Cây thuốc, Vị thuốc

Cảo bản: Vị thuốc ấm trừ hàn, chữa đau đầu

Cảo bản – Theo nền dược liệu Y học cổ truyền, có rất nhiều rất nhiều vị thuốc. Có những vị rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày, lại có những vị không nhiều người biết tới. Vị thuốc Cảo bản có lẽ là cái tên khá xa lạ với những ai không làm y, làm thuốc. Có một bài thơ ngắn đã giới thiệu về vị thuốc ấy:

Chữa cảm mạo do lạnh, Hàn,

Đau đầu, viêm lợi, hai hàm răng đau.

Bụng đau, vai gáy cũng đau,

Chữa đau xương khớp, tiếp sau tán Hàn.

Vậy công dụng, cách dùng Cảo bản ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu thêm trong bài viết sau đây nhé.

1. Mô tả đặc điểm cây Cảo bản

Có 2 loại Cảo bản thường được dùng để làm thuốc:

Cây Tây khung Cảo bản (Liguslicum sinense Oliv.): là cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 0,5 – 1m hoặc có thể hơn. Lá mọc so le, kép lông chim 2 – 3 lần, cuống lá dài 9-12cm, phía dưới ôm lấy thân. Cụm hoa hình tán kép, mỗi tán 16 – 20 cuống, mỗi tán nhỏ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng. Quả gồm 2 phần, mỗi phần có 5 ống chạy dọc, giữa sống của quả Tây khung cảo bản có tới 3 ống tinh dầu.

Cây Liêu Cảo bản (còn gọi Bắc cảo bản – Ligusticum jeholense): cũng là cây lâu năm, thấp hơn cây Tây khung Cảo bản, thân rễ ngắn. Thân mọc thẳng đứng, phía dưới có đường kính 3 – 5mm, thường có màu tím. Lá 2 lần kép lông chim mép có răng cưa, cuống lá phát triển thành bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa hình tán kép 6 – 19 cuống, tán dài ngắn không đều, tán nhỏ mang khoảng 20 hoa nhỏ màu trắng. Quả cũng gồm 2 phần quả dính nhau, hình thoi, dài chừng 5mm. Trên mỗi phần quả có 5 sống dọc, nhưng giữa sống của cây Liêu cảo bản chỉ có 1 ống tinh dầu.

Cả 2 loại này đều thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), toàn cây đều có mùi thơm và cùng thường được dùng làm thuốc.

Cảo bản thường có 2 loại được dùng để làm thuốc
Cảo bản thường có 2 loại được dùng để làm thuốc

2. Phân bố

Vị thuốc này chủ yếu trồng nhiều ở Trung Quốc, nhiều nhất ở các tỉnh Hà Bắc, Nội Mông, Sơn Tây, Liêu Ninh,…

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Thân rễ của cây là bộ phận được sử dụng để làm thuốc. Người ta hay gọi là củ Cảo bản. Củ có nhiều mắt rễ sùi phồng to hình cầu, đường kính từ tầm 1 – 3cm, bên ngoài mà nâu xù xì sần sùi giống củ Xuyên khung nhỏ, bên trong màu trắng ngà. Chọn loại củ có mùi thơm, đắng, không mối mọt.

Cảo bản thu hái vào tầm tháng 4 – 10, đào lấy phần thân rễ, cắt bỏ toàn bộ phần trên mặt đất, đem về rửa sạch đất cát rồi phơi khô nguyên củ. Hoặc cũng có thể ủ mềm rồi thái lát, sau đó phơi khô dùng dần.

Lưu ý cất giữ thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, kín đáo. Tránh những nơi ẩm ướt, tránh mối mọt làm hư hại thuốc.

Cào bản Có thể ủ mềm rồi thái lát, sau đó phơi khô dùng dần
Có thể ủ mềm rồi thái lát, sau đó phơi khô dùng dần

4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý của vị thuốc

4.1. Thành phần hóa học

Trong rễ Cảo bản chứa 1,5% tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là 3 – butylphthalide, Cnidilide. Ngòai ra còn chứa các thành phần khác như Alkaloid , Hexadecanoic acid v.v…(theo ‘Trung dược học”).

4.2. Tác dụng dược lý của vị thuốc

Thí nghiệm trên chuột cho thấy dầu trung tính Cảo bản có tác dụng trấn tĩnh, giảm đau, giải nhiệt, chống viêm, có thể ức chế ruột, cơ bàng quang, giảm tốc độ hao hụt oxy, kéo dài thời gian sinh tồn trên chuột con; chống thiếu máu cơ tim trên chuột lớn.

Chất chiết cồn có khả năng giáng áp, kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn nấm gây bệnh ngoài da thường gặp.

Lactone, phthalide trong Cảo bản có thể làm giãn cơ trơn phế quản động vật thí nghiệm, đưa đến tác dụng bình suyễn rõ nét.

(Theo “Trung dược học”)

5. Công dụng của Cảo bản theo Y học Cổ truyền

Tính vị:  cay, ấm.  Qui kinh bàng quang – can.

Tác dụng: khứ phong tán hàn – thắng thấp chỉ thống. 

Chỉ định: 

Chứng cảm mạo phong hàn: tắc mũi, đau dữ dội đỉnh đầu, thường dùng phối hợp với khương hoạt, thương truật, xuyên khung như bài thần truật tán. Điều trị ngoại cảm do phong hàn thấp thường dùng phối hợp cùng với phòng phong, khương hoạt, mạn kinh tử  như bài khương hoạt thắng thấp thang.

Chứng phong hàn thấp tý: thường dùng cùng với khương hoạt, phòng phong, uy linh tiên, thương truật.

Liều dùng: 3 – 10g .

Chú ý: cấm dùng khi huyết hư gây đau đầu.

6. Một số bài thuốc sử dụng Cảo bản

6.1. Bài thuốc chữa chứng hàn uất tại kinh lạc, nhức đầu đau buốt đến tận đỉnh óc

Cảo bản, Khương hoạt, Tế tân, Xuyên khung, Thông bạch sắc nước uống, uống cho ra mồ hôi.

6.2. Phương thuốc chữa người bị cảm phải khí lạnh, hơi sương mù

Dùng Cảo bản sắc nước, bỏ bã. Sau đó lấy Mộc hương mài bột cho vào uống.

6.3. Bài thuốc chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu ớn lạnh không ra được mồ hôi

Khương hoạt 6 g, Độc hoạt 9g, Phòng phong 9g, Cảo bản 9g, Mạn kinh tử 9 g, Xuyên khung 4,5g, Cam thảo 3 g, sắc lấy nước uống.

6.4. Phương thuốc chữa đau nhức khớp do phong thấp

Cảo bản, Phòng phong, Bạch chỉ mỗi thứ 12 g, Cam thảo 6g. Sắc lấy nước uống

6.5. Bài thuốc trừ bỏ gàu trên đầu

Cảo bản và Bạch chỉ, 2 vị lượng bằng nhau tán bột. Ban đêm trước khi đi ngủ lấy bột này xát vào tóc, đến sáng khi dùng lược chải đầu, sẽ chải sạch ra những gàu ở trên đầu.

6.6. Bài thuốc chữa trẻ em bị ghẻ lở loang loét

Dùng Cảo bản nấu nước đặc mà tắm rửa cho nó. Đồng thời cũng lấy ít nước đó đem giặt quần áo.

7. Kiêng kỵ khi dùng

Những người vốn thường hay nóng bức, phát nhiệt trong người, hoặc những ai không bị nhiễm gió lạnh thì không nên dùng.

Bài viết liên quan

Leave a Comment