Cây thuốc, Vị thuốc

Đậu đỏ: Hạt đậu bé nhỏ, công dụng thần kỳ

Đậu đỏ không chỉ là nguyên liệu ẩm thực bổ dưỡng mà còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, lợi tiểu, dưỡng huyết… rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về Đậu đỏ

  • Tên gọi khác: Xích tiểu đậu, Mễ xích, Mao sài xích…
  • Tên khoa học: Vigna angularis (Willd.) Ohwi et Ohashi.
  • Họ khoa học: Đậu (Fabaceae).
  • Hạt của cây là bộ phận được sử dụng để làm thuốc. Semen Phuseoli.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Phân bố của cây Đậu đỏ

  • Nguồn gốc ở Nhật Bản.
  • Dược liệu được tìm thấy ở rất nhiều nơi, nhất là ở miền Bắc Trung Quốc như các tỉnh Sơn Đông, Liêu Ninh… Ngoài ra, còn xuất hiện từ lâu ở Triều Tiên, Mông Cổ, và vùng Ðông Nam Á cho tới tận Hawai, Nam Hoa Kỳ…
  • Ở nước ta, Đậu đỏ được trồng phổ biến ở hầu khắp các tỉnh thành, từ miền Bắc, Bắc trung bộ đến duyên hải miền Trung (Khánh Hòa…), miền Nam.
  • Cây có sức sống khỏe, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Ra hoa quả nhiều, sau đó thì tàn lụi. Vòng đời kéo dài từ 3,5 đến 4 tháng.
  • Là loài mọc hoang, vì cành lá rườm rà, dày kín nên người ta thường trồng nơi nào nhiều cỏ tranh khó trừ sẽ làm cho cỏ tranh không mọc lên được. Chính vì vậy, ở Trung quốc người ta còn gọi là Mao sài mễ.

Thu hái và sơ chế

  • Thời điểm thu hái Đậu đỏ thích hợp nhất vào mùa thu khi quả chín. Sau khi hái quả về sẽ tiến hành đập lấy hạt để phơi hay sấy khô và bảo quản dùng dần.
  • Hạt Đậu nhỏ đỏ hẹp dài, có rốn hơi lồi cao. Không nên nhầm với hạt Cam thảo dây (Tương tư tử) có rốn màu đen hoặc hạt Phan xích đậu rộng, ngắn không có rốn lồi cao.
  • Hoa tháng 6-7, quả tháng 7-8.
đậu đỏ
Đậu đỏ được sử dụng rộng rãi trong cả ẩm thực và lĩnh vực y học.

1.2. Mô tả toàn cây

Cây loại thảo sống hằng năm, dài 1,5-2m. Thân cành phủ lông dài và thưa, nhánh có cạnh và lông dài.

Lá kép gồm 3 lá chét hình trứng hoặc hơi tam giác, lá chét đôi khi lại chia thành ba thuỳ cắt nông, mặt dưới nhiều lông trắng dài. Lá chét có cuống dài, gốc lệch, đầu hơi nhọn, mép nguyên. Mỗi lá có 4 – 5 cặp gân phụ, lá kèm thon, có hình lọng dài khoảng 8mm.

Mùa hạ, ở nách lá mọc hoa vàng hình bướm. Hoa 5-6 cái mọc ở kẽ lá, đài hình chuông, 5 răng. Tràng có cánh cờ không cuống, màu vàng tươi. Nhị 10 xếp thành 2 bó.

Quả hình trụ, nhỏ và dài trên mặt có lông, kích thước khoảng 6 – 12,5cm, đường kính 0,5 – 0,7cm, chót nhọn.

Mỗi quả có từ 6 – 14 hạt, hình trụ, hai đầu hơi dẹt, dài 2mm, đường kính 1,5mm. Vỏ màu đỏ nâu hay tía nâu trơn bóng nơi rốn, rốn nổi rõ. Chất trắng vàng lục, cứng giòn.

1.3. Bảo quản

Bảo quản dược liệu trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Theo các nghiên cứu, Đậu đỏ giàu chất dinh dưỡng:

  • Hạt Đậu đỏ chứa protein 20.7g%, lipid 0,5 g%, Cacbohydrat 58 g%, cellulose 4,9 g%, tro 3,3 g%, Ca 67 mg%, P 305 mg%,vitamin B1, saponin, acid béo, sắc tố, phytosterol, riboflavin…
  • Hạt lá và rễ chứa triacyglycerol, monoglycosylglycerol.
  • Quả chứa azukisaponin I….
Theo (Brink và Belay, 2006) 100 g hạt đậu chứa: 
  • Nước 13,4 g; năng lượng 1377 kJ; protein 19,9 g; chất béo 0,5 g; carbohydrat 2,9; chất xơ 12,7 g.
  • Ca 66 mg; Mg 127 mg; P 381 mg; Fe 5,0 mg; Zn 5,0 mg; vitamin A 17 IU; thiamin 0,46 mg; riboflavin 0,22 mg; niacin 2,6 mg, folat 622 μg.
  • Ngoài ra, còn có các axit amin không thay thế: tryptophan 191 mg; lysin 1497 mg methionin 210 mg; phenylalanin 1052 mg; threonin 674 mg; valin 1023 mg; leucin 1668 mg và isoleucin 791 mg; và chứa các axit béo như axit linoleic 113 mg và axit oleic 50 mg.

2.2. Tác dụng Y học hiện đại

  • Kháng khuẩn: Dịch chiết nước 20% từ hạt ức chế Staphylococcus aureus, Shigella, Salmonella…
  • Dịch chiết từ vỏ hạt có chứa các proanthocyanidin và chất xơ nên có thể chống oxy hóa, chống chứng tăng huyết áp. (Sato et al.,2009).
  • Giảm huyết áp: Hàm lượng Kali cao giúp cơ thể kiểm soát và điều chỉnh mức huyết áp. Đồng thời ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
  • Giảm nguy cơ bệnh tim mạch, các bệnh gan: Hàm lượng chất xơ dồi dào tác động lên quá trình chuyển hóa lipid, giảm cholesterol, triglycerid… Từ đó, làm giảm đáng kể nguy cơ xơ vữa động mạch hay các bệnh về gan.
  • Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: cải thiện độ nhạy insulin và giúp giảm lượng đường trong máu vào sau bữa ăn. Ngoài ra, hàm lượng protein có trong loại đậu này còn giúp ngăn chặn hoạt động của alpha-glucosidase trong ruột.
  • Do chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa tốt, chống táo bón, hỗ trợ giảm cân.
  • Do chứa nhiều chất chống oxy hóa (vitamin C, B, E) giúp tăng cường miễn dịch, ngăn chặn gốc tự do, bảo vệ da và cơ thể trước tác động môi trường bên ngoài.
  • Bổ máu: Đậu đỏ chính là kho chứa folate, sắt, mangan…cần thiết cho phụ nữ cũng như quá trình tạo máu. Ngoài ra còn điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt đồng thời ngăn ngừa các triệu chứng thiếu máu.
  • Chống loãng xương: Nước Đậu đỏ có chứa hoạt tính sinh học như catechin và saponin khôi phục sự tái hấp thu xương, chống loãng xương.
đậu đỏ
Do chứa nhiều chất chống oxy hóa nên Đậu đỏ có công dụng làm đẹp hiệu quả.

2.3. Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, chua, tính bình, không độc

Quy kinh: Tâm và Tiểu trường.

Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, lợi thuỷ, hành huyết, tiêu thũng (giảm sưng phù), bài nùng (loại mủ), trừ thấp (giảm đau)…

Chủ trị: Thường trị sưng phù tay chân, thủy thũng đầy chướng, mụn nhọt lở ngứa, phong thấp tê đau, suy nhược cơ thể…

Ngoài ra, trong sách “Bản thảo cửu hoang” của Hoàng Sơn Cốc có chép: Hái lá non cây Đậu đỏ, rửa sạch, luộc chín, trộn với dầu và muối ăn rất bổ, thay được cơm gạo. Đồng thời khi thường xuyên ăn Đậu đỏ sẽ hỗ trợ giúp mắt sáng.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Đậu đỏ có thể dùng điển hình nhất là dạng thuốc sắc hay tán bột đắp ngoài da. Ngoài ra có thể dùng chế biến thành các món ăn như cháo, chè…

Liều dùng:

  • Thuốc sắc: 20-40g.
  • Bột 9-16g.
  • Dùng ngoài hạt tươi hoặc khô, giã nát hoặc tán bột không kể liều lượng.

Đậu đỏ và ẩm thực thế giới:

  • Việc sử dụng đậu đỏ gắn liền với nền văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau.
  • Người Nhật có quan niệm Đậu đỏ biểu hiện của sự thành công và may mắn.
  • Ở Trung Quốc, bột đậu trộn với bột mì để làm sợi mì.
  • Ở Nepal, người ta còn lấy những trái còn non và cây mầm giá để làm rau cải.

4. Kiêng kỵ

Đậu đỏ là nguồn nguyên liệu có chứa hàm lượng lectin cao nhất trong tất cả các loại đậu. Lectin là chất rất dễ gây ngộ độc nhất là khi dung nạp với liều lượng lớn.

Chính vì thế, khi dùng vị thuốc này, bạn cần sơ chế để loại bỏ lectin bằng cách ngâm với nước trong 3 – 5 giờ. Tuyệt đối không sử dụng đậu ở dạng sống và chú ý thời gian nấu đậu phải từ 10 phút trở lên. Một số triệu chứng ngộ độc đậu đỏ thường gặp là nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội…

đậu đỏ
Đậu đỏ xuất hiện trong ẩm thực của nhiều quốc gia trên thế giới.

5. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ Đậu đỏ

4.1. Chữa tiểu ra máu

Đậu đỏ nhỏ, Đương quy hai vị bằng nhau tán bột. Ngày uống 10-20g bột này. (Xích tiểu đậu, đương quy tán)

Hoặc Ðậu đỏ 30g, sao qua tán nhỏ, chia uống mỗi lần 7-8g, với 1 củ hành nướng qua, nghiền với rượu.

 4.2. Chữa thấp nhiệt sinh lở và sưng chân

Ðậu đỏ 20, Núc nắc, Ngưu tất, Kim ngân hoa, Bồ công anh, Ðơn đỏ, đều 12g, sắc uống.

4.3. Chữa mụn nhọt mới phát, sưng nóng đỏ đau

Bột Ðậu đỏ hòa với nước đắp, thay hàng ngày.

4.4. Trị phù thũng, tiểu tiện không thông

Đậu đỏ 20g, hạt Bo bo 30g, Gạo tẻ 30g. Đậu đỏ ngâm mềm nấu trước, rồi cho gạo tẻ, hạt bo bo vào nấu nhừ, thêm đường. Ngày ăn 2 lần.

Đậu đỏ là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment