Hội chứng bệnh theo YHCT

Chứng vị hàn

Chứng vị hàn

1. Nguyên nhân:

Chứng vị hàn là chỉ vào triệu chứng vì âm hàn đọng ở vị quản mà biểu hiện ra. Ăn uống đồ sống lạnh, hoặc hàn tà xâm vào vị phủ, trung dương bị phạt, hàn đọng ở vị quản đều có thể gây ra chứng này.

 2. Chứng trạng:

Vị quản đau, đến vội, đau dữ dội, gặp lạnh đau hơn, thích ấm, thích xoa, nôn mửa ra nước trong, miệng nhạt, không khát, ruột sôi ùng ục, ỉa chảy, người lạnh, chân tay lạnh; lưỡi nhợt, rêu trắng trơn, mạch trầm trì hoặc huyền.

 3. Cơ chế bệnh sinh:

Hàn thuộc âm, tính ngưng trệ, chủ co vào, hàn đọng ở vị quản, khí trệ không thông, không thông thì đau, cho nên vị quản đau. Hàn chủ thu dẫn, kinh khí bị trở, kinh mạch bị bế tắc, cho nên có khi đau dữ dội, nặng thì chân tay quyết lạnh ra mồ hôi. Hàn khí gặp nhiệt thì tản ra, khí huyết  gặp nhiệt thì lưu hành, cho nên đau được nhiệt thì bớt.

Vị khí bị tổn thương không vận hoá được cơm nước cho nên tinh vi của thức ăn hoá thành thủy ẩm. ẩm theo vị khí nghịch lên cho nên nôn mửa ra nước trong, thủy ẩm chạy vào đường ruột cho nên ruột có tiếng sôi. Hàn tà hại dương, dương khí không đầy đủ cho thân mình cho nên người lạnh tay chân lạnh. Hàn thịnh ở trong thì miệng nhạt, không khát, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng, mạch trì hoặc huyền.

Điểm chính để chẩn đoán là: vị quản đau mà có hiện tượng hàn.

 4. Luận trị:

– Phép trị: Ôn vị tán hàn.

– Phương dược: Lương phụ hoàn (Lương phương tập giải)

Cao lương khương rửa bằng rượu 7 lần. Hương phụ rửa bằng dấm 7 lần. Lượng bằng nhau, tán bột làm hoàn.

Phân tích: Cao lương khương để ôn vị tán hàn. Hương phụ để lý khí, hành khí chỉ đau.

Bài viết liên quan

Leave a Comment