Hoàng cầm: thanh nhiệt táo thấp, tả hỏa giải độc, lương huyết, chỉ huyết, trừ nhiệt an thai

Mô tả

Tên gọi khác: 

Hủ trường, Túc cầm, Hoàng văn, Kinh cầm, Đỗ phụ, Nội hư, Ấn dầu lục, Khổ đốc bưu, Đồn vĩ cầm, Thử vĩ cầm, Điều cầm, Khô cầm, Bắc cầm, Phiến cầm, Khô trường, Lý hủ thảo, Giang cốc thụ, Lý hủ cân thảo, Điều cầm, Tử cầm, Đạm tử cầm, Đạm hoàng cầm, Tửu cầm, Đông cầm, Hoàng kim trà, Lạn tâm hoàng.

Tên khoa học:  Scutellaria baicalensis, thuộc họ hoa môi(Lamiaceae).

Mô tả cây thuốc: 

Hoàng cầm là một loại cỏ sống dai, cao 20- 50cm, có rễ phình to thành hình chùy, mặt ngoài màu vàng sẫm bẻ ra có màu vàng. Thân mọc đứng, vuông, phân nhánh, nhẵn hoặc có lông ngắn. Lá mọc đối, cuống rất ngắn, hoặc không cuống; phiến lá hình mác hẹp, hơi đầu tù, mép nguyên, dài 1,5-4cm, rộng 3-8mm hoặc 1cm, mặt trên màu xanh sẫm, mặt dưới xanh nhạt. Hoa mọc thành bông ở đầu cành, màu lam tím. Cánh hoa gồm 2 môi, 4 nhị (2 nhị lớn dài hơn tràng) màu vàng, bầu có 4 ngăn.

Phân bố,thu hái và sơ chế:

Cây mọc tốt, nhưng chưa phát triển. Hiện vị này vản phải nhập của Trung Quốc (Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Hà Bắc, Hà Nam, Vân Nam, Nội Mông). Mọc hoang cả ở Liên Xô cũ được nghiên cứu sử dụng làm thuốc chữa cao huyết áp.Mùa xuân và thu thu hoạch lấy rễ: Đào về cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi hơi khô, cạo bỏ vỏ mỏng, phơi hoặc sấy khô là được.

Cây thuốc Hoàng cầm

Mô tả Dược liệu:

Vị thuốc Hoàng cầm là phần rễ khô hình trụ tròn hoặc hình chùm xoắn, ở đỉnh hơi khô, nhỏ dần về phía dưới, cong, dài chừng 12cm-16cm, đoạn trên thô khoảng 24-25mm hoặc hơn 35mm. Mặt ngoài màu nâu vàng, phần trên hơi sần sùi có những đường nhăn dọc, xoắn hoặc có những vân hình mạng, phía dưới ít sần sùi, có đường nhăn nhỏ hơn. Phần trên và phần dưới đều có vết tích của rễ con, bên trong có màu vàng lục, chính giữa rỗng ruột, màu nâu vàng. Rễ gìa phần lớn rỗng ruột, bên trong có màu đen nâu, gọi là Khô cầm hay Phiến cầm. Rễ mới, bên trong đầy ruột gọi là Tử cầm hoặc Điều cầm (Dược Tài Học)

Phần dùng làm thuốc: 

Rễ củ – Radix Scutellariae, thường gọi là Hoàng cầm.Rễ có hai loại: loại rễ già, trong rỗng đen, ngoài vàng gọi là khô cầm; loại rễ non giữa cứng chắc, mịn, ngoài vàng trong xanh và vàng gọi là Điều cầm. Thứ to lớn hơn ngón tay là tốt.

Thành phần hóa học:

Trong rễ Hoàng cầm có tinh dầu, các dẫn xuất flavon: baicalin, bacalein, wogonoside, wogonin, skullcapflavone I, H, oroxylin A; còn có tanin và chất nhựa.

Bào chế: 

+ Theo Trung Y: Hoàng cầm sao rượu thì đi lên, tẩm mật heo sao thì trừ hoả trong Can  đởm.

+ Theo kinh nghiệm Việt Nam: Thứ Khô cầm thì bỏ đầu, bỏ ruột đem rửa sạch, ủ kín một đêm cho mềm, thái hoặc bào mỏng 1 -2 ly. Phơi khô (dùng sống); sau khi phơi khô tẩm rượu 2 giờ, sao qua (thường dùng).

Bảo quản: Để nơi khô ráo, cần tránh ẩm vì dễ mốc, để lâu bị mọt.

Tính vị: Vị đắng, tính hàn.

Qui kinh: Vào các kinh Tâm, Phế, Can, Đởm, Đại tràng, Tiểu tràng.

Tác dụng của Hoàng cầm: Thuốc trừ nhiệt, thanh hoả.

Chủ trị:

+ Tả thực hoả, thanh thấp nhiệt, trị cảm mạo, hoàng đản, đau bụng.

+ Sốt do đờm nhiệt. Hoàng cầm hợp với Hoạt thạch và Thông thảo.

+ Hoàng đản: Hoàng cầm hợp với Chi tử, Nhân trần và Trúc diệp.

+ Kiệt lỵ hoặc tiêu chảy: Hoàng cầm hợp với Hoàng liên.

+ Mụn nhọt đầu đinh: Hoàng cầm hợp với Kim ngân hoa và Thiên hoa phấn.

+ Ho do phế nhiệt: Hoàng cầm hợp với Tang bạch bì và Tri mẫu.

+ Doạ sảy thai (động thai): Hoàng cầm hợp với Ðương qui và Bạch truật.

Liều dùng: Ngày dùng  6 – 12g, có thể đến 30 – 50g.

Kiêng kỵ: Không dùng trong những trường hợp Tỳ  Vị hư hàn và không có thấp nhiệt, thực hoả.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Hoàng cầm: thanh nhiệt táo thấp, tả hỏa giải độc, lương huyết, chỉ huyết, trừ nhiệt an thai”