Cây thuốc, Vị thuốc

Cỏ the: Cây thuốc chữa viêm xoang từ dân gian

Cây Cỏ the có tên khoa học là Centipeda minima L. Cây còn được gọi với tên khác là Cóc mẳn, Cây thuốc mộng, Cúc ma, Cúc ngồi. Thuộc họ Cúc (Asterceae). Cỏ the có vị đắng, tính mát, có tác dụng thoái nhiệt, thông khiếu, tán thấp, khu phong, tiêu sung, giải độc.

1. Tổng quan về cây Cỏ the

1.1. Mô tả dược liệu

Cỏ the là cây thảo, sống hàng năm, có chiều cao trung bình từ 5 – 20cm. Cây phân nhiều cành lòa xòa, mọc sát mặt đất. Ngọn non có lông nhung, màu trắng nhạt.

Lá nhỏ, mọc so le, hình bầu dục, gốc thuôn, đầu nhọn, dài 0,8-1,5cm, rộng 3-7mm, có 1-2 răng ngắn ở mỗi bên mép, vò ra có mùi hôi.

Cụm hoa hình đầu không cuống, rộng 3 – 4mm, màu vàng nhạt mọc ở kẽ lá, đối diện với lá. Tổng bao lá bấc ngắn, thuôn đều. Hoa cái xếp thành 6 hàng ở ngoài, không có lưỡi; hoa lưỡng tính ít hơn, hình ống.

Quả bế, dài 0,9mm, hình 4 cạnh ở vòng ngoài và dẹt ở phía trong.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 6.

Cây Cỏ the
Cỏ the là cây thảo, sống hàng năm

1.2. Phân bố, sinh thái

Ở Việt Nam, chỉ có 1 loài Cỏ the, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và núi thấp. Cây ưa ẩm mát, vòng đời ngắn. Cây ra hoa quả nhiều. Hạt rất nhỏ và có khả năng tồn tại lâu trong lớp đất canh tác.

1.3. Bộ phận dùng Cỏ the

Toàn cây Cỏ the thu hái lúc cây ra hoa, dùng tươi hay phơi khô.

1.4. Hoạt chất từ Cỏ the

Các thành phần trong cây Cỏ the bao gồm:

  • Các hợp chất bay hơi: heptan-2-ol, heptan-2,4-dien-1-ol, alcol benzylic.
  • Các sesquiterpen lacton.
  • Các flavonoid.
  • Các triterpene và steroid.

2. Tác dụng dược lý của Cây Cỏ the

Trong thử nghiệm trên chuột cống trắng, dược liệu thể hiện có tác dụng giảm ho và long đờm.

Cao nước dược liệu thể hiện hoạt tính chống dị ứng trong thử nghiệm về phản ứng phản vệ da thụ động.

Cao chiết với nước nóng của cây có tác dụng ức chế hoạt tính của yếu tố hoạt hóa tiểu cầu đối với tiểu cầu thỏ. Bốn sesquiterpen chiết xuất từ cây có hoạt tính này.

Cây Cỏ the
Cây Cỏ the có tác dụng giảm ho và long đờm

3. Công dụng củ cây Cỏ the

Cây có vị đắng, tính mát, có tác dụng thoái nhiệt, thông khiếu, tán thấp, khu phong, tiêu sung, giải độc.

Cỏ the được dùng chữa cảm sốt, ho, họng sưng đau, ho gà trẻ em, viêm phế quản, mũi tắc, mắt đau sưng đỏ có màng mộng, vấp ngã tổn thương, ứ máu, rắn cắn, và chữa bệnh ngoài da chốc lở, eczema.

Liều dùng: Ngày dùng 20 – 40g cây tươi hoặc 10 – 20g dược liệu khô dưới dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài, mỗi ngày 20 – 40g cây tươi giã nát, bôi đắp vào nơi bị bệnh

Một bột nhão đặc từ cây nấu lên được bôi vào má chữa đau răng. Dùng nước hâm từ cây có thể trị viêm mắt, và hạt cso mẳn trị giun.

4. Bài thuốc có Cây Cỏ the

4.1. Chữa cảm sốt, ho khan

Chuẩn bị: Lá Cỏ the 40g, Lá xương sông 40g, Râu ngô 40g.

Dùng tươi, sắc, chia 2 lần uống trong ngày.

4.2. Chữa ho

Cỏ the 20g khô hoặc 40g tươi. Tất cả sắc với nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.

4.3. Chữa viêm mũi mạn tính hay viêm mũi dị ứng

Dược liệu tươi rửa sạch và ngâm với nước muối pha loãng. Vò nát dược liệu, cuộn lại thành 1 cái nút nhỏ lần lượt nhét vào từng bên lỗ mũi, mỗi bên 30 phút. Thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Cỏ the phơi khô, nghiền thành bột mịn. Để trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, lấy một ít bột thuốc thổi vào trong mũi, kết hợp hít mạnh để đưa được thuốc vào sâu trong các xoang. Lặp lại 3 – 4 lần trong ngày.

Cây Cỏ the
Cây Cỏ the còn là bài thuốc quý chữa viêm mũi, viêm xoang

Dùng một miếng bông gòn thấm nước muối sinh lý cho ẩm. Sau đó chấm vào bột cỏ the lần lượt nhét vào từng bên lỗ mũi khoảng 30 phút. Áp dụng mỗi ngày 1 lần.

Sắc cây Cỏ the vài tiếng đồng hồ cho cô đặc thành cao. Dùng bông gòn tẩm cao nhét vào lỗ mũi khoảng 60 phút thì bỏ ra. Thực hiện chăm chỉ mỗi ngày 1 lần các triệu chứng khó chịu sẽ thuyên giảm.

Dùng 20g dược liệu khô ( tương đương 40g tươi). Sắc kỹ lấy 200ml nước chia 3 lần uống mỗi ngày.

4.4. Chữa trẻ em ho gà hay dự phòng cảm lạnh, sổ mũi, ho, sốt rét

Cây tươi 20g, lấy vò nát rồi hãm với nước nóng uống.

4.5. Chữa mẩn ngứa, eczema

Cỏ the 2 phần , đậu xanh 1 phần, muối 1 ít. Cả 3 vị giã nhỏ, đắp lên nơi eczema đã rửa sạch.

4.6. Chữa chàm, chốc lở

Dược liệu tươi 20 – 30g, phối hợp với hạt cây lai, gĩa nát, trộn với 1 ít rượu, bôi.

4.7. Chữa nổi mẩn ngứa ngoài da do thời tiết thay đổi

Chuẩn bị: Cỏ the tươi liều lượng tùy thuộc vào diện tích da bị mẩn ngứa.

Cách dùng: Rửa dược liệu với nước muối, giã nát đắp lên chỗ da bị ảnh hưởng khoảng 30 phút. Thực hiện vài lần trong ngày để xoa dịu cơn ngứa ngáy khó chịu.

4.8. Điều trị ho do cảm cúm

Chuẩn bị: 40g dược liệu, 40g Hoạt lục thảo, 40g Râu ngô.

Cách dùng: Đều đặn sắc uống mỗi ngày 1 thang trong 3 – 5 ngày liên tục.

Bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin về cách dùng cũng như liều lượng của Cây Cỏ the. Cây có tính ấm, vị cay giúp trị viêm mũi dị ứng, eczema, ho, viêm phế quản. Có thể dùng sắc uống hoặc giã đắp ngoài. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment