Cây thuốc, Vị thuốc

Địa liền: Vị thuốc quý chữa bệnh hay

Địa liền còn được gọi là Sơn nại, Tam nại, Sa khương. Tên khoa học là Kaempferia galanga L., thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Nó có tên Địa liền là vì lá mọc sát mặt đất. Thân rễ thái mỏng phơi khô gọi là Sơn nại. 

1. Tổng quan về Địa liền

1.1. Nhận biết dược liệu

Đây là một cây cỏ nhỏ, sống lâu năm. Thân rễ hình củ nhỏ, bám vào nhau, hình trứng. Lá 2 hoặc 3 mọc sát mặt đất, hình trứng, phía cuống hẹp lại thành một cuống dài độ 1 – 2cm. Mặt trên màu xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông mịn. Cả hai mặt đều có những điểm nhỏ, dài rộng gần bằng nhau. Cụm hoa mọc ở giữa, không cuống, gồm 8 đến 10 hoa màu trắng với những điểm tím ở giữa. 

Địa liền thuộc họ Gừng
Địa liền thuộc họ Gừng

1.2. Phân bố, thu hái, chế biến

Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi trong cả nước.

Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, người ta đào củ về. Cần chọn những cây đã trên 2 năm. Rửa sạch đất cát, thái thành miếng mỏng, xông diêm sinh 1 ngày rồi phơi khô. Tuyệt đối không sấy than, củ sẽ đen, mùi kém thơm. Có nơi chỉ đào củ về, rửa sạch phơi khô. Địa liền rất dễ bảo quản, hầu như không bị mốc mọt mặc dù điều kiện bảo quản không hơn so với các vị thuốc khác.

1.3. Bộ phận dùng

Thân rễ, thu hái vào mùa đông xuân, rửa sạch phơi khô, không được sấy bằng than.

Rễ Địa liền
Rễ Địa liền

1.4. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học gồm có tinh dầu. Trong tinh dầu, thành phần chủ yếu là bocneola metyl, metyl p. cumari axit atyl este, xinamic andehyt và xineola. 

2. Tác dụng dược lý

2.1. Tác dụng giảm đau

Trên mô hình gây đau nội tạng bằng cách tiêm dung dịch acid acetic 0,6% vào xoang bụng chuột nhắt trắng để tạo nên những cơn đau quặn. Địa liền dùng với liều 5g/kg thể trọng, bằng đường uống, 1 giờ sau khi dùng thuốc làm giảm 69% số lần xuất hiện cơn đau (P < 0,02). Còn trên mô hình gây đau bằng sức nóng, Địa liền không thể hiện tác dụng giảm đau kiểu morphin.

2.2. Tác dụng chống viêm

Trên mô hình gây phù bàn chân chuột cống trắng bằng cách tiêm nhũ dịch kaolin 10%, thảo dược có tác dụng chống viêm rõ rệt. Dạng cao cồn với liều 10g/kg thể trọng ức chế viêm 63,8%, dạng cao nước với liều 10g/kg thể trọng cũng ức chế viêm 60% (P < 0,02). Tinh dầu và dạng tinh thể chiết từ Địa liền cũng có tác dụng chống viêm tương tự.

2.3. Các tác dụng khác

Nước chiết từ Địa liền có nhiều tác dụng như hạ sốt, có khả năng ức chế sự phát triển của nấm thường gây bệnh ngoài da. Ngoài ra, cao chiết từ Địa liền có tác dụng độc đối với tế bào carcinom cổ tử cung. 

3. Công dụng Địa liền và liều dùng

Địa liền được dùng trong phạm vi nhân dân. Theo Đông y, Địa liền vị cay, tính ôn, vào 2 kinh tỳ và vị.

Dược liệu có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ thấp. Có tác dụng chữa ngực bụng lạnh đau, đau răng. Nó thường được dùng làm thuốc giúp sự tiêu hóa, làm cho ăn ngon, chóng tiêu và còn dùng làm thuốc xông. Ngâm rượu dùng xoa bóp chữa tê phù, tê thấp đau nhức đầu.

Liều dùng: ngày 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên hoặc thuốc hãm.

Địa liền là vị thuốc có rất nhiều công dụng
Đây là vị thuốc có rất nhiều công dụng

Viên bạch – địa – can gồm Địa liền (0,03g), Bạch chỉ (0,1g), Cát căn (0,2g) do Viện Dược liệu Nghiên cứu Sản xuất đã được ứng dụng trong điều trị trên lâm sàng ở Bệnh viện Saint Paul – Hà Nội, đạt kết quả tốt. Thuốc có tác dụng hạ sốt rõ rệt, giảm đau, kháng khuẩn, ít gây tác dụng phụ nên được dùng an toàn cho người lớn và trẻ em.

Dùng ngoài: rượu ngâm riêng Địa liền hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như Huyết giác, Thiên niên kiện, Đại hồi, Quế chi, Long não dùng xoa bóp, chữa đau nhức, tê phù, hoặc ngâm chữa đau nhức răng (không được uống).

4. Đơn thuốc có Địa liền

4.1. Dùng chữa đầy bụng, đau dạ dày, đau thần kinh

Địa liền 2g, Quế chi 1g. Hai vị tán nhỏ chia làm 3 lần uống trong 1 ngày, mỗi lần 0,5g hay 1g bột. 

4.2. Chữa ngực bụng lạnh đau

Địa liền, Đinh hương, Đương quy, Cam thảo với lượng bằng nhau. Tán nhỏ trộn bột, trộn với hồ làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 10 viên.

5. Lưu ý

Không dùng Địa liền cho người thiếu máu, nóng trong người. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment