Cây thuốc, Vị thuốc

Dền cơm: Cây rau và vị thuốc

Rau dền là một loại rau quen thuộc với người dân ta. Nó là tên chung cho các loài trong chi Dền. Bất cứ một bà nội trợ cũng biết rau dền có nhiều loại: dền cơm (hay dền xanh), dền đỏ (hay dền tía), dền gai,… Tất cả các loại Dền này đều là những vị thuốc chữa bệnh. 

1. Mô tả cây rau Dền cơm

Dền cơm có tên khoa học Amaranthus viridis L., thuộc họ rau Dền (Amaranthaceae). Nó còn được biết đến với những tên khác như Dền xanh, Dền trắng, Dền đất,… Dền cơm là cây thân thảo, thân màu xanh, mọng nước. Cây cao trung bình khoảng 40 – 60cm, có những cây lớn cao tới 80cm. Đường kính thân khoảng 5mm, thân cây mọc đứng hay nằm, thường có một nhánh to từ gốc, cong, không lông, không gai.

Lá dạng lá đơn, màu xanh, phiến lá hình xoan tròn dài, có khi hình bánh bò. Kích thước là dài 3 – 6cm, rộng 1,5 – 3cm. Đầu lá tù, có khi lõm, không có lông. Cuống lá có thể dài tới 10cm. Hai bên mép lá nhẵn, có khoảng 7 – 8 gân lá, thấy rõ và hơi cong. Mặt trên và dưới lá mịn với những chấm mờ.

Hoa chùm tụ tán, đơn hay phân nhánh. Hoa mọc thành chùy ở ngọn hay ở nách lá. Chùm hoa dài khoảng 2,5 – 12cm, rộng khoảng 2 – 5mm. Hoa không cuống, nhỏ, nhiều, màu xanh lá cây, hình như một tiểu cầu hay hợp thành 1 gié. Mỗi hoa có 3 lá đài, dài khoảng 3mm, hình mũi mác. Có 3 nhị, 2 – 3 đầu nhụy. Hoa đực và hoa cái cùng chung 1 cây hòa lẫn với nhau.

Quả của Dền cơm là loại quả bế, nhăn, hình trứng. Phần trên cùng của quả có nuốm chia làm 3 mảnh. Bên trong quả chứa một hạt màu nâu đen, bóng, to 1mm. Cây có bộ rễ khỏe, ăn sâu và bám chắc vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng cũng như nước duy trì sự sống cho cây.

Dền cơm cũng dễ phân biệt với các loại dền khác. Nó có lá màu xanh, kích thước khá nhỏ, trên ngọn có hoa với những bông li ti như hạt cơm. Trong quá trình lặt rau, những hạt này sẽ rơi ra dễ dàng. Trong khi đó Dền đỏ (hay dền tía) có lá và toàn thân màu tía, kích thước lá lớn hơn dền cơm. Còn dền gai toàn thân nó mang những gai nhọn.

 Lá và hoa rau dền cơm
 Lá và hoa rau dền cơm

2. Phân bố

Chi Dền nói chung được cho là có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ. Nhưng hiện nay nó hiện diện trên khắp thế giới, cả ở vùng có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới. Một số loài mọc hoang, nhưng cũng khá nhiều loài được trồng làm rau ăn hay làm cảnh.

Dền cơm được thấy ở nhiều vùng khí hậu khác nhau. Từ đồng bằng đến đến vùng núi có độ cao lên tới 1000m. Ở Việt Nam, cây có mặt ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Nó mọc hoang khắp nơi và cũng có thể được trồng, là loại rau phổ biến quen thuộc với mọi nhà.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Tất cả các bộ phận từ rễ, thân, lá, hạt của Dền cơm đều có thể sử dụng để làm thuốc.

Các phần này có thể thu hái quanh năm. Chu kỳ phát triển của dền cơm tương đối ngắn. Thường sau khi gieo hạt tầm 3 – 4 ngày, hạt đã bắt đầu nảy mầm và có thể thu hoạch sau đó khoảng 25 – 30 ngày. Nếu muốn lấy hạt thì phải chờ thời gian lâu hơn, khoảng 2 tháng sau. Nếu muốn thu hái Rễ thì nên lấy lúc cây đã trưởng thành. Rễ, thân, lá Dền cơm hái về rửa sạch, để ráo nước, thường dùng tươi. Còn hạt có thể sử dụng tươi hay phơi khô dùng dần.

4. Thành phần hóa học trong Dền cơm và tác dụng dược lý

4.1. Thành phần hóa học

Trong lá, thân, rễ Dền cơm chứa: các vitamin B, C; các hợp chất steroid, saponin, flavonoid, lipid.

Còn trong hạt chứa: tinh bột, protein, lipid, lectin

4.2. Tác dụng dược lý

Một số nghiên cứu cho thấy:

  • Dền cơm có tác dụng chống ung thư, chống oxy hóa, kháng khuẩn
  • Dịch chiết Dền cơm thể hiện tác dụng ức chế enzym α-amylase, có tác dụng chống viêm khớp tốt
  • Có khả năng bảo vệ gan, chống oxy hóa
  • Trên chuột thí nghiệm, dịch chiết Dền cơm cho thấy tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, làm giảm các sản phẩm do quá trình peroxy hóa lipid; tăng khả năng làm lành vết thương, chống viêm.
 Canh rau dền ăn rất tốt cho sức khỏe
Canh rau dền ăn rất tốt cho sức khỏe

5. Công dụng của rau Dền cơm

Dền cơm vị ngọt nhạt, tính mát, nó có khá nhiều công dụng

  • Trị ứ huyết do chấn thương
  • Chữa mụn nhọt (đối với mụn chưa vỡ)
  • Trị bỏng da nhẹ
  • Chữa thoái hóa cột sống
  • Điều trị lỵ
  • Chữa ho có đàm
  • Trị viêm da có mủ
  • Trị ong đốt hay rắn cắn
  • Bồi bổ sức khỏe cho trẻ nhỏ
  • Trị tăng huyết áp do hỏa bốc cao, hoa mắt, chóng mặt
  • Giải nhiệt
  • Kích thích ăn ngon miệng
  • Nhuận tràng
  • Trị sỏi thận
  • Giúp lợi tiểu
  • Trị viêm họng
  • Trị đau mắt có màng mộng

6. Một số bài thuốc sử dụng Dền cơm

6.1. Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống

Cây dền cơm, cỏ xước, lá lốt và tầm gửi mỗi loại 30g, cây chìa vôi 50g.

Trước tiên đem cỏ xước, chìa vôi và tầm gửi nấu với 2 lít nước. Đợi cho nước trong nồi sôi thì mới thả rau dền và lá lốt vào nấu thêm khoảng 5 phút nữa thì ngưng. Chờ cho nước nguội gạn ra uống nhiều lần thay cho nước lọc.

6.2. Bài thuốc giúp giải nhiệt

Rau dền cơm 100g, rau đay và rau dệu mỗi thứ 50g, tôm (hoặc cua) 100g. Nấu canh ăn vài lần 1 tuần.

6.3. Bài thuốc chữa bệnh lỵ

Thân và lá dền cơm 50g, rau sam 30g nấu canh chung với nhau ăn hàng ngày cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.

7. Lưu ý

Dược liệu tươi không thể để quá lâu. Nên cất giữ thuốc nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Tránh chỗ ẩm ướt làm úng, hư hại rau.

Dền cơm là một vị thuốc – một món ăn quen thuộc. Bản thân nó có khá nhiều công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên bản thân người bệnh, nếu muốn sử dụng Dền cơm như một vị thuốc để sử dụng lâu dài, cần có sự tham khảo ý kiến từ thầy thuốc. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment