Lô căn: thanh nhiệt sinh tân, trừ phiền chỉ ẩu

Mô tả

Tên khoa học: Phragmites communis (L) Trin. Thuộc Họ Lúa (Poaceae).
Tên khác: Lô mao căn (Hội Ước Y Kính), Vi căn (Ôn Bệnh Điều Biện), Lô cô căn (Thảo Mộc Tiện Phương), Thuận giang long (Thiên Bảo Bản Thảo), Thuỷ lẵng cường (Lĩnh Nam Thái Dược Lục), Lô sài căn (Nam Kinh Dân Gian Dược thảo), Lô thông (Giang Tô Thực Dược Chí), Vi tử căn (Hà Bắc Dược Tài), Lô nha căn (Sơn Đông Trung Dược), Điềm cảnh  tử (Tứ Xuyên Trung Dược Chí), Rễ Lau, Rễ sậy (Việt Nam).
Mô tả cây thuốc: 

Lô căn là rễ cây sậy,loại cây thường mọc hoang ở những chỗ ẩm, bờ sông, bờ suối, bờ hồ, là cây thảo lâu năm, có rễ bò dài, rất khoẻ. Thân cao, thẳng đứng, rỗng ở giữa. Lá dài, phẳng, nhẵn, hình dải hay hình mũi mác, có mỏ nhọn kéo dài, mép lá ráp; lá xếp ôm lấy thân ở phía gốc lá; lưỡi bẹ có dạng vòng lông ngắn. Vào mùa đông lá sậy thường khô. Cụm hoa có dạng chùy, thường có màu tím hay màu nhạt, hơi cong rũ; cuống chung thường có lông mềm, dày đặc ở gốc, nhánh rất mảnh. Bông nhỏ mang 3 – 6 hoa, khi chín có mày xòe rất nhọn.

Địa lý: Mọc hoang ở bờ nước, đầm lầy, nơi ẩm ướt ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Thái, Ninh Bình.

Cây thuốc Lô căn
Thu hái, Sơ chế: Mùa xuân, hạ và thu đều đào được. Bỏ lớp bẹ bọc ở mặt ngoài, phơi khô hoặc vùi trong cát ướt để dùng tươi.

Bào chế: Bỏ các đốt có râu tua và vỏ vàng đỏ, dùng sống, hoặc phơi khô để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Bộ phận dùng: Thân rễ. Thứ mầu trắng vàng, không có rễ tơ, đốt dài, rễ to, mập, không kèm rễ con, chất non là tốt.

Mô tả Dược liệu:

Vị thuốc Lô căn tươi hình trụ tròn, dài ngắn không đều, đường kính khoảng 1,65cm. Mặt ngoài mầu trắng vàng, đầu rễ hình nhọn giống búp măng tre, mầu lục hoặc lục vàng. Toàn thể có đốt. Khoảng đốt dài 10-16,5cm, trên đốt có vết rễ và vết mầm sót lại. Dai, khó bẻ gẫy, chỗ cắt ngang mầu trắng vàng, bên trong rỗng, chung quanh dầy khoảng 0,5cm, có từng hàng lỗ nhỏ thành vòng tròn. Vỏ ngoài thưa, xốp, bóc rời ra được, không mùi, vị ngọt.

Tính vị :

+ Vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, không độc (Bản Thảo Tái Tân).

+ Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn (Lục Xuyên Bản Thảo).

+ Vị ngọt, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh :

+ Vào kinh Phế, Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh Phế, Tâm (Đắc Phối Bản Thảo).

+  Vào kinh Phế, Tỳ, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tác dụng của Lô căn:

+ Chủ tiêu khát, khách nhiệt, súc niệu (Biệt Lục).

+ Giải nhiệt, khai Vị, trị nôn mửa không ngừng (Dược Tính Luận).

+ Trị lúc nóng lúc lạnh, bệnh thời khí, phiền muộn, có thai mà tim nóng, tả lỵ kèm khát (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Giải trúng độc cá Nóc (Nhật Dụng Bản Thảo).

+ Giải độc rượu, trúng độc cá, cua (Bản Thảo Mông Thuyên).

+ Thanh Vị nhiệt, sinh tân dịch, có thể khử đờm, tiêu mủ. Trị phiền nhiệt, chống nôn khát, miệng khô, ít nước miếng, Phế ung, nôn ra máu mủ và đờm hôi thối (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Thanh nhiệt, sinh tân. Trị Phế ung, ho, viêm phế quản, nôn mửa, viêm dạ dày cấp, miệng khô, khát (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị táo bón (Trung Quốc Dược Thực Chí).

+ Trị họng đau (Nam Kinh Dân Gian Thảo Dược).

Kiêng kỵ :

+ Người trúng nắng, không có hỏa hoặc tân dịch chưa tổn thương thì không được dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Tỳ Vị hư hàn: không dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Liều dùng : Lô căn khô 15 – 30g, dùng tươi tăng gấp đôi.

Tham khảo :

+  Mao căn nhỏ, thiên về thanh nhiệt ở phần huyết, Lô căn (rễ lau sậy) thô, to thiên về thanh nhiệt ở phần khí.

+  Lô căn và Thiên hoa phấn trị tân dịch bất túc ở phần khí, chất lưỡi bình thường, tổn thương âm ở mức nhẹ. Thạch hộc thanh tân dịch bất túc ở phần âm, chất lưỡi đỏ thẫm, tổn thương âm ở mức nặng, Lô căn không giữ tà lại, Thạch hộc dễ giữ tà lại.

+  Lô căn còn gọi là Vi hành . Mọc chưa đầy gọi là Lô, mọc đủ cao dài gọi là Vi (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Lô kinh (Thân cây sậy) cũng có tác dụng thanh nhiệt. Tuy nhiên Lô căn thiên về sinh tân, chỉ khát. Lô kinh thiên về thanh nhiệt ở Phế Vị (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Lô căn vị ngọt, tính hàn, là thuốc thanh Phế, dưỡng âm, sinh tân. Lô căn, Thạch hộc đều trị tân dịch bất túc nhưng Lô căn dùng cho khí âm mới bị tổn thương, sức tư dưỡng yếu, không dễ bị tà khí lưu lại, Thạch hộc là thuốc dùng cho phần âm, phần âm bị tổn thương tương đối nặng, sức tư dưỡng mạnh, dùng không thích đáng sẽ dễ bị tà lưu lại (Thực Dụng Trung Y Học).

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Lô căn: thanh nhiệt sinh tân, trừ phiền chỉ ẩu”