Cây thuốc, Vị thuốc

Các vị thuốc lợi thủy thấm thấp

THUỐC LỢI THUỶ THẤM THẤP

ĐẠI CƯƠNG.

Định nghĩa.

Thuốc lợi thuỷ thấm thấp là những vị thuốc có tác dụng thông lợi đường tiểu tiện, thấm tiết thuỷ thấp, dùng để điều trị các chứng thuỷ thấp ứ trệ ở bên trong.

Tác dụng.

Thuốc lợi thuỷ thấm thấp phần lớn có vị ngọt, nhạt, có tác dụng lợi thuỷ tiêu thũng, lợi niệu thông lâm, lợi thấp thoái hoàng… dùng để điều trị các chứng tiểu tiện bất lợi, thuỷ thũng, lâm chứng, hoàng đản, thấp sang, tiết tả, đới hạ, thấp tý… do thuỷ thấp gây nên.

Chú ý.

Điều trị chứng thuỷ thấp đình tụ mà có biểu chứng thường dùng với thuốc tuyên phế phát hãn. Điều trị chứng thuỷ thũng lâu ngày, tỳ thận dương hư thường dùng với thuốc ôn bổ tỳ thận. Điều trị thấp nhiệt hợp tà thường dùng với thuốc thanh nhiệt. Điều trị hàn thấp thường dùng với thuốc khứ hàn. Điều trị nhiệt thương huyết lạc gây ra đái ra máu thường dùng với thuốc lương huyết chỉ huyết. Điều trị tiết tả, đàm ẩm, thấp ôn, hoàng đản… thì tương ứng phối hợp thuốc kiện tỳ, phương hương hoá thấp, thanh nhiệt táo thấp.

Ngoài ra khí hành tắc thuỷ hành, khí trệ tắc thuỷ ứ nên khi dùng thuốc lợi thuỷ thấm  thấp thường phối hợp với thuốc hành khí để tăng cường tác dụng.

Thuốc lợi thuỷ thấm thấp dễ làm hao thương tân dịch, nên khi âm hao tân ít hoặc thận hư di tinh di niệu thì không nên dùng hoặc phải thận trọng khi dùng.

Phân loại.

Lợi niệu tiêu thũng.  

Lợi niệu thông lâm.

Lợi thấp thoái hoàng.

THUỐC LỢI NIỆU TIÊU THŨNG.

Thuốc lợi niệu tiêu thũng tính vị ngọt, nhạt, bình, hơi lạnh nên có tác dụng thấm tiết, thiên về lợi thuỷ thấm thấp làm cho tiểu tiện thông thoát, lượng nước tiểu tăng.

1. Phục linh:

Phục linh (Poria) là nấm Poria cocos ( Schw. ) Wolf  mọc ký sinh ở rễ cây thông, phơi hay sấy khô, thuộc họ nấm lỗ Polyporaceae.

Tính vị: ngọt, nhạt, bình. Quy kinh tâm, phế, thận.

Tác dụng: lợi niệu thấm thấp, kiện tỳ an thần.

Chỉ định:

Các chứng thuỷ thũng do biểu tà không giải, thuận kinh nhập phủ gây chứng thuỷ tích bàng quang thường dùng với trư linh, bạch truật, trạch tả như bài ngũ linh tán. Điều trị thuỷ nhiệt hỗ kết, âm hư tiểu tiện bất lợi, thuỷ thũng, thường dùng với hoạt thạch, a giao, trạch tả như bài trư linh thang. Điều trị chứng tỳ thận dương hư thuỷ thũng, thường dùng với phụ tử, sinh khương như bài chân vũ thang.

Chứng tỳ hư, ăn ít, mệt mỏi thường dùng với nhân sâm, bạch truật, cam thảo như bài tứ quân tử thang. Điều trị chứng tỳ hư đình ẩm, thường dùng với quế chi, bạch truật như bài linh quế truật thảo thang. Điều trị tỳ hư thấp tả, thường dùng với sơn dược, bạch truật, ý dĩ như bài sâm linh bạch truật tán.

Chứng hồi hộp đánh trống ngực (tâm quý), mất ngủ thường dùng với hoàng kỳ, đương quy, viễn trí như bài quy tỳ thang. 

Liều dùng: 10 -15g

Tác dụng dược lý: lợi niệu, tăng bài xuất Na+ , K+, Cl, trấn tĩnh, giảm đường máu.

2. Ý dĩ nhân: hạt bo bo.

Ý dĩ nhân (Semen Coicis) là nhân loại bỏ vỏ phơi hay sấy khô của cây ý dĩ Coix lacryma – jobi L. var. ma – yuen ( Roman. ), thuộc họ lúa Gramineae.

Tính vị: ngọt, nhạt, hơi hàn. Quy kinh tỳ, vị, phế.

Tác dụng: lợi niệu thấm thấp, kiện tỳ, trừ tý, thanh nhiệt bài nùng.

ý dĩ

Chỉ định:

Chứng tiểu tiện bất lợi, thuỷ thũng, bụng trướng, ăn ít, tiết tả do tỳ hư thấp thịnh thường dùng với phục linh, bạch truật, hoàng kỳ. Điều trị thấp nhiệt lâm chứng có thể dùng ý dĩ nhân sắc uống.

Chứng phong thấp, đau mình mẩy, phát sốt thường dùng với ma hoàng, hạnh nhân, cam  thảo như bài ma hạnh ý cam  thang. Điều trị phong thấp lâu ngày, cân mạch co rút, dùng ý dĩ nhân nấu cháo ăn như bài ý dĩ nhân chúc. Điều trị thấp tà nhiệt thịnh, uẩn kết ở kinh lạc thường dùng với hoạt thạch, liên kiều như bài tuyên tý thang.

Điều trị viêm phổi, đau tức ngực sườn, ho nhiều đàm thường dùng với đông qua nhân, đào nhân, vĩ kinh như bài vĩ kinh thang. Điều trị viêm đại tràng thường dùng với phụ tử, bại tương thảo, đan bì như bài phụ tử ý dĩ bại tương tán.

Liều dùng: 10 -30g.

Tác dụng dược lý:chống co thắt cơ vân, hưng phấn tử cung, giảm đường máu, giảm Ca++ máu, giảm sốt, trấn tĩnh, giảm đau.

3. Trư linh:

Trư linh (Polyporus) là nấm Polyporus umbellatus ( Pers ) Fris ký sinh ở cây sồi, cây sau sau… phơi hay sấy khô, thuộc họ nấm lỗ Polyporaceae.

Tính vị: ngọt, đạm, bình. Quy kinh thận, bàng quang.

Tác dụng: lợi thuỷ thấm thấp.

Chỉ định:

Chứng tiểu tiện bất lợi, thuỷ thũng do tỳ hư, thường dùng với phục linh, bạch truật, trạch tả như bài tứ linh tán. Điều trị thuỷ thấp tiết tả thường dùng với thương truật, hậu phác, phục linh như bài vị linh thang. Âm hư có nhiệt, tiểu tiện bất lợi, lâm trọc thường dùng với trạch tả, a giao, hoạt thạch như bài trư linh thang.

Liều dùng: 5 -10g.

Chú ý: cấm dùng khi không có thuỷ thấp.

Tác dụng dược lý: cơ chế lợi tiểu của trư linh là ức chế tiểu cầu thận tái hấp thu nước, chất điện giải Na+, K+, CL. Ngoài ra còn có tác dụng chống phát triển tế bào u, phòng trị viêm gan.

4. Trạch tả: mã đề nước.

Trạch tả (Rhizoma Alismatis) là thân rễ (củ)phơi hay sấy khô của cây trạch tả Alisma orientalis ( Sam ) Juzep, thuộc họ trạch tả Alismataceae.

Tính vị: ngọt, đạm, hàn. Quy kinh thận, bàng quang.

Tác dụng: lợi thuỷ thấm thấp, tiết nhiệt.

Chỉ định:

Chứng thuỷ thũng, tiểu tiện bất lợi, tiết tả, lâm trọc thường dùng với trư linh, phục linh, ý dĩ nhân. Điều trị thuỷ thấp đàm ẩm gây nên hoa mắt chóng mặt thường dùng với bạch truật như bài trạch tả thang.

Liều dùng: 5 -10 g.

Tác dụng dược lý:lợi niệu, tăng cường bài tiết ure, clorua; trong viêm thận khả năng lợi tiểu càng rõ, giảm huyết áp, giảm đường máu, chống nhiễm mỡ gan; ức chế TK tụ cầu vàng, song cầu khuẩn phế viêm, lao.

5. Đông qua bì: bí đao, bí xanh.

Đông qua bì (Exocarpium Benincasae) là vỏ quả phơi khô của cây đông qua Benincasa hispida ( Thumb. ) Cogn, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae.

Tính vị: ngọt, hơi hàn. Quy kinh phế, tiểu trường.

Tác dụng: lợi niệu tiêu thũng.

Chỉ định: điều trị thuỷ thũng, tiểu tiện bất lợi thường dùng với bạch truật, phục linh, hoàng kỳ. 

Liều dùng: 15 -30g.

6. Ngọc mễ tu: râu ngô.

Ngọc mễ tu là vòi và núm phơi khô của hoa cây ngô Zea mays L, thuộc họ lúa Gramineae.

Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh bàng quang, can, đởm.

Tác dụng: lợi niệu tiêu thũng, lợi thấp thoái hoàng.

Chỉ định:

Chứng thuỷ thấp, tiểu tiện bất lợi, tiểu ít mà đỏ, có thể dùng ngọc mễ tu liều cao sắc uống hoặc dùng với đông qua bì, xích tiểu đậu, sa tiền thảo.

Chứng thấp nhiệt vàng da (hoàng đản) thường dùng với uất kim, nhân trần, chi tử. Hiện nay được dùng nhiều trong điều trị chứng vàng da do bệnh gan, mật gây nên.

Liều dùng: 30 – 60g.

Tác dụng dược lý: lợi niệu tương đối mạnh, ức chế bài tiết protein, tăng tiết dịch mật, giảm độ nhớt dịch mật, giảm thấp hàm lượng Bilirubin; tăng men đông máu và thúc đẩy nhanh quá trình đông máu.

 

7. Hồ lô.

Hồ lô là vỏ quả phơi hay sấy khô của cây hồ lô Lagenaria siceraria (Molina) Standl. var. dep-ressa Ser, thuộc họ hồ lô (bầu bí) Cucurbitaceae.

Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh phế, tiểu trường.

Tác dụng: lợi niệu tiêu thũng.

Chỉ định: điều trị phù mặt, nước trong ổ bụng, tràn dịch khớp thường dùng với trư linh, phục linh, trạch tả.

Liều dùng: 15  – 30g.

 

8. Tề thái:

Tề thái là toàn cây tề thái Capsella bursa- pastoris ( L.) Medle phơi hay sấy khô, thuộc họ chữ thập Crucifera.

Tính vị: ngọt, lương. Quy kinh can, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt lợi thuỷ, lương huyết chỉ huyết.

Chỉ định: 

Chứng thuỷ thũng, tiết tả, lỵ tật thường dùng với bạch truật, sa tiền tử.

Chứng huyết nhiệt gây xuất huyết thường dùng với tiên nga thảo, địa du.

Ngoài ra còn có tác dụng hạ huyết áp thường dùng với ích mẫu thảo, hoàng cầm.

Liều dùng: 15 -30g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian xuất huyết, ngưng huyết; giãn mạch vành, hạ huyết áp. Thực nghiệm trên chuột thấy ức chế loét dạ dầy.

 

THUỐC LỢI NIỆU THÔNG LÂM.

Thuốc trong nhóm này phần lớn tính vị đắng lạnh hoặc ngọt nhạt, chủ yếu nhập kinh thận, bàng quang. Đắng để giáng tiết, lạnh để thanh nhiệt, đi xuống hạ tiêu nên có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt ở hạ tiêu; thường dùng trong chứng tiểu tiện ngắn đỏ, nhiệt lâm, huyết lâm, thạch lâm, cao lâm.

1. Sa tiền tử: hạt của cây mã đề nước.

Sa tiền tử (Semen Plantaginis) là hạt của cây mã đề Plantago asiatica L phơi hay sấy khô, thuộc họ mã đề Plantaginaceae.

Tính vị: ngọt, lạnh. Quy kinh can, thận, phế.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm, thấm thấp chỉ tả, thanh can minh mục, thanh phế hoá đàm.

Chỉ định:

Chứng thuỷ thũng, lâm chứng thường dùng với mộc thông, hoạt thạch, biển súc như bài bát chính tán.

Chứng thử thấp tiết tả thường dùng với bạch truật, phục linh, trạch tả.

Điều trị mắt đỏ xưng đau, mắt có màng che thường dùng với cúc hoa, quyết minh tử.

Điều trị ho đờm vàng thường dùng với qua lâu, bối mẫu, tỳ bà diệp. Ngoài ra còn dùng đièu trị cao huyết áp.

Tác dụng dược lý: lợi niệu, tăng bài tiết dịch đường hô hấp, làm loãng đờm  nên có tác dụng khứ đàm; ức chế tụ cầu khuẩn.

2. Hoạt thạch: là chất khoáng.

Hoạt thạch (Tancum), thành phần [Mg3. ( Si4O10 ). ( OH )2]9      

Tính vị: ngọt, đạm, hàn. Quy kinh vị, bàng quang.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm, thanh giải thử nhiệt, khứ thấp liễm sang.

Chỉ định:

Chứng tiểu tiện bất lợi, nhiệt lâm, thạch lâm, niệu bế thường dùng với mộc thông, sa tiền tử như bài bát chính tán. Điều trị sỏi đường tiết niệu có thể phối hợp với hải kim sa, kim tiền thảo, mộc thông như bài nhị kim bài thạch thang.

Chứng thử thấp gây phiền táo, tiểu tiện ít mà đỏ thường dùng với cam thảo như bài lục nhất tán. Điều trị thử ôn, tức ngực thường dùng với ý dĩ nhân, hạnh nhân như bài tam nhân thang.

Chứng thấp sang, thấp chẩn thường dùng với khô phàn, hoàng bá tán bột dùng ngoài, hoặc dùng với cam thảo, bạc hà tán bột làm thành bột phấn rôm xoa nơi tổn thương. – Liều dùng: 10 -15g.

Chú ý: cấm dùng khi tỳ hư, nhiệt bệnh thương âm, phụ nữ có thai.

 

3. Mộc thông.

Mộc thông (Caulis Aristolochiae Mansuriensis) là thân cây bóc bỏ vỏ phơi khô, của cây mộc thông aristolochia manshuriensis Kom, thuộc họ mộc hương Aristolochiaceae.  

Tính vị: đắng, hàn. Quy kinh tâm, tiểu tràng, bàng quang.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm, thông kinh hạ nhũ.

Chỉ định:

Chứng nhiệt lâm sáp thống, tâm phiền niệu đỏ, thuỷ thũng cước khí. Điều trị chứng tâm hoả thượng viêm gây miệng lưỡi lở loét, hoặc tâm hoả đi suống tiểu trường gây nên tâm phiền tiểu đỏ thường dùng với sinh địa hoàng, cam thảo, trúc nhự như bài đạo xích tán. Điều trị bàng quang thấp nhiệt, tiểu tiện ngắn đỏ, tiểu són, tiểu buốt thường dùng với biển súc, cù mạch như bài bát chính tán. Điều trị cước khí phù thũng, tiểu tiện bất lợi thường dùng với trư linh, tô diệp, binh lang như bài mộc thông tán.

Điều trị sữa ít, sữa không thông thường dùng với vương bất lưu hành, xuyên sơn giáp, hoặc dùng với móng lợn sắc uống. Điều trị huyết ứ kinh bế thường dùng với hồng hoa, đào nhân, đan sâm. Điều trị thấp nhiệt tý thống thường dùng với tần cửu, phòng kỷ, ý dĩ nhân.

Liều dùng: 3 – 9g.

Chú ý: có báo cáo cho thấy dùng mộc thông 60g sắc uống gây nên suy thận cấp tính, cho nên không nên dùng liều cao.

Tác dụng dược lý: lợi niệu, cường tim, ức chế TK lỵ, TK thương hàn, TK ngoài da; ức chế sự phát triển tế bào u.

 

4. Thông thảo:

Thông thảo (Medulla Tetrapanacis) là lõi thân cây phơi khô của cây thông thảo Tetrapanax paperyferus ( Hook.) K. Koch, thuộc họ ngũ gia bì Araliacea.

Tính vị: ngọt, nhạt, hơi hàn. Quy kinh phế, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt lợi thấp, thông khí hạ nhũ.

Chỉ định:

Chứng thấp nhiệt gây tiểu tiện bất lợi, tiểu són, tiểu buốt thường dùng với trúc nhự, bạch mao căn, hoạt thạch.

Điều trị phụ nữ sau đẻ sữa không suống, sữa không thông thường dùng với móng lợn, xuyên sơn giáp, xuyên khung, cam thảo như bài thông nhũ thang.

Liều dùng: 5 -10g.

 

5. Cù mạch:

Cù mạch (Herba Dianthi) là toàn bộ hoa hạt và lá phơi khô của cây cù mạch Dianthus superbus L, thuộc họ cẩm chướng Caryophyllaceae.

Tính vị: đắng, hàn. Quy kinh tâm, tiểu tràng, bàng quang.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm, hoạt huyết thông kinh.

Chỉ định:

Chứng thấp nhiệt lâm chứng thường dùng với biển súc, mộc thông, sa tiền tử như bài bát chính tán. Điều trị thạch lâm thường dùng với kim tiền thảo, hải kim sa.

Chứng huyết nhiệt ứ trệ gây bế kinh hoặc kinh nguyệt không đều thường dùng với đào nhân, hồng hoa, đan sâm, xích thược. – Liều dùng: 10 -15g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai.

 

6. Biển súc: cây rau đắng, cây xương cá.

Biển súc (Herba Polygoni) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây biển súc Polygonum  aviculare L, thuộc họ rau răm Polygonaceae.

Tính vị: đắng, hơi hàn. Quy kinh bàng quang.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm, diệt giun giảm ngứa.

Chỉ định:

Điều trị thấp nhiệt lâm chứng gây tiểu tiện ngắn đỏ thường dùng với sa tiền tử, mộc thông, hoạt thạch như bài bát chính tán. Điều trị tiểu tiện ra máu, thường dùng với bạch mao căn, cù mạch, thạch vĩ.

Điều trị trùng tích gây đau bụng, hoặc giun chui ống mật thường pha với nước dấm gạo để uống. Điều trị thấp chẩn gây ngứa ngoài da, ngứa âm đạo, dùng biển xúc sắc nước để rửa ngoài.

Liều dùng: 10 -30g.

Chú ý: uống nhiều làm  tổn hại tinh khí .

Tác dụng dược lý: lợi niệu, tăng bài tiết Na+, dùng thuốc lâu dài cũng không gây hiện tượng quen thuốc, dùng liều nhỏ không đạt tác dụng lợi niệu; diệt giun đũa, giun tóc, ngoài ra có tác dụng ức chế TK tụ cầu, phó thương hàn, TK mủ xanh, TK ngoài da.

 

7. Hải kim sa.

Hải kim sa (Spora Lygodii) là bào tử của cây hải kim sa Lygodium japonicum (Thumb.) Sw, thuộc họ thòng bong Schizaeaceae.

Tính vị: ngọt, hàn. Quy kinh bàng quang, tiểu tràng.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm.

Chỉ định:

Điều trị các loại lâm chứng. Điều trị nhiệt lâm gây đau cấp tính, lấy hải kim sa tán bột uống với nước cam thảo. Điều trị tiểu tiện ra máu, thường dùng với ngưu tất, tiểu kế. Điều trị sỏi đường tiết niệu thường dùng với kê nội kim, hoạt thạch, kim tiền thảo. Điều trị cao lâm ( đái dưỡng chấp ) thường dùng với tỳ giải, hoạt thạch.

Điều trị tiểu tiện bất lợi, thuỷ thũng thường dùng với trạch tả, trư linh, phòng kỷ, mộc thông.

Liều dùng: 6 -12 g, nên cho vào bao để sắc uống.

Tác dụng dược lý: ức chế TK tụ cầu vàng, TK mủ xanh, TK thương hàn, phó thương hàn.

 

8. Thạch vĩ: kim tinh thảo, thạch lan.

Thạch vĩ (Folium Pyrrosiae) là lá phơi khô của cây lô sơn  thạch vĩ Pyrrosia sheareri ( Bak ) Ching, thuộc họ dương xỉ Polypodiaceae.

Tính vị: đắng, ngọt, hơi hàn. Quy kinh phế, bàng quang.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm , thanh phế chỉ khái.

Thạch vĩ

Chỉ định:

Điều trị thấp nhiệt lâm chứng thường dùng với sa tiền tử, hoạt thạch, cù mạch như bài thạch vĩ tán. Thạch vĩ có tác dụng lương huyết chỉ huyết nên dùng trong trường hợp đái máu rất có hiệu quả, thường dùng với bạch mao căn, bồ hoàng, tiểu kế.

Điều trị phế nhiệt khái thấu khí suyễn, dùng thạch vĩ và binh lang tán bột uống với nước gừng.

Liều dùng: 5 -10g, liều cao 30 – 60g.

Tác dụng dược lý: ức chế TK tụ cầu, TK lỵ.

 

9. Đăng tâm thảo: cỏ bấc đèn.

Đăng tâm thảo (Medulla Junci) là phần ruột phơi khô của thân cây bấc đèn Juncus effusus L, thuộc họ bấc Juncaceae.

Tính vị: ngọt, đạm, hơi hàn. Quy kinh tâm, phế, tiểu trường.

Tác dụng: lợi niệu thông lâm, thanh tâm trừ phiền.

Chỉ định: 

Điều trị tiểu tiện bất lợi, thường dùng với mộc thông, chi tử, hoạt thạch, cam thảo.

Điều trị tâm phiền mất ngủ, trẻ em khóc đêm có thể dùng đăng tâm thảo sắc uống, hoặc dùng với thuyền thoái, trúc nhự, câu đằng.

Liều dùng: 1.5 – 2.5g.

 

10. Tỳ giải: tất giã, xuyên tỳ giải.

Tỳ giải (Rhizoma Discoreae) là thân rễ sấy khô của cây tỳ giải Dioscorea septemloba Thumb, thuộc họ củ nâu Dioscoreaceae.

Tính vị: đắng, hơi hàn. Quy kinh can, vị.

Tác dụng: lợi thấp khứ trùng, khứ phong trừ thấp.

Chỉ định:

Chứng đái dưỡng chấp (cao lâm), bạch trọc thường dùng với ô dược, ích trí nhân, thạch xương bồ như bài tỳ giải phân thanh ẩm

Chứng phong thấp tý gây đau lưng, co duỗi cơ khớp khó khăn, nếu thiên về hàn thấp thì dùng với phụ tử, ngưu tất như bài tỳ giải hoàn; nếu thiên về thấp nhiệt thì dùng với hoàng bá, nhẫn đông đằng, phòng kỷ. – Liều dùng: 10 -15g.

Chú ý: thận trọng dùng khi thận âm hao hư di tinh hoạt tiết.

 

THUỐC LỢI THẤP THOÁI HOÀNG.

Thuốc trong nhóm phần lớn tính vị đắng, lạnh, quy kinh tỳ, vị, can, đởm. Đắng lạnh để lợi thấp, thoái hoàng, lợi đởm, chủ yếu dùng trong chứng thấp nhiệt vàng da. Nếu nhiệt thịnh hoả vượng thường dùng với thuốc thanh nhiệt tả hoả, thanh nhiệt giải độc. Nếu thiên về thấp thì dùng với thuốc táo thấp hoặc hoá thấp. Nếu âm hoàng hàn thấp thường dùng với thuốc ôn lý.

1. Nhân trần hao:

Nhân trần hao (Herba Artemisiae Scopariae) là toàn cây sấy khô của cây nhân trần Trung quốc artemisia capillaris Thumb, thuộc họ cúc Compositae.

Việt nam dùng cây nhân trần Adenosma caeruleum R. Br, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.       

Tính vị: đắng, hơi lạnh. Quy kinh tỳ, vị, can, đởm.

Tác dụng: thanh lợi thấp nhiệt, lợi đởm thoái hoàng.

Chỉ định:

Chứng da vàng mắt vàng, tiểu tiện ngắn đỏ thường dùng với hoàng bá, chi tử, đại hoàng như bài nhân trần cao thang. Nếu hoàng đản thấp nặng hơn nhiệt thường dùng với phục linh, trư linh như bài nhân trần ngũ linh tán. Điều trị tỳ vị hàn thấp uất trệ, dương khí không tuyên vận được âm hoàng thường dùng với can khương, phụ tử như bài nhân trần tứ nghịch tán.

Chứng thấp chẩn, thấp sang thường dùng với hoàng bá, khổ sâm, sa sàng tử, sắc uống hoặc rửa ngoài.

Liều dùng: 10 -30g.

Chú ý: thận trọng dùng khi huyết hư gây vàng da.

Tác dụng dược lý: lợi đởm, tăng bài tiết Bilirubin, giải nhiệt, giảm huyết áp.

2. KIM  TIỀN THẢO: MẮT TRÂU, ĐỒNG TIỀN LÔNG, VẢY RỒNG.

Kim  tiền thảo (Herba Lysimachiae) là toàn cây sấy khô của cây kim tiền thảo Lysimachia christinae Hance, thuộc họ cánh bướm Papilionaceae.

Tính vị: ngọt, đạm, hơi hàn. Quy kinh can, đởm, thận, bàng quang.

Tác dụng: trừ thấp thoái hoàng, lợi thấp thông lâm, giải độc tiêu thũng.

Chỉ định:

Chứng thấp nhiệt hoàng đản thường dùng với nhân trần cao, chi tử, hổ trượng.

Chứng nhiệt lâm, thạch lâm, có thể dùng kim tiền thảo liều cao sắc uống thay nước hàng ngày, hoặc dùng với hải kim sa, kê nội kim, hoạt thạch như bài nhị kim bài thạch thang.

Liều dùng: 30 – 60g.

Tác dụng dược lý: lợi tiểu, tăng bài tiết mật, bài thạch.

3. Hổ trượng: cốt khí củ, hoạt huyết đan.

Hổ trượng (Rhizoma Polygoni cuspidati) là thân rễ phơi khô của cây cốt khí Polygonum cuspidatum  Sieb. et. Zucc, thuộc họ rau răm Poligonaceae.

Tính vị: đắng, lạnh. Quy kinh can, đởm, phế.

Tác dụng: lợi đởm thoái hoàng, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết khứ ứ, khứ đàm chỉ khái.

Chỉ định:

Chứng thấp nhiệt hoàng đản thường dùng với nhân trần, hoàng bá, chi tử. Điều trị thấp nhiệt uất kết bàng quang gây tiểu tiện són đau, đái đục(lâm trọc) đới hạ, có thể dùng bột hổ trượng uống, hoặc phối hợp với các thuốc lợi tiểu thông lâm  cùng dùng. 

Chứng thấp độc uất kết cơ nhục, bì phu gây mụn nhọt xưng đau dùng nước sắc hổ trượng rửa nơi tổn thương. Nếu bị rắn độc cắn, điều trị dùng nước sắc hổ trượng uống.

Chứng huyết ứ kinh bế, thống kinh, thường dùng với đào nhân, diên hồ sách, hồng hoa. Điều trị vấp ngã xưng nề, thường dùng với đương quy, nhũ hương, một dược, tam thất.

Chứng phế nhiệt khái thấu, thường dùng với bối mẫu, tỳ bà diệp, hạnh nhân.

Ngoài ra hổ trượng còn có tác dụng tả hạ thông tiện.

Liều dùng: 10 – 30g.

Chú ý: phụ nữ có thai cấm dùng.

Tác dụng dược lý: tả hạ, khứ đàm, chỉ khái, chỉ huyết, giảm đau; ức chế TK tụ cầu, TK mủ xanh, liên cầu tan huyết, TK thương hàn, TK lỵ.

Bài viết liên quan

Leave a Comment