Khoản đông hoa: nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm

Mô tả

Tên khác: Đồ Hề, Đông Hoa, Đông Hoa Nhị, Hổ Tu, Khỏa Đống, Khoản Đống, Khoản Hoa, Mật Chích Khoản Đông, Thác Ngô, Thị Đông, Toản Đông, Xá Phế Hậu, Tussilage (Pháp), Chassetoux (Pháp).
Tên khoa học: Tussilago farfara L., họ Cúc (Asteraceae).Mô tả cây thuốc:

Khoản đông hoa là một loại cây nhỏ, sống lâu do thân rễ. Vào mùa xuân, từ gốc lá mọc lên những cán mang hoa dài 10-20cm, lá mọc so le, mầu tím nhạt, phủ lên cán hoa thành hình vẩy. Đầu cán có một cụm hoa hình đầu mầu vàng tươi, quanh có lá bắc mầu đỏ nhạt. Giữa cụm hoa là những hoa lưỡng tính, xung quanh là hoa cái cùng mầu vàng, hình lưỡi nhỏ. Quả đóng mầu nâu, có sợi của lá dài. Sau khi hoa nở, lá mới xuất hiện, mọc thành vòng, mang cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa. Đường kính lá có thể đạt 15-20cm. Mặt dưới có lông, mặt trên bóng. Hình giống hình chân con lừa, do đó tên cây tại một số nước châu âu còn gọi là cây “chân lừa” (pas d’ane).

Phân bố: Cây mọc hoang, được trồng ở Trung Quốc và nhiều nước châu Âu.
Cây thuốc Khoản đông hoa
Bộ phận dùng: Nụ hoa phơi hay sấy khô của cây Khoản đông hoa (Flos Tussilaginis farfarae).
Thu hái: Thu hoạch vào mùa đông, lấy nụ hoa, loại bỏ cuống hoa, đất cát, phơi khô trong bóng râm.
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Khoản đông hoa là cụm hoa hình chuỳ dài, thường là 2 – 3 cụm hoa cùng mọc trên 1 cành hoặc mọc đơn độc, dài 1 – 2,5 cm, đường kính 0,5 – 1 cm, phần trên rộng hơn và phần dưới thon dần. Đỉnh cuống cụm hoa có nhiều lá bắc dạng vẩy. Mặt ngoài của lá bắc đỏ tía hoặc đỏ nhạt, mặt trong được phủ kín bởi những đám lông trắng như bông. Mùi thơm, vị hơi đắng và cay.

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng lên hệ hô hấp: Thuốc sắc Khoản đông hoa làm tăng tiết đường hô hấp, giảm ho, long đờm, chống suyễn trên súc vật thí nghiệm. Nơi mèo thí nghiệm được gây hoa bằng cách tiêm iod cho thấy: liều nhỏ thuốc truyền dịch gây gĩan phế quản nhưng liều cao thì có tác dụng ngược lại. Điều trị bằng nước sắc Khoản đông hoa cho 21 cas hen phế quản và 15 cas hen phế quản kèm phế khí thủng. 8 cas cho thấy có tiến triển (trong vòng 2 ngày: không còn rít và có dấu hiệu tiến triển trong chức năng phổi); 19 cas có vài tiến triển (tiến triển chậm hoặc tái phát). Có thể thấy rằng tác dụng hạ suyễn của Khoản đông hoa tương đối yếu, đa số bệnh nhân thấy muốn nôn, một ít bệnh nhân thấy bực dọc, mất ngủ.

+ Tác dụng lên tim mạch: Tiêm tĩnh mạch dịch Khoản đông hoa cho mèo được gây tê, đầu tiên thấy áp huyết hạ rồi nâng lên (Trung Dược Học).

+ Nước sắc Khoản đông hoa làm tăng tiết đường hô hấp, làm giảm ho rõ. Còn có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, hưng phấn hô hấp. Thuốc có tác dụng hạ cơn suyễn trên súc vật thí nghiệm (Chinese Herbal Medicine).

+ Trên mô hình cô lập súc vật thí nghiệm, liều nhỏ thuốc truyền dịch thấy có tác dụng gĩan Phế quản, liều lớn thì ngược lại gây co thắt Phế quản (Chinese Herbal Medicine).

+ Khoản đông hoa gây co thắt mạch, làm tăng huyết áp, gây tăng áp do hưng phấn trung khu vận mạch (Trung Dược Học).

Thành phần hoá học: Chất khoáng, tinh dầu, flavonoid, tanin.

Vị thuốc Khoản đông hoa
Độc tính:
Liều cao Khoản đông hoa có thể gây hôn mê, ngưng thở. Ở chuột, liều độc LD50 là 112g/Kg hoa tươi và nếu trích ly bằng alcol để chích tĩnh mạch là 43g/kg hoa tươi (Trung Dược Học).
Tính vị:
+ Vị cay, tính ấm (Bản Kinh).
+ Vị ngọt, không độc (Danh Y Biệt Lục).
+ Vị cay, đắng (Y Học Khởi Nguyên).
+ Vị cay, tính ôn, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

+ Vị cay, tính ôn (Trung Dược Học).

Quy kinh:
+ Vào kinh Phế, Tâm (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh Phế (Trung Dược Học).

Tác dụng của Khoản đông hoa: Nhuận phế, hạ khí, ngừng ho, trừ đờm.

Công dụng: Ho mới, ho lâu ngày, ho suyễn đờm nhiều, ho lao (do lao lực), ho ra máu.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, hoàn, tán, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc ho khác.

Bào chế:

Mật đông hoa (Tẩm mật): Lấy Khoản đông hoa đã trừ bỏ tạp chất, thêm mật ong và một ít nước sôi, trộn đều, ủ cho ngấm, sao lửa nhỏ đến hơi vàng, sờ không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ 10 kg khoản đông hoa dùng 2,5 kg mật ong.

Bài thuốc có Khoản đông hoa:

1. Trị ho, khó thở :

+ Dùng Khoản đông hoa, đốt lên, hớp lấy khói.

+ Khoản đông hoa, Bối mẫu, Tang bạch bì, Tử uyển, Tỳ bà diệp, Bách bộ, Qua lâu căn, Thiên môn đông, Hạnh nhân. Các vị bằng nhau, thái nhỏ, trộn đều. Dùng 6-12g hỗn hợp này thêm 500ml, đun sôi. Giữ sôi trong 3 phút. Chia nhiều lần uống trong này (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

2. Trị hen suyễn: Dùng rượu thuốc Khoản đông hoa, mỗi lần uống 5ml (tương đương 6g thuốc sống), ngày 3 lần. Theo dõi 36 cas, thấy có kết quả nhưng cơn nặng không có kết quả (Đặng Trường Vinh, Thượng Hải Trung Y Dược 1964, 10:12).

3. Trị phế quản viêm, phế quản gĩan, lao phổi, ho khan do âm hư: Dùng Khoản đông hoa, lượng thuốc vừa đủ, cho vào điếu thuốc hút (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

4. Trị phế quản viêm, phế quản giãn, lao phổi, ho khan do âm hư: Dùng Khoản đông hoa, Bách hợp đều 120g. Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g.  (Bách Hoa Hoàn – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Khoản đông hoa: nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm”