Cây thuốc, Vị thuốc

Cây Gai cua: Loài thực vật đẹp với công dụng bất ngờ

Cây Gai cua có tên khoa học là Argemone mexicana L., thuộc họ Thuốc phiện (Papaveraceae). Cây còn có tên gọi khác là Cà gai, Mùi cua, Lão thử lặc. Toàn thân cây có chứa các chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và nhuận tràng. 

1. Giới thiệu chung về cây Gai cua

1.1. Mô tả dược liệu

Là cây thảo, cao 0,3 – 0,5m. Thân tròn, màu lục xám, có nhiều gai. Lá mọc so le, xẻ thùy sâu, gốc bẹ ôm thân, đầu nhọn, mép khía răng dạng gai không đều, gân màu trắng.

Hoa mọc riêng lẻ ở đầu cành, màu vàng, nhị nhiều, chỉ nhị rất ngắn, bầu thường 1 ô do nhiều lá noãn hợp thành, đầu nhụy màu đỏ.

Quả nang có gai dài, hạt tròn, dẹt, màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 5

1.2. Phân bố, sinh thái

Chi Argemone L. có tổng số 12 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Ở Việt Nam chỉ có một loài là cây Gai cua.

Gai cua có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Mexico, sau lan ra khắp nơi. Ở Việt Nam, dược liệu này thường mọc nhiều ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, ít hơn ở các tỉnh miền Trung. Cây thường mọc rải rác hay tạo thành những đám nhỏ trên các bãi đất hoang, dọc đường đi, chân đê hoặc ven đồi.

Cây ưa sáng, ưa ẩm, sinh trưởng nhanh, phát triển từ hạt vào giữa mùa xuân, đến đầu mùa hè đã có hoa quả, sau đó tàn lụi. Lúc này quả chín tự mở, phát tán hạt ra xung quanh và mọc lại vào đầu năm sau.

1.3. Bộ phận dùng

Rễ và phần thân mặt đất, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.

cây gai cua
Quả cây Gai cua chứa nhiều chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và nhuận tràng

1.4. Thành phần hóa học

Toàn cây Gai cua chứa norsanguinarin, nor – chelerithrin, cryptopin, (-) cheilanthifolin, (-) – β – scoulerin methohydroxyd, (-) – α và β – stylopin methohydroxyd, các alkaloid alocryptopin, protopin, berberin, coptisine, sanguinarin và chelerithrin.

  • Hạt chứa 29,4% dầu. Các acid béo là acid oleic 22%, acid linoleic 48%. Có loài có acid palmitoleic (khoảng 6%), acid ricinoleic (khoảng 10%).
  • Hạt cây Gai cua mọc ở Nga chứa 35,57% dầu trong đó có sanguinarine 0,35% và alocryptopin 0,31%.
  • Hạt cây thu thập ở Việt Nam cho 52,8% dầu trong đó có 0,4% sanguinarine.
  • Rễ chứa alkaloid 0,125% gồm chủ yếu protopine 0,084%, alcacryptopin 0,068%, berberin 0,125%, sanguinarine. 

2. Tác dụng dược lý của cây Gai cua

Toàn thân cây có chứa các chất có tác dụng kháng khuẩn, nhuận tràng và diệt nấm.

  • Tác dụng kháng khuẩn: Cao chiết với cồn 50° của cây có tác dụng trên tần số và biên độ hô hấp động vật thí nghiệm và có tác dụng ức chế siêu vi khuẩn bệnh Ranikhet.
  • Kháng androgen: Khi thử nghiệm 3 alcaloid isoquinolin phân lập từ hạt Gai cua là: dihydropalmatin hydroxid (1), berberin (2) và protopin (3). Cho chó đực uống mỗi alcaloid với liều hàng ngày 30 mg/kg trong 70 ngày, nhận xét thấy tác dụng ức chế sự sinh tinh trùng ở giai đoạn 12 của tiền tinh trùng về cuối. Số lượng tiền tinh trùng giảm 46%, 58% và 97% với các alcaloid 1, 2 và 3 tương ứng. Tổng lượng tế bào Leydig trưởng thành cũng giảm với các chất 2 và 3 ở chó uống thuốc. Sự giảm này phản ánh tính chất kháng androgen của các alcaloid. Hoạt tính ức chế tương đối sự sinh tinh trùng là: protopin > berberin > dihydropalmatin hydroxid.
  • Tác dụng diệt nấm: cây Gai cua có tác dụng diệt nấm đối với nhiều loại nấm phân lập từ hạt một loại đậu.
  • Độc tính: Chú ý trong thân cây có chứa protopin. Đây là một loại độc chất nếu dùng có thể gây khó thở, chân tay tê liệt, nôn, tiêu chảy, kiết lỵ.

3. Công dụng của cây Gai cua

Ở Việt Nam, cây Gai cua chưa được dùng làm thuốc. Tuy nhiên cây đã được nhân dân nhiều nước trên thế giới ứng dụng, cụ thể:

3.1. Ở Ấn Độ:

  • Nhân dân dùng dầu từ hạt Gai cua bôi ngoài trị bệnh về da, và dùng uống làm thuốc tẩy. Hạt có tác dụng nhuận tràng, gây nôn, long đờm, dùng nhiều có độc, có tác dụng làm dịu và là chất giải nọc độc rắn.
  • Khi cây bị dập nát, tiết ra chất nhựa mủ vàng, dùng trị phù, vàng da, bệnh về mắt và bệnh ngoài da. Để chữa chứng nói ngọng, nhỏ 1 – 2 giọt nhựa mủ vào lưỡi, ngày 1 lần trong 3 – 4 tháng.
  • Rễ điều trị bệnh da mạn tính. Để trị bệnh lậu, sắc khoảng 250g rễ khô trong 2l nước còn nửa lượng, mỗi lần uống 10 – 15ml thuốc sắc, ngày 2 lần. Đồng thời, trộn dịch ép lá tươi Gai cua với dịch ép lá Aristolochia sp với tỷ lệ bằng nhau, bôi vào âm đạo.
  • Gai cua được dùng phổ biến là chất giải độc chống rắn cắn, dịch ép toàn cây dùng uống và bôi đắp ngoài, hoặc toàn cây tán bột mịn, ngày uống 10g lúc đi ngủ, uống liên tục trong 3 ngày. Ngoài ra, cây ba chẽ cũng thường được dùng để trị rắn cắn.

3.2. Ở Nepal:

  • Rễ Gai cua là thuốc hạ sốt, uống mỗi lần 15g, ngày 2 lần trong 2 – 3 ngày; đối với trẻ em dưới 15 tuổi, giảm liều xuống một nửa.
  • Để điều trị bệnh đục thủy tinh thể, nhỏ vào mắt khoảng 2 – 3 giọt nhựa mủ vàng từ cây gai cua. Nhựa này cũng được dùng bôi vào vết đứt và vết thương hở để sát trùng. Quả còn xanh đắp trị vết bỏng. Hạt Gai cua giã nát, trộn với dầu mù tạc, trị eczema.

3.3. Ở Haiti:

Nhân dân uống nước sắc lá trị cúm và ho. Ở đảo Martinic, nhựa mủ cây Gai cua chữa chai chân, mụn cơm, và bệnh ngoài da.

Bài viết liên quan

Leave a Comment