăn hết làm một lần trong ngày.

Chữa mụn rò, chảy nước và mủ, lòi dom:

Mai ba ba, mai rùa, phèn chua (lượng các vị bằng nhau) đốt tồn tính, tán nhỏ, rắc vào chỗ đau, ngày vài lần.

Chữa xơ gan

Mai ba ba 30g, vảy tê tê 5g, cắt nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

 Trị lao phổi có triệu chứng hư nhiệt, triều nhiệt, mồ hôi trộm:

Thanh cốt tán ( Chứng trị chuẩn thằng): Ngân sài hồ 12g, Hồ Hoàng liên 4g, Miết giáp 20g ( sắc trước), Thạch cao 8g, Tần giao 8g, Địa cốt bì 12g, Tri mẫu 12g, Cam thảo 4g, sắc uống.

Trị chứng sốt rét kéo dài thời kỳ cuối của nhiều bệnh nhiễm:

Tam giáp phục mạch thang ( Ôn bệnh điều biện): Sinh Mẫu lệ 20g, Sinh Miết giáp 30g ( đập vụn sắc trước), Sinh Qui bản 40g (sắc trước), Chích thảo 20g, Can đia hoàng 20g, Sinh Bạch thược 20g, Mạch môn 18g ( không bỏ lõi), A giao 12g ( hòa thuốc), Hỏa Ma nhân 12g, sắc uống.

Trị gan lách to:

Chích Miết giáp phối hợp, Tiêu dao tán, Nhất quán tiễn.

Trường hợp sốt kéo dài, lách to

Miết giáp ẩm gia giảm: Miết giáp (chích dấm) 40g (cho trước), Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 8g, Binh lang 12g, Xuyên phác 4g, sao Bạch thược 12g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 quả, sắc uống.

Trị bệnh phụ khoa, kinh nguyệt ra nhiều, chứng băng lậu:

Chích Miết giáp phối hợp A giao, Đương qui thán, Bào khương thán , Ngãi diệp, Bạch thược.

Trị nhọt lở khó lành miệng:

Miết giáp phối hợp với Hoàng kỳ, Long cốt, Mẫu lệ, Chi tử, Phòng phong. có tác dụng tăng sức thu liễm.

Chữa đau lưng, không cúi xuống, không ngữa được:

Miết giáp sao vàng hay nướng chín, tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g. Bài thuốc này còn dùng chữa sỏi thận.

Chữa hen:

Máu Ba ba cho vòa rượu uống.

Chữa hao gầy, Đau lưng, nhức xương, lao lực quá độ, khí huyết ngưng trệ, mồ hôi trộm, tiểu tiện ra sỏi, kinh nguyệt bế, sốt rét.

Mỗi ngày uống 10-20g bột hoặc 6-10g cao, chia làm hai lần. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Sốt rét cơn, thịt thừa trong họng, ho lao, mụn nhọt, rong huyết, bế kinh.

Mai ba ba bôi sữa, nướng vàng, tán bột, uống mỗi lần 4g với rượu hâm nóng.

Tham khảo

 Kiêng kỵ :

Người bị âm hư Vị nhược hoặc không muốn ăn uống thường hay nôn oẹ thì đều kiêng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Âm hư, không có nhiệt, Vị hư nôn mửa, Tỳ suy, tiêu chảy, có thai: không dùng (Thực Dụng Trung Y Học).

Phân biệt:

 Quy bản và Miết giáp cùng loại, công dụng gần giống nhau, nhưng Quy bản đi vào Thận để tư âm, Miết giáp vào Can để trừ nhiệt. Người Can Thận âm hư có hư nhiệt, phần nhiều cùng dùng cả hai vị này. Có điều là sức tư âm của Quy bản rất mạnh, còn Miết giáp lại có cái hay đặc biệt là công kiên tán kết (Đông Dược Học Thiết Yếu)

Sài hồ sao với tiết ba ba (Miết huyết) thì sơ Can, không làm cho thăng đề Can dương, càng có sở trường về tư âm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

So sánh với Qui bản: Qui bản có tác dụng tư bổ mạnh hơn, còn Miết giáp thì tán kết mạnh hơn, Miết giáp ít gây nê trệ hơn.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Miết giáp: tư âm tiềm dương, nhuyễn kiên, tán kết”