Cây thuốc, Vị thuốc

Cải trời: loại rau dân dã với tác dụng kháng khuẩn

Cải trời là loại cây mọc hoang nhiều ở nước ta. Cải trời còn có tên là Cải ma, Hạ khô thảo nam, Kim đầu tuyến, Cỏ hôi. Cải trời được dân gian biết đến như một loại rau ăn được nhưng cũng chữa bệnh như cầm máu, tiêu viêm, hạ sốt. 

Mô tả dược liệu

Cải trời có tên khoa học là Blumea Lacera DC., họ Cúc Asteraceae.

Cải trời là loại cỏ cao 30 – 59 cm, mọc thẳng. Lá phía dưới đơn hoặc hơi xẻ, mép có răng cưa, dài 7 cm, rộng 3 – 4 cm, có nhiều lông nhất là mặt dưới. Hoa hình đầu. Nhiều hoa xếp thành xim ở nách lá hoặc chuỳ cuối. Tràng hoa màu vàng, đài hoa màu trắng.

Quả hình quả trám, thuôn dài, không có gân, có 4 góc và nhẵn.

Bộ phận dùng: toàn cây (dùng thuốc) hoặc lá (thức ăn), dùng tươi hoặc khô.

Lá cải trời non dùng trong các món ăn ở Việt Nam.

Thành phần hoá học

Tinh dầu chứa cineol, fenchone.

Lá tạo ra các dẫn xuất rượu coniferyl, campesterol, và flavon.

Chiết xuất etanolic của các bộ phận trên mặt đất tạo ra hentriacontane, hentriacontanol, α-amyrin, lupeol và ß-sitosterol.

Vỏ rễ chứa triterpenes và sterol.

Tinh dầu của lá có thành phần chính là thymoquinol dimethyl ete, β-caryophyllene, α-humulene và E-β-farnesene.

Tính chất dược lý

  • Dịch chiết từ lá chứa phytoconstituents tannin và flavonoid, alkaloid. Những chất này cho thấy tác dụng hạ đường huyết trên mô hình động vật. Cơ chế thông qua tăng tiết insulin từ các tế bảo beta Langerhans của đảo tuỵ. Nó có hoạt tính tương tự như glibenclamide (thuốc điều trị tiểu đường).
  • Phân lập dịch chiết từ lá có chứa 6E,10E,14Z-(3S)-17-hydroxygeranyllinalool-17-Oβ-d-glucopyranosyl-(1 → 2)-[α-l-rhamnopyranosyl-(1 → 6)]-β-d-glucopyranoside, có hoạt tính gây độc tế bào bằng kích hoạt chết tế bào theo chương trình. Nó cho thấy độc tính tế bào cao nhất với 3 dòng tế bào ung thư ở người (dạ dày, ruột, vú).
  • Chiết xuất methanol thô của toàn cây tác dụng chống tiêu chảy, kháng khuẩn, giải lo âu, chống huyết khối xơ vữa, ổn định màng tế bào mức trung bình.
  • Chiết xuất từ cây có khả năng kháng khuẩn nhẹ đối với Salmonella Typhi, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, vi nấm Blastomyces dermatitidis do chứa flavonoid.
  • Do chứa phenolics, tannin, flavonoid, terpenoid có tác dụng ức chế hoạt động của alpha-amylase (phá vỡ các liên kết α-1,4-glycosidic trong tinh bột) nên có hoạt tính hạ đường huyết.
  • Chiết xuất ethanolic từ rễ có hoạt tính chống tiêu chảy.
  • Hoạt tính tẩy giun sán trong ống nghiệm của cây chống lại giun đũa.
  • Dịch chiết lá chứa hexan có tác dụng chống co thắt hồi tràng.
  • Chiết xuất cồn từ cây có tác dụng kháng viêm phù nền do bradykinin gây ra, nhưng yếu hơn betamethasone.
Cải trời có tác dụng giảm tiêu chảy, kháng khuẩn đường ruột.

Công dụng, liều dùng

1. Công dụng

  • Cải trời vị đắng, mùi thơm, tính bình.
  • Cải trời có tác dụng thanh can hoả, giải độc tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng.
  • Làm se khít lỗ chân lông, tẩy giun sánchống sốt.
  • Tinh dầu được coi là thuốc giảm đau, hạ nhiệt và an thần.
  • Theo y học cổ truyền Ấn Độ, Cải trời được coi là vị đắng, tính kinh, chát, thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, tiêu hóa, tẩy giun sán, thuốc bổ, long đờm, lợi tiểu, khử độc tố và chất kích thích.
  • Ngoài ra, Cải trời còn có tác dụng kháng khuẩn, chống bệnh bạch cầu và chống viêm.
  • Ở Philippines, nước sắc hoa tươi dùng trước bữa ăn để chữa bệnh viêm phế quản – 30 g trong 1 lít nước, đun sôi còn nửa lít.
  • Nước sắc lá dùng tẩy giun sán, đặc biệt trong các trường hợp giun chỉ, nấm da đầu. Nước sắc của lá, trộn với hạt tiêu đen, cầm máu.
  • Cây dùng làm thuốc lợi tiểu.
  • Ở Uttar Pradesh, Ấn Độ, nước ép lá tươi dùng hai lần mỗi ngày trong một tuần để trị giun chỉ.
  • Ở Malaysia, người ta dùng cây để xua đuổi sâu bọ nhờ tinh dầu thơm.
  • Ở Việt Nam, cải trời là loại rau thông dụng, làm rau luộc, ăn sống, nấu canh, lẩu,…
Món canh bổ dưỡng từ Cải trời
Món canh bổ dưỡng từ Cải trời.

2. Liều dùng

Hàng ngày 10 – 30 g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi

Bài thuốc: Kim ngân hoa 15 g, Ngưu tất 12 g, Phù bình 15 g, Cam thảo 8 g, Cải trời 12 g, Thổ phục linh 15 g, Tang ký sinh 12 g, Huyền sâm 12 g, Thạch hộc 12 g, Cốt toái bổ 12 g, Tỳ giải 10 g, Đương quy 12 g, Độc hoạt 12 g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 2 lần/1 ngày.

Thuỷ đậu ở trẻ em

Bài thuốc: Bồ công anh 20 g, Thổ phục linh 20 g, Cải trời 20 g, Cam thảo nam 20 g, Sài đất 20g. Sắc uống ngày 1 thang, 3 lần/1 ngày.

Bệnh vẩy nến

Hạ khô thảo nam 80 – 120 g, Thổ phục linh 40 – 80 g. Sắc với 500 ml nước trong 3 giờ ở nồi hấp 150oC, còn 300 ml. Chia làm 3 – 4 lần uống trong ngày.

Lưu ý

  • Không sử dụng cây cải trời với số lượng lớn vì có thể gây khó thở, đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, mắt mờ, chóng mặt. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
  • Không nên dùng cây cải trời cùng lúc với các loại thuốc an thần.
  • Tránh nhầm lẫn cây cải trời với vị thuốc hạ khô thảo (hay còn gọi là hạ khô thảo bắc).

Bài viết liên quan

Leave a Comment