Bồ kết

Mô tả

Tên khác: Bồ kếp, chùm kết, tạo giác, phắc kết (Tày), co kết (Thái).

Tên khoa học: Fructus Gleditschiae.Họ: Vang (Caesalpiniaceae).

Mô tả cây thuốc:

Cây thuốc Bồ kết là cây gỗ to, cao 5 – 7m. Thân thẳng có vỏ nhẵn và gai to, cứng, phân nhánh, dài 10 – 25cm. Cành mảnh, hình trụ, khúc khuỷu, lúc đầu có lông sau nhẵn và có màu xám nhạt. Lá kép, mọc so le, hai lần lông chim, cuống chung dài 10 – 12cm hay hơn, có lông nhỏ và có rãnh; lá chét 6 – 8 đôi mọc so le, hình thuôn, bóng và hơi có lông ở mặt trên, nhạt hơn và nhẵn ở mặt dưới, đầu lá chét tròn, gốc lá lệch, mép có răng cưa nhỏ; lá kèm nhỏ, rụng sớm.Cụm hoa mọc thành chùm ở ngoài kẽ lá, dài 10 – 15cm; hoa màu trắng tụ họp 2 – 7 cái trên những cành ngắn; đài hình ống; tràng 5 cánh; hoa đực có 10 nhị và không có bầu; hoa lưỡng tính có 5 nhị, bầu có nhiều lông đựng 12 noãn.Quả đậu mỏng, dài 10 – 12cm, rộng 1,5 – 2cm, thẳng hoặc hơi cong, dày lên ở các hạt, khi còn tươi mặt ngoài có một lớp phấn màu lam, chứa 10 – 12 hạt bao bọc bởi một lớp cơm màu vàng, khi chín quả màu vàng nâu, để lâu chuyển sang đen.Mùa hoa: tháng 5 – 7; mùa quả: tháng 8-10.

Dược Liệu Bồ kết

 

Bộ phận dùng:

– Quả chín (tạo giác) thu hoạch vào tháng 10 – 11, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô, khi dùng giã nát. Quả dài, hơi dẹt và cong, dài 5 – 11cm, rộng 0,7 – 1,5cm, mặt ngoài màu nâu đen. Chất cứng, giòn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ màu vàng.

– Gai (tạo giác thích) ở thân và cành, đã phơi hay sấy khô. Gai nguyên vẹn thường phân nhánh, chừng 2 – 7 cái, sắp xếp thành hình xoắn ốc. Các gai trên thường nhỏ, dài 1 – 2cm, các gai dưới to dần, có thể dài 10 – 15cm. Mặt ngoài nhẵn, nâu sẫm hay nâu xám, chất cứng rắn, khó bẻ.

– Hạt bồ kết (tạo giác tử) lấy từ quả bồ kết chín đã phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học:

– Quả bồ kết chứa saponin, trong đó có một sapogenin là acid albigenic (điểm chảy 246 – 8°, αD31 – 30° (ethanol).

– Theo tài liệu khác, quả chứa 10% saponin trong đó 2 sapogenin được xác định là acid oleanic và acid echynocystic.

– Theo Ngô Bích Hải (1972), quả chứa nhiều saponin triterpenic, trong đó một chất được xác định là astragalosid. Phần aglycon của chất này là 3, 16 – dioxy – 28 – carboxyolean – 12 – en. Phần đường gắn vào OH ở vị trí 3 bao gồm D – xylose, L – arabinose và D – xylose theo tỷ lệ 2: 1: 1. Phần đường gắn vào gốc acyl là D – xylose và D * galactose theo tỷ lệ 2: 2.

Ngoài ra, còn chứa 8 hợp chất flavonoid, trong đó có saponaretin, vitexin, homoorientin, orientin và luteolin.

Dược liệu Bồ kết

 

Tác dụng dược lý:

+ Quả bồ kết:

– Tác dụng kháng khuẩn: trên ống nghiệm đã chứng minh quả bồ kết có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn như tràng cầu khuẩn, trực khuẩn ly shigella; trực khuẩn thương hàn, phổ thương hàn; trực khuẩn mủ xanh và phẩy khuẩn tả. Dịch chiết bằng dầu hỏa – ether với phương pháp khuyếch tán thuốc trong môi trường nuôi cấy, ở nồng độ 0,343g/ml có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn B, dịch chiết bằng chloroform với nồng độ 0,55g/ml ức chế liên cầu khuẩn. Hỗn hợp flavonoid và chất saponaretin chiết từ quả có tác dụng kháng virus, hổn hợp saponin có tác dụng chống trùng roi âm dạo. Dịch chiết nước từ quả bồ kết trên ống nghiệm có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.

– Ngoài tác dụng kháng khuẩn, nước sắc quả bồ kết trên mèo thí nghiệm với liều 1 g/kg cho thẳng vào dạ dày có tác dụng tăng cường sự phân tiết của niêm mạc đường hô hấp và có tác dụng long đờm. Nước sắc 0,25% có tác dụng kích thích co bóp của tử cung cô lập chuột cống trắng

– Độc tính: saponin triterpen từ quả bồ kết thường khó hấp thu ở ruột và dạ dày nhưng có tác dụng kích thích cục bộ niêm mạc dạ dày, gây chảy nước miếng, nước mũi, nôn mửa đi ngoài, dùng với liều lớn làm tổn hại niêm mạc đường tiêu hóa và lúc đó sẽ bị hấp thu qua đường ruột gây ngộ độc toàn thân với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, rét run, nghiêm trọng có thể gây hôn mê, co giật, hô hấp khó khăn, cuối cùng gây tử vong do liệt hô hấp. Chất gleditsapogenin chiết từ quả bồ kết có chỉ số dung huyết đối với hồng cầu sơn dương là 1: 7500, đối với thỏ tiêm tĩnh mạch với liều 40 – 47mg/kg gây tử vong.

+ Hạt bồ kết: chưa thấy có tài liệu nghiên cứu về dược lý.

+ Gai bồ kết: nước sắc gai bồ két, bằng phương pháp khuyếch tán thuốc trong môi. trường nuôi cấy có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng. Dịch chiết nước dùng với liều 60g/kg cho vào dạ dày có tác dụng ức chế tế bào sarcom trên chuột nhắt trắng thí nghiệm.

Tính vị, công năng:

– Quả bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, có tiểu độc.

– Hạt bồ kết có vị cay, tính ôn, có tác dụng nhuận táo, thông đại tiện, bí kết, tiêu độc.

– Gai bồ kết có vị cay, tính ôn, có tiểu độc, có tác dụng tiêu thũng, bài nùng, sát trùng, khu phong.

Công dụng và cách dùng:

– Ở Việt Nam, nhân dân dùng quả bồ kết ngâm hoặc nấu nước gội đầu, làm sạch gầu, trơn tóc, và dùng giặt quần áo len, dạ, lụa có màu, không bị hoen ố và không phai màu.

– Trong y học hiện đại, một số bệnh viện đã dùng bồ kết để chữa bí đại, trung tiện sau khi mổ, tắc ruột, dùng cho cả trẻ em và người lớn. Cách dùng: lấy 1/4 quả nướng thật vàng, bỏ hạt, tán thành bột mịn. Chấm bột đó vào đầu canule đưa sâu vào hậu môn 3 – 4cm, làm như vậy 3 – 4 lần, Sau 3 – 5 phút, bệnh nhân đánh trung tiện và thông dại tiện.

– Quả bồ kết còn dược dùng trong các trường hợp trúng phong, hôn mê bất tỉnh, cấm khẩu, hen suyễn, mụn nhọt, viên tuyến vú, đau nhức răng.

– Hạt bồ kết chữa đại tiện táo kết, lỵ mạn tính, lao hạch, ung độc. Liều dùng: 4,5 – 9g/ngày, sắc nước uống hoặc dùng dạng hoàn tán.

– Gai bồ kết chữa mụn nhọt, tuyến vú sưng đau.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không được dùng bồ kết.

Bài thuốc có dược liệu sạch bồ kết:

1. Chữa trúng phong, cấm khẩu hôn mê bất tỉnh:

Quả bồ kết phối hợp với bạc hà mỗi thứ lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, thổi bột đó vào mũi để gây hắt hơi và làm bệnh nhân tỉnh lại.

2. Chữa hen suyễn, ho nhiều đờm, thở khò khè:

Quả bồ kết (1g), quế chi (1g), đại táo (4g), cam thảo (2g), sinh khương (1g), nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

3. Chữa sâu răng, nhức răng:

Quả bồ kết tán nhỏ đắp vào chân răng, hễ chảy nước miếng thì nhổ đi không được nuốt, hoặc dùng quả bồ kết đốt tồn tính xỉa vào chân răng.

4. Chữa kiết lỵ:

Hạt bồ kết, chỉ xác (lượng bằng nhau), sao vàng tán thành bột, trộn với hồ nếp làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10-20 viên, với nước chè đặc.

5. Chữa mụn nhọt:

Gai bồ kết phối hợp với kim ngân hoa, cam thảo (mỗi thứ 2 – 8g), sắc nước uống. Đồng thời, lấy gai bồ kết, quả bồ hòn đốt thành than, tán thành bột mịn trộn với bồ hóng bếp và nhựa thông, phết vào giấy bản làm cao dán.

6. Chữa sưng vú phụ nữ:

Gai bồ kết đốt tồn tính (40g), bạng phấn (4g). Hai vị tán thành bột, trộn đều, mỗi lần uống 4g.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Bồ kết”