Hội chứng bệnh theo YHCT

Chứng tâm khí hư và tâm dương hư

Chứng tâm khí hư và tâm dương hư

1. Nguyên nhân:

Là triệu chứng do công năng của tạng suy giảm mà biểu hiện ra. Người bẩm phủ không đủ, người tuổi già sức yếu, bệnh lâu hoặc lao tâm quá độ đều có thể gây ra chứng này (Bệnh suy tim, rối loạn thần kinh tim, tâm phế mạn, bệnh mạch vành, thiếu máu).

2. Chứng trạng:

Tâm khí hư: Tâm khí, chính xung, ngực tức khí đoản, ra mồ hôi, thần mệt, cử động thì mệt hơn, sắc mặt không tươi, sắc lưỡi nhợt, thể lưỡi bệu, mạch hư.

– Tâm dương hư: Tim đau, sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt xanh bạc, môi tối lưỡi bệu nhợt, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch kết đại hoặc vi tế.

3. Biện chứng :

– Tâm khí hư: thì trong tâm trống rỗng, động lên thoi thóp, cho nên thấy chứng tim hồi hộp, nặng thì chính xung. Tâm ở trong lồng ngực tâm hư khí thì tông khí trong lồng ngực vận chuyển thiếu sức cho nên ngực tức khí đoản. Mồ hôi là tâm dịch, tâm khí hư thì cơ biểu không kín chặt, cho nên dễ ra mồ hôi. Khí hư không dưỡng được thần cho nên thần mệt. Động thì hao khí làm cho tâm khí càng hư, cho nên sau khi động thì các chứng càng tăng thêm. Khí hư thì huyết không có sức vận hành, không lên tươi tốt ở mặt và ở lưỡi được cho nên sắc mặt ít tươi, lưỡi nhợt. Huyết vận hành không có lực, đường mạch trống rỗng thì mạch hư.

Điểm chính để chẩn đoán là: Tâm quí, khí đoản, thần mệt.

– Tâm dương hư: thì trong ngực dương hư không vận chuyển huyết mạch ngưng tắc cho nên đau tim. Dương khí không sưởi được cho da thì sợ lạnh, không đạt ra tay chân thì tay chân lạnh, không đi lên mặt thì mặt xanh bạc. Dương hư huyết vận hành không thông lợi thì môi tối, lưỡi nhợt, mạch vi tế hoặc kết đại.

Điểm chính để chẩn đoán là: Tâm khí hư và triệu chứng ngoại hàn.

4. Luận trị:

4.1. Chứng tâm khí hư:

– Phép trị: Bổ ích tâm khí (Bổ khí dưỡng tâm).

– Phương dược:

* Sinh mạch tán (Nội khoa học):

Đảng sâm 20g         Mạch môn 20g         Ngũ vị 15g            Cam thảo (trích) 10g

* Nhân sâm dưỡng vinh thang (Hoà tễ cục phương):

Nhân sâm          12g Đương qui          8g Ngũ vị tử             6g
Phục linh             6g Thục địa           12g Trần bì                 6g
Bạch truật            8g Bạch thược       12g Viễn chí               8g
Cam thảo             6g Hoàng kỳ          12g Đại táo               12g
Xuyên khung       8g Quế nhục            6g Sinh khương        3g

Phân tích: Bài này gồm bài Bát trân để bổ khí bổ huyết, thêm Hoàng kỳ để ích khí cố biểu, Quế nhục để trợ dương (là bài Thập toàn đại bổ). Ngũ vị tử để cố sáp chỉ hãn, Viễn chí để an thần định chí, Trần bì để lý khí. Thêm Đại táo, Sinh khương để dẫn thuốc vào tỳ nhằm mạnh trung khí.

4.2. Chứng tâm dương hư:

          – Phép trị: Ôn thông tâm dương.

          – Phương dược:

* Quế chi cam thảo thang:

          Quế chi    +    Cam thảo   lượng bằng nhau 10g sắc uống.

Phân tích: Quế chi ôn thông tâm dương. Cam thảo ích khí bổ tỳ thông mạch.

Bài viết liên quan

Leave a Comment