Hoa ngâu

Mô tả

Hoa Ngâu có vị cay ngọt, tính bình. Có tác dụng tuyên phế chỉ khái (điều hòa chức năng tạng Phế, chống ho), hành khí, khoang trung, giải uất. Dùng hỗ trợ điều trị tức ngực, ngột ngạt do khí uất, bụng trướng đầy do thức ăn tích trệ, ho do cảm mạo.

Tên Khác Của Cây Ngâu:

  • Mễ lan, ngư tử lan, thuộc họ Xoan Meliaceae. Là cây thân mộc hoặc cây bụi thường xanh, hoa có mùi thơm, có loài nở hoa quanh năm, có loài nở hoa 1 lần trong năm. Hoa nở rộ vào mùa hè và mùa thu, thường ít khi ra quả.

Tên Khoa Học Của Cây Ngâu:

Aglaia Odorata. Thuộc họ Meliaceae (họ Xoan).

Cách Chăm Sóc Cây Ngâu:

  • Ánh sáng: Mùa hè tránh ánh nắng gắt chiếu thẳng vào cây, các khoảng thời gian khác có thể thường xuyên mang cây ra ngoài để cây được chiếu sáng đầy đủ. Ưa bóng râm, tuy nhiêu nếu thiếu ánh sáng nghiêm trọng cây sẽ ra hoa ít hoặc không có hoa, hoa không thơm như cây được chiếu sáng đầy đủ.
  • Độ ẩm: Hạn chế lượng nước tưới trong thời gian cây non nảy mầm, đất chưa khô thì chưa cần tưới, khi tưới chỉ cần ướt đất là được, không nên tưới đẫm quá làm cây bị thối rễ. Cây ngâu cũng kị thời tiết khô hạn, vào những ngày nhiệt độ tăng cao, có thể tưới một lần cho cây vào mỗi buổi tối, quá khô hoặc quá ẩm đều có thể làm cho cây bi rụng lá.
  • Đất: Đất trồng thích hợp nhất là đất tơi xốp, dễ thoát nước, màu mỡ, hơi chua, thường được trồng bằng phương pháp giâm cành. Mỗi khi hết đợt hoa nở có thể tưới một lớp phân mỏng.
  • Nhiệt độ: Cây ngâu thích hợp với môi trường ấm áp, nhiệt độ càng cao hoa càng thơm, loài cây này rất nhạy cảm với nhiệt độ thấp, sợ giá rét. Đầu xuân nên chuyển cây ra ngoài trời.

Mô Tả Cây Ngâu:

  • Cây ngâu là cây thân gỗ lâu năm, thân cây cao khoảng 4 -7m, thẳng đứng, phân nhánh nhiều và kín. Lá kép dạng lông vũ, lá mọc xen kẽ, hình trứng, vành lá nguyên vẹn và sáng bóng. Hoa mọc thành cụm tại các nách lá, hoa nhỏ, màu vàng và có hương thơm nồng, thường nở hoa quanh năm. Quả hạch hình cầu, thường ít khi kết trái.
  • Ngâu hay còn gọi là ngâu ta để phân biệt khi loài ngâu ngoại lai. Là loại cây dạng bụi có thể cao tới 3,6 mét. Tán dạng tròn, phân cành nhiều. Lá dạng lá kép lông chim,  lá chét dạng trứng ngược có đầu tròn, đuôi nhọn hoặc nêm. Hoa nhỏ li ti màu vàng, tự bông dạng chùm mọc ở nách lá, cho mùi thơm dịu thanh khiết. Khác với ngâu Tàu có mũi lá nhọn, ngâu ta có đầu lá tròn và dáng cây mọc thành bụi lớn hơn.
  • Hoa ngâu nhỏ, màu vàng, mọc thành chùm ở kẽ lá, rất thơm, thường được dùng để ướp trà và làm vị thuốc.  Cây mọc hoang hoặc được trồng làm hàng rào, trồng trong chậu. Hiện nay nhiều nơi trồng để làm thuốc hiệu quả rất cao.

Phân Bố, Thu Hái Và Chế Biến Cây Ngâu:

  • Cây được trồng khắp nơi làm cảnh và lấy hoa để ướp chè. Hoa hái vào lúc đã chín vàng nhạt và thơm. Phơi hay sấy khô để dành. Lá hái dùng tươi. Có thể hái quanh năm.

Bộ Phận Dùng Của Cây Ngâu:

  • Cành, lá và hoa ngâu có thể dùng làm thuốc. Hoa thu hái mùa Hè, phơi khô, bảo quản nơi khô thoáng để dùng dần; cành lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

Công Dụng Của Cây Hoa Ngâu:

  • Hoa ngâu có vị ngọt cay, tính bình. Có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, tuyên phế chỉ khái (điều hòa chức năng tạng Phế, chống ho), hành khí, khoang trung, giải uất. Dùng chữa tức ngực, ngột ngạt do khí uất; bụng trướng đầy do thức ăn tích trệ, ho do cảm mạo.
  • Hoa ngâu, có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị cao huyết áp thuộc các thể “Đàm thấp nội trở” và “Huyết ứ nội đình”; hai thể bệnh này thường gặp ở những người béo phì hay những người mắc bệnh lâu ngày.
  • Hoa ngâu còn được dùng để ướp trà.
  • Cành, lá ngâu: Có vị cay, tính hơi ấm; vào 3 kinh Phế, Vị và Can. Có tác dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng chỉ thống (tiêu sưng giảm đau), trừ phong thấp. Dùng chữa phong thấp khớp xương đau nhức, đòn ngã tổn thương, gãy xương, ung nhọt lở loét…
  • Theo sách “Cây thuốc Việt Nam” của lương y Lê Trần Đức: Lá ngâu gây nôn mạnh. Có thể sử dụng chữa hen suyễn lên cơn, đờm tắc nghẹt thở; hoặc sốt rét do đờm tích lâu ngày; cũng có thể dùng giải ngộ độc. Dùng với liều 20g, giã vắt lấy nước cốt hay 30g sắc uống 1 lần. Sau khi xổ đờm ra, hay nôn được chất độc ra rồi, thì cho ăn cháo đậu xanh cho đỡ mệt và giải độc; sau đó dùng tiếp các thuốc khác để chữa bệnh.
  • Cây ngâu thường được dùng làm cây trồng hàng rào tạo ranh giới phân chia các khu vực trong cảnh quan. Cây ngâu được trồng bụi hay trồng chậu đứng trang trí trong sân vườn, công viên, đường phố… Cây ngây cũng có thể làm cây cảnh trong nhà nơi cửa sổ có ánh sáng mặt trời. Cây ngâu còn được xem là một loại thảo dược trong Đông y.
  • Trong dân gian, cây ngâu có giá trị làm thuốc. Tại Philippin, nước sắc từ rễ và lá ngâu được dùng làm thuốc bổ. Nước sắc từ hoa là một thức uống giải nhiệt cho bệnh sốt. Ở Trung Quốc, hoa, lá và rễ sử dụng như một loại thuốc bổ. Cành nhánh và lá trị thấp khớp, sưng độc, nhiễm trùng.

Cách Dùng Hoa Ngâu:

  • Dùng 3 – 9 gr rửa sạch, đun nước uống hàng ngày.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được sử dụng đơn thuốc có hoa ngâu.

Tham Khảo Một Số Cách Dùng Hoa Ngâu:

  • Hỗ trợ điều trị huyết áp cao: Hoa ngâu 10g, hoa cúc 30g. Tất cả cho vào ấm hãm với nước sôi. Ngày uống  3 lần vào sáng, trưa, tối, uống lúc nguội. Mỗi liệu trình uống trong 15 ngày.
  • Hỗ trợ điều trị chứng bế kinh: Hoa ngâu 10g, rượu 50g. Cho hoa vào rượu, thêm vào chút nước, nấu cách thủy đến khi hoa chín nhừ, để nguội uống. Uống trước ngày có kinh 5 ngày, ngày uống một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, uống liền 5 ngày.
  • Hỗ trợ điều trị  hen suyễn: Uống trà có ướp hoa ngâu hoặc hoa ngâu ngâm nước sôi già để nguội uống đều có kết quả tốt.
  • Đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết: Cành lá ngâu 30g, dây đau xương 20g, cốt toái bổ 10g, ké đầu ngựa 10g.  Tất cả cho vào ấm, đổ 700ml nước, đun nhỏ lửa còn 200ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.
  • Hỗ trợ điều trị sưng đau, bầm tím do ngã: Hoa ngâu, lá ngâu mỗi thứ 50g. Gộp chung cả hai thứ, cho 700ml nước, đun nhỏ lửa cô thành cao. Mỗi lần dùng, bôi một ít cao này lên vải mỏng đắp vào chỗ vết thương sưng đau, 2 giờ thay băng một lần, ngày 2 lần.  Đắp đến khi vết thương giảm sưng đau. Hoặc cành lá ngâu, lá xuyên tâm liên, lá dâm bụt mỗi thứ 1 nắm nhỏ, giã nát  đắp vào vết thương, 2 giờ thay băng 1 lần, ngày đắp 2 lần.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Hoa ngâu”