Hội chứng bệnh theo YHCT

Chứng can khí uất kết và can khí hoành nghịch

Chứng can khí uất kết và can khí hoành nghịch

1. Nguyên nhân:

– Chứng can khí uất kết là những triệu chứng vì can sơ tiết không kịp, khí cơ không thông lợi mà biểu hiện ra.

– Chứng can khí hoành nghịch là chứng do can sơ tiết thái quá, khí cơ hoành nghịch mà biểu hiện ra. Mỗi khi tình chí uất ức hoặc vì những nguyên nhân khác mà làm cho can mất tính sơ tiết thì sẽ gây nên 2 chứng này (Thuộc bệnh SNTK do Stress, các bệnh lý gan mật).

2. Chứng trạng:

Tinh thần uất ức thiếu vui, dễ giận, tính nóng, ngực sườn đầy tức hoặc chướng đau, trong họng có vướng mắc (mai hạch khí), hoặc cổ gáy nổi bướu, tràng nhạc, ăn uống kém, hay chiêm bao, dễ kinh sợ, 2 vú chướng đau, kinh nguyệt rối loạn, đau xuống bụng dưới, sườn bụng có khối cứng, mạch huyền.

– Chứng can khí uất kết: uất ức không vui, ngực sườn tức đầy.

– Chứng can khí hoành nghịch: dễ giận, 2 sườn chướng đau, hoặc đau xuống bụng dưới, hay chiêm bao, dễ kinh sợ.

3. Cơ chế bệnh sinh:

Can là tạng cương tính, can mộc thăng tán thích thoải mái, nếu tình chí không thông xướng do kích thích quá độ, làm mất tính khoan khoái của can sẽ sinh ra chứng can khí uất kết. Can khí uất kết sẽ luỵ đến các tạng phủ khác như: can khí thừa tỳ, xung tâm, phạm phế. Can khí không sơ tiết, uất kết ở trong, tính khí mất điều hoà cho nên thấy uất ức, ngực sườn đầy tức, vú chướng, trong họng như hóc (mai hạch khí). Khí không điều đạt, ảnh hưởng đến trung tiêu, mộc không sợ thổ  cho nên thấy đầy hơi không muốn ăn uống. Khí uất đã lâu, ảnh hưởng đến sự vận hành của huyết và sự vận hoá cơm nước, mà sinh ra đàm ngưng huyết ứ, cho nên sinh tràng nhạc bướu cổ, ngực sườn có khối cứng. Can khí mất điều hoà, mạch xung, mạch nhâm cũng theo đó mà không hoà, nên kinh nguyệt rối loạn, hay đau bụng kinh. Can khí hoành nghịch thì thần hồn không yên, cho nên dễ giận, ngực sườn đau chạy, hay chiêm bao, dễ kinh sợ. Can khí hoành nghịch, mộc mạch thừa thổ, phạm vị, khắc tỳ nên không muốn ăn và tiêu hoá không tốt.

4. Luận trị:

– Phép điều trị: Sơ can lý khí.

– Dược vị:

Thuốc sơ can giải uất: Sài hồ.

Thuốc lý khí: Ô dược, Chỉ thực, Chỉ sác, Hương phụ, Trần bì, Uất kim, Xuyên luyện tử, Huyền hồ, Trầm hương.

– Phương dược:

* Tứ nghịch tán (Thương hàn luận):

Sài hồ 8g Chỉ thực 8g
Cam thảo 8g Thược dược 12g

ý nghĩa: Sài hồ để thâu tà thăng dương nhằm sơ can giải uất là quân dược; Chỉ thực để hạ khí kết hợp với Sài hồ làm khí thăng giáng điều hoà lại là thần; Thược dược để ích âm dưỡng huyết, hợp với Sài hồ để sơ can lý khí là tá; Cam thảo ích khí kiện tỳ, điều hoà các vị thuốc là sứ.

* Sài hồ sơ can tán (Cảnh Nhạc toàn thư):

Sài hồ 20g Trần bì 20g
Thược dược 15g Hương phụ 15g
Chỉ  sác 15g Xuyên khung 15g
Cam thảo   5g    

Ý nghĩa: Bài này chính là bài Tứ nghịch tán để sơ can giải uất, gia Trần bì, Hương phụ làm tăng tác dụng lý khí, Xuyên khung để dưỡng can huyết.

Gia giảm:

– Can khí uất lâu ngày sinh chứng huyết mạch bế tắc, vinh khí không lưu lợi thì gia các vị hành huyết, phá huyết như: Đương quy, Đào nhân, Hồng hoa, Uất kim, Trạch lan.

– Can khí uất lâu có thể tổn thương âm huyết gây huyết dich không đủ. Can huyết không được nuôi dưỡng gây chứng huyết táo, khí uất. Gia các vị dưỡng âm sinh huyết như: Sinh địa, Sa sâm, Mạch môn, Quy thân, Kỷ tử, Xuyên luyện tử (Bài Nhất quán tiễn).

– Can khí uất phạm tỳ vị thì gia các vị kiện tỳ như Bạch truật, Bạch linh, Đảng sâm

– Can khí uất lâu có thể sinh đàm thì gia các vị trừ đàm như Bán hạ, Nam tinh.

Bài viết liên quan

Leave a Comment