Cây thuốc, Vị thuốc

Cây Hẹ: Trị ho hiệu quả với loại rau quen thuộc

Hẹ từ lâu đã trở thành cây trồng và món ăn quen thuộc với các hộ gia đình. Không chỉ là một loại rau gia vị với nhiều cách chế biến đa dạng, hẹ còn là vị thuốc đắc lực. Theo Đông y, hẹ có vị cay hơi chua, tính nóng, mùi hăng; có công dụng trị ho, hen suyễn, tiêu hóa kém, mồ hôi trộm… 

1. Các đặc điểm cần biết về Hẹ 

1.1. Đặc điểm nhận biết

Hẹ có tên khoa học là Allium odorum L. thuộc họ Hành tỏi (Alliaceae). Cây hẹ cung cấp cho ta các vị thuốc:

  • Toàn cây gồm lá và rễ: Cửu thái
  • Hạt hẹ : Cửu thái tử hay cửu tử

Là loại cỏ nhỏ, mọc thành túm có rất nhiều rễ con. Lá ở gốc thân, hình dài phẳng hẹp, đầu nhọn thường là 4 – 5 lá. Hoa màu trắng mọc trên một cọng hoa từ gốc lên, tụ thành xim nhưng co ngắn lại thành tán giả. Quả nang, hình trái xoan ngược hoặc hình cầu hơi dẹt, chia ra 3 mảnh. Hạt nhỏ màu đen.

Hẹ
Lá hẹ

1.2. Phân bố, bộ phận dùng

Hẹ được trồng khắp nơi ở nước ta. Là thứ rau dùng quanh năm, nhưng sử dụng tốt nhất vào mùa xuân vì có hoạt chất cao nhất.

Bộ phận dùng: thân hành và lá, dùng tươi. Hạt lấy lúc quả già, có màu đen, phơi hoặc sấy khô.

2. Hẹ có chứa những hoạt chất gì?

Ngoài các chất như protein, carbohydrate, chất xơ… trong hẹ còn chứa  β – caroten, vitamin C, alliin, methylaiin, sulfid, linalool. 

Một nghiên cứu ở Trung quốc đã tìm ra trong củ hẹ còn có Odorin – hoạt chất có tác dụng ức chế mạnh đối với vi khuẩn Staphyllococcus aureus và Bacillus coli.

Trong hạt hẹ có chứa ankaloid và saponin.  

Hạt hẹ
Hạt hẹ

3. Công dụng và liều dùng

Theo kinh nghiệm dân gian:

  • Lá và thân hành hẹ dùng để chữa ho trẻ em, hen suyễn, tiêu hóa kém, giun kim, lỵ amip, mồ hôi trộm với liều 20 – 30g mỗi ngày. 
  • Hạt hẹ: chữa bệnh di mộng tinh ở nam giới, khí hư, đau lưng, mỏi gối, đái dầm với liều 4 – 12g mỗi ngày.

Trong hẹ có chứa nhiều hoạt chất, vitamin và khoáng chất nên được cho là loại rau rất tốt cho cơ thể. Trong sách Bản thảo thập di có viết: “ Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên ”. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu về hoạt tính sinh học của hẹ còn rất hạn chế. Trong đó đáng chú ý nhất là hoạt tính kháng khuẩn mà loài cây nhỏ bé này nắm giữ. 

Trong một nghiên cứu đã báo cáo, nước ép hẹ tươi có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn như: Streptococcus hemolyticus, Salmonella typhi, Shigela flexneri, Bacillus subtilis. Hoạt chất Odorin được phát hiện trong hẹ có tác dụng ức chế mạnh với Staphyloccus aureus.

Khác với tỏi, tính chất kháng khuẩn của hẹ khá bền vững, nhưng sẽ mất tác dụng khi đun sôi. Bạn có thể đọc qua bài viết: Tỏi và bệnh cảm cúm.

Hoa hẹ
Hoa hẹ

4. Các bài thuốc dân gian 

4.1. Chữa ho trẻ em

  • Lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, hạt chanh 20 hạt. Tất cả dùng tươi, cho vào bát sạch, giã nát, thêm đường và 100ml nước. Đem hấp chín để nguội, cho trẻ em uống làm 3 lần trong ngày. Dùng 3 – 4 ngày liên tục.
  • Lá hẹ, gừng tươi, đun cách thủy chung với đường phèn, lấy nước này cho trẻ uống.

4.2. Chữa hen suyễn

Lá hẹ 50g, sắc với 200ml nước  còn 50ml. Uống trong ngày. 

4.3. Chữa chứng ợ chua

Nước ép lá hẹ 60ml, sữa bò 250ml, uống nóng với 15ml nước gừng tươi.

4.4. Chữa bong gân

Dùng hẹ tươi rửa sạch, đắp lên vùng bong gân có tác dụng giảm đau. 

4.5. Chữa ra mồ hôi trộm

Lá hẹ 30g, ép lấy nước uống hoặc làm rau ăn trong ngày.

4.6. Chữa nam giới di mộng tinh, phụ nữ ra huyết trắng

Hạt hẹ đem ngâm giấm, rang khô, tán bột, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 3,5g – 5g vào lúc đói với rượu nóng. 

4.7. Tăng cường khả năng hoạt động sinh dục của nam giới

Lá hẹ 200g, Ngài tằm đực khô 1000g, Dâm dương hoắc 600g, Khởi tử 200g, Kim anh 500g, Ngưu tất 300g, Ba kích 500g, Thục địa 400g, Sơn thù 300g, đường kính 4kg. Tất cả ngâm trong cồn 400 (20 lít). 

Uống mỗi lần 10 – 15ml, ngày 2 lần.

5. Lưu ý khi dùng Hẹ

Để đảm bảo sử dụng được tối đa hoạt chất có trong Hẹ, các bạn cần lưu ý những điều sau đây: 

  • Vì hẹ có tính nhiệt nên người nóng trong không nên ăn quá nhiều. 
  • Khi sử dụng lá hẹ tốt nhất nên ăn sống hoặc ép lấy nước uống. 
  • Khi chế biến với các món ăn khác, cho lá hẹ vào sau cùng sau đó tắt bếp. Không nên đun nóng quá cao hoặc quá lâu tránh làm mất hoạt chất có trong hẹ. 
  • Không sử dụng Hẹ chung với mật ong. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment