Hội chứng bệnh theo YHCT

Chứng tâm tỳ lưỡng hư

Chứng tâm tỳ lưỡng hư

1. Nguyên nhân:

Chứng tâm tỳ lưỡng hư là những triệu chứng vì tâm huyết bất túc, tỳ khí suy hư mà biểu hiện ra. Người lo nghĩ quá độ, ăn uống không chừng độ, bị mất huyết kéo dài, hoặc sau khi bị bệnh không điều bổ đều có thể gây ra chứng này.

2. Chứng trạng:

Tim hồi hộp, mạch đập không đều, mất ngủ, nhiều chiêm bao, hay quên, choáng váng, ăn kém, mệt nhọc không có lực, bụng chướng, đại tiện lỏng, hoặc chảy máu da, kinh nguyệt lượng thấp sắc nhợt, nhỏ từng giọt không hết. Sắc mặt vàng ải, lưỡi non nhợt, mạch tế.

3. Cơ chế bệnh sinh:

Tâm chủ huyết mà tàng thần, tỳ sinh huyết mà thống huyết. Ăn uống mất chừng độ, sau khi bị bệnh không điều bổ hoặc bệnh xuất huyết mạn tính, có thể làm cho tỳ khí hư nhược. Tỳ hư thì sinh huyết không đủ, hoặc không thống nhiếp được huyết làm cho tâm huyết mất đầy đủ. Lo nghĩ quá độ làm hao dần khí huyết của tâm cũng không thể tư dưỡng được cho tỳ thổ ở trung tiêu, nên sự vận hoá của tỳ bị thất thường. Có thể thấy nhiều nguyên nhân đều có thể sinh chứng tâm tỳ cùng hư.

Khí huyết của tâm không đầy đủ thì tâm thần mất nuôi dưỡng, nên sinh chứng tâm quý, chính xung, mất ngủ, chóng quên hoặc có nhiều chiêm bao. Tâm huyết không đủ, bể tủy không đầy đủ cho nên sinh choáng váng hay quên. Tỳ khí hư nhược không vận hoá được, cho nên ăn ít đại tiện lỏng. Khí có ở trung tiêu không thông lợi thì bụng chướng. Tay chân không được khí huyết nhu dưỡng cho nên rũ mỏi, yếu sức. Khí huyết sinh hoá không đủ, không lên nuôi dưỡng đầy đủ ở đầu mặt cho nên sắc mặt vàng ải lưỡi non nhợt. Huyết thiếu không đầy đủ ở mạch, cho nên mạch tế. Tỳ hư không thống nhiếp được huyết dịch, huyết tràn ra ở da thì da chảy máu. Mạch xung, mạch nhâm không giữ kín cho nên băng huyết, rong kinh, hoặc huyết ra từng giọt kéo dài. Nếu huyết hư, mạch xung nhâm không đầy đủ thì kinh ít sắc nhợt.

Điểm chính để chẩn đoán là: Tâm quý, mất ngủ, ăn ít và mất huyết.

4. Luận trị:

– Phép trị: Bổ ích tâm tỳ.

– Phương dược:

* Quy tỳ thang (Tế sinh phương).

Hoàng kỳ   12g Viễn chí   8g
Bạch truật   12g Long nhãn 12g
Đảng sâm   16g Táo nhân   8g
Đương qui    12g Phục thần   8g
Mộc hương     6g Cam thảo   6g

Phân tích: Sâm, Truật, Thảo, Khương, Táo nhân để bổ tỳ ích khí. Quy để dưỡng can nhằm sinh tâm huyết. Phục thần, Táo nhân, Long nhãn để dưỡng tâm an thần. Viễn chí để giao thông tâm thần, an tâm. Mộc hương để lý khí tỉnh tỳ.

Bài viết liên quan

Leave a Comment