Cây thuốc, Vị thuốc

Các vị thuốc Chỉ huyết

THUỐC CHỈ HUYẾT

ĐẠI CƯƠNG.

Định nghĩa. 

Thuốc chỉ huyết là những vị thuốc có tác dụng cầm chảy máu ở bên trong và bên ngoài cơ thể.

Phân loại.

Thuốc chỉ huyết có tính vị hàn – ôn – tán – liễm, cho nên phân thành 4 loại như sau:

Thuốc lương huyết chỉ huyết   

Thuốc hoá ứ chỉ huyết  

Thuốc thu liễm chỉ huyết   

Thuốc ôn kinh chỉ huyết

Chỉ định.

Nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, băng lậu, các loại vết thương chảy máu…

Chú ý.

Điều trị huyết nhiệt vong hành gây xuất huyết thì nên dùng thuốc lương huyết chỉ huyết, phối hợp với thuốc thanh nhiệt tả hoả, thanh nhiệt lương huyết. Nếu do âm hư hoả vượng, âm hư dương cang mà gây xuất huyết thì điều trị thường phối hợp với thuốc tư âm giáng hoả, tư âm tiềm dương. Nếu huyết ứ nội trệ, huyết bất tuần kinh gây xuất huyết thì nên dùng thuốc hoá ứ chỉ huyết, phối hợp với thuốc hành khí hoạt huyết. Điều trị chứng hư hàn gây xuất huyết thì nên dùng thuốc ôn kinh chỉ huyết, thu liễm chỉ huyết, phối hợp với thuốc ích khí kiện tỳ ôn dương. Nếu xuất huyết quá nhiều, làm cho khí thuận theo huyết thoát ra thì phải nhanh chóng dùng các thuốc đại bổ nguyên khí để ích khí cố thoát. 

Thuốc lương huyết chỉ huyết, thu liễm chỉ huyết dễ làm biến tà lưu ứ, cho nên xuất huyết kiêm có ứ huyết không nên đơn độc sử dụng.

THUỐC LƯƠNG HUYẾT CHỈ HUYẾT.

Thuốc lương huyết chỉ huyết phần lớn có tính mát lạnh, hoặc đắng lạnh, hoặc ngọt lạnh, nhập vào huyết phận, có tác dụng thanh nhiệt ở huyết phận để mà cầm máu; thường dùng trong chứng huyết nhiệt vong hành.

1. Đại kế: ô rô, sơn ngưu bàng, dã hồng hoa.

Đại kế (Herba Cirsii  japonici) là toàn cây phơi khô của cây đại kế Cirsium  japonicum  DC, thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: dắng, ngọt, mát. Quy kinh tâm, can.

Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, tán ứ giải độc tiêu ung.

Chỉ định:

Điều trị huyết nhiệt gây xuất huyết như nôn ra máu, chảy máu cam, băng lậu, tiểu tiện ra máu, thường dùng với tiểu kế, trắc bá diệp.

Điều trị mụn nhọt xưng đau, thường dùng với thuốc thanh nhiệt giải độc. Gần đây dùng điều trị viêm gan, cao huyết áp đạt hiệu quả tốt.

Liều dùng: 10 -15g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian chảy máu, giảm huyết áp, ức chế TK lao.

 

2. Tiểu kế: thích nhi trà, đại tiểu kế.

Tiểu kế (Herba Cirsii  setosi) là toàn cây phơi khô của cây tiểu kế Cirsium  setosum ( Willd ) MB, thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: đắng, ngọt, mát. Quy kinh tâm, can.

Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, tán ứ giải độc tiêu ung.

Chỉ định: giống như đại kế, nhưng tiểu kế có tác dụng lợi niệu nên dùng trong chứng huyết lâm là thích hợp, như bài tiểu kế ẩm tử. Gần đây còn dùng trong chứng tử cung co không hoàn toàn, tăng huyết áp. – Liều dùng: 10 -15g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian cháy máu, giảm mỡ máu, lợi mật; ức chế TK liên cầu tan huyết, TK bạch hầu, song cầu khuẩn, TK lao.

 

3. Địa du: ngọc trát.

Địa du (Radis Sanguisorbae) là rễ phơi khô cây địa du Sanguisorba officinalis L, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.

Tính vị: đắng, chua, hơi hàn. Quy kinh can, vị, đại trường.

Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, giải độc liễm sang.

Chỉ định:

Điều trị xuất huyết do nhiệt chứng như nôn ra máu, chảy máu cam, tiện huyết, băng lậu. Điều trị trĩ ra máu, đại tiện ra máu thường dùng với quỷ hoa. Điều trị băng lậu thường dùng với sinh địa, hoàng cầm, bồ hoàng. Điều trị lỵ ra máu thường dùng với hoàng liên, mộc hương.

Điều trị thấp chẩn, lở loét ngoài da thường dùng với thạch cao, khô phàn tán bột dùng ngoài.

Liều dùng: 10 -15g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian chảy máu, co mạch; trên thực nghiệm có tác dụng ức chế tụ cầu vàng,TK mủ xanh, TK thương hàn, phó thương hàn.

 

4. Hòe hoa:

Hòe hoa (Flos Sophorae) là hoa chưa nở của cây hòe  Sophora japonica L, thuộc họ cánh bướm Papilionaceae.

Tính vị: đắng, hơi hàn. Quy kinh can, đại trường.

Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, thanh can hoả.

Ứng dụng:

Điều trị chứng xuất huyết do huyết nhiệt gây nôn ra máu, chảy máu cam, thường dùng với bạch mao căn. Điều trị đại tiện ra máu (tiện huyết), trĩ chảy máu thường dùng với kinh giới, trắc bá diệp.

Điều trị đau đầu mắt đỏ do can hoả thượng xung thường dùng với hạ khô thảo, cúc hoa.    

Liều dùng: 10 -15g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian chảy máu, hạ huyết áp, phòng trị vữa xơ mạch, dãn mạch vành.

5. Trắc bá diệp:

Trắc bá diệp (Cacumen Platyclati) là cành và lá phơi khô của cây trắc bách Platyclatus orientalis (L.), thuộc họ trắc bách Cupressaceae.

Tính vị: đắng, sáp, hơi hàn. Quy kinh phế, can, đại trường.

Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, hoá đàm chỉ khái.

Vị thuốc Trắc bá diệp

Chỉ định:

Điều trị các chứng xuất huyết do huyết nhiệt,thường dùng với đại kế, tiểu kế, bạch mao căn, sinh địa. Nếu xuất huyết do hư hàn, thường dùng với bào khương, ngải diệp như bài bá diệp thang. Gần đây dùng trong điều trị xuất huyết đường tiêu hoá do loét dạ dày – hành tá tràng thấy đạt hiệu quả tốt.

Điều trị ho khan có thể dùng trắc bá diệp sắc uống. Gần đây dùng trong điều trị viêm phế quản, bách nhật khái thấy có hiệu quả tốt. – Liều dùng: 10 -15g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian máu chảy, giảm ho, khứ đàm bình xuyễn, chấn tĩnh, giảm huyết áp mức độ nhẹ.

6. Bạch mao căn:

Bạch mao căn (Rhizoma Imperatae) là thân rễ phơi khô của cây cỏ tranh Imperata cylindrica Beauv. var. major ( Nees ) C. E. Hubb, thuộc họ lúa Gramineae.

Tính vị: ngọt, lạnh. Quy kinh phế, vị, bàng quang.

Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, thanh nhiệt lợi niệu.

Chỉ định:

Điều trị chứng huyết nhiệt vong hành, thường dùng với thuốc lương huyết chỉ huyết.

Điều trị chứng nhiệt lâm, thường dùng với hoạt thạch, mộc thông như bài mao căn ẩm. Điều trị thuỷ thũng, tiểu tiện bất lợi thường dùng với sa tiền tử. Ngoài ra còn điều trị ôn nhiệt phiền khát, vị nhiệt ẩu thổ, phế nhiệt khái thấu, thấp nhiệt hoàng đản.

Liều dùng: 15 -30g.

Tác dụng dược lý: lợi niệu, giải nhiệt, ức chế một số vi khuẩn.

7. Trữ ma căn: cây gai.

Trữ ma căn (Radis Boehmeriae) là rễ phơi khô của cây gai Boehmeria nivea ( L. ) Gaud, thuộc họ gai Urticaceae.

Tính vị: ngọt, lạnh. Quy kinh tâm, can.

Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, an thai, giải độc.

Chỉ định:

Điều trị chứng huyết nhiệt, thường dùng với các thuốc cầm máu khác.

Điều trị chứng có  thai ra huyết, thai động không yên thường dùng với a giao, đương quy, bạch thược như bài trữ căn thang. – Liều dùng: 10 -30g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian chảy máu, thời gian đông máu.

 

THUỐC HOÁ Ứ CHỈ HUYẾT.

1. Tam thất: kim bất hoán, sâm tam thất.

Tam thất (Radis Notoginseng) là rễ phơi khô của cây tam thất Panax notoginseng ( Burk. ) F. H. Chen, thuộc họ ngũ gia bì Araliaceae.

Tính vị: ngọt, hơi đắng, ấm. Quy kinh can, vị.

Tác dụng: hoá ứ chỉ huyết, hoạt huyết định thống.     

Chỉ định:

Điều trị các chứng xuất huyết ở bên trong và bên ngoài cơ thể, nhất là trường hợp xuất huyết do huyết ứ, thường dùng với huyết dư thán.

Điều trị chấn thương xưng nề, có thể dùng một vị tam thất uống trong hoặc dùng ngoài đều đạt hiệu quả, hoặc dùng với các thuốc hành khí hoạt huyết. Gần đây dùng điều trị bệnh lý mạch vành (cơn đau thắt ngực), thiếu máu não, di chứng TBMM não, viêm gan mạn tính thấy có hiệu quả tốt.

Liều dùng: 3 -10g, tán bột mỗi lần 1 -1,5g.

Tác dụng dược lý: cầm máu, rút ngắn thời gian  ngưng máu, ức chế tụ tập tiểu cầu, giảm thấp độ nhớt máu, giảm lượng tiêu hao ô xy cơ tim, tăng cường hình thành tuần hoàn bên trong trường hợp bị nhồi máu cơ tim, tăng cung lượng tim, chống rối loạn nhịp tim, chống viêm giảm đau, trấn tĩnh, tăng cường công năng tuyến thượng thận diều tiết trao đổi đường, bảo vệ tế bào gan, chống lão suy và chống ung thư.

Dược lIệuTam thất

2. Bồ hoàng: cỏ nến, bồ thảo.

Bồ hoàng (Pollen Typhae) là phấn hoa sấy khô của hoa đực cây cỏ nến  Typha angustifolia L, thuộc họ hương bồ Typhaceae.

Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh tâm, can.

Tác dụng: hoá ứ chỉ huyết, lợi niệu.

Chỉ định:

Điều trị các chứng xuất huyết, không kể hàn nhiệt, có hay không có huyết ứ đều dùng được, thường dùng với các thuốc chỉ huyết khác.

Điều trị các chứng ứ trệ gây đau thường dùng với ngũ linh chi như bài thất tiêu tán.

Điều trị các chứng đái ra máu thường dùng với sinh địa như bài bồ hoàng tán. Gần đây dùng trong chứng mỡ máu cao, làm giảm cholesterol, TG.

Liều dùng: 3 -10g.

Chú ý: cấm đùng khi phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian đông máu, tăng hoạt lực yếu tố III, ngăn ngừa hình thành vữa sơ động mạch, ứ chế ruột hấp thu cholesterol, hưng phấn tử cung. Giảm huyết áp, giãn mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn vành, ức chế miễn dịch, liều cao có tác dụng tăng cường khả năng thực bào, ức chế TK lao.

3. Giáng hương:

Giáng hương (Ligni Dalbergiea odoriferae) là thân gỗ của cây giáng hương Dalbergia odorifera T. chen.

Tính vị: cay, ấm. Quy kinh can, tỳ.

Tác dụng: hoá ứ chỉ huyết, lý khí chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị chứng xuất huyết có tính ứ trệ. Trong vết thương xuất huyết, dùng ngoài ; trong nội thương xuất huyết do ứ huyết hoặc do khí hoả thượng nghịch, thường dùng với đan bì, uất kim.

Điều trị đau tức bụng ngực sườn do khí trệ huyết ứ, tán bột sắc uống. Trên lâm sàng thường dùng với ngũ linh chi, xuyên khung, uất kim. Gần đây dùng dể diều trị cơn đau thắt ngực đạt hiệu quả tốt.

Liều dùng: 3 – 6g. Tán bột uống mỗi lần 1 – 2g.

Tác dụng dược lý: tăng lưu lượng tuần hoàn vành, giảm nhịp tim.

 

THUỐC THU LIỄM CHỈ HUYẾT.

1. Bạch cập.

Bạch cập (Rhizoma Bletillae) là thân rễ phơi khô cuả cây bạch cập Bletilla striata (Thumb.) Reichb. f, thuộc họ lan Ochidaceae. 

Tính vị: đắng, ngọt, sáp, lạnh.Quy kinh phế, vị, can.

Tác dụng: thu liễm chỉ huyết, tiêu thũng sinh cơ.

Cây thuốc Bạch cập

Chỉ định:

Dùng điều trị xuất huyết trong, thường dùng với tam thất tán bột uống. Điều trị ho ra máu, thường dùng với tỳ bà diệp, a giao như bài bạch cập tỳ bà hoàn, nếu có phế khí bất túc thường dùng với hoàng kỳ, nhân sâm. Điều trị xuất huyết tiêu hoá thường dùng với ô tặc cốt.

Điều trị các trường hợp viêm loét thường dùng với kim nhân hoa, thiên hoa phấn như bài nội tiêu tán. Nếu mụn loét lâu liền dùng mỡ bạch cập bôi tại chỗ.

Liều dùng: 3 -10g.

Chú ý: kỵ ô đầu.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian ngưng huyết, ức chế tan huyết, cầm máu cục bộ rất tốt; ức chế TK lao.

 

2. Tông lư thán:

Tông lư thán (Petiolus Trachycarpi) là lá đốt thành than của cây tông lư Trachycarpus fortunei H. Wendl.

Tính vị quy kinh: đắng, sáp, bình. Quy kinh can, phế, đại trường.

Tác dụng: thu liễm chỉ huyết.

Chỉ định:

Điều trị phụ nữ băng lậu có thể dùng một vị tông lư thán uống hoặc phối hợp với huyết dư thán, trắc bá diệp. Điều trị chứng nhiệt bức huyết vong hành thường dùng với tiểu kế, sơn chi như bài thập khôi tán. Nếu xuất huyết do hư thực hàn chứng (xung nhâm bất cố gây băng lậu hạ huyết) thường dùng với bào khương, ô mai. Ngoài ra còn dùng trong chứng cửu lỵ, phụ nữ đới hạ.

Liều dùng: 3 -10g. Tán bột dùng 1 – 1.5g.

Chú ý: cấm dùng trong xuất huyết do ứ trệ.

 

3. Huyết dư thán.

Huyết dư thán là tóc rối của người đốt thành than.

Tính vị: đắng, sáp, bình. Quy kinh can, vị bàng quang.

Tác dụng: thu liễm chỉ huyết, hoá ứ lợi niệu.

Chỉ định: điều trị các chứng xuất huyết, thường dùng với các thuốc chỉ huyết khác. Điều trị chứng xuất huyết ở phía trên thường dùng với ngẫu tiết; điều trị chứng xuất huyết ở phía dưới thường dùng với hoạt thạch.

Liều dùng: 6 -10g. Tán bột dùng 1 – 3g.

 

4. Ngẫu tiết:

Ngẫu tiết (Nodus Nelumbinis Rhizomatis)  thân rễ phơi khô của cây sen Nelumbo nucfera Gaertn, thuộc họ sen Nelumbonaceae.

Tính vị: ngọt, sáp, bình. Quy kinh tâm, can, vị.

Tác dụng: thu liễm chỉ huyết.

Chỉ định: dùng trong các chứng xuất huyết.

Liều dùng: 10 -15g

 

THUỐC ÔN KINH CHỈ HUYẾT.

1. Bào khương.

Bào khương (Rhizoma Zingiberis Preprata) là thân rễ phơi khô rồi đốt cho bề mặt củ xém đen lại của cây gừng Zingiber offcinale Rosc, thuộc họ gừng Zingiberaceae. 

Tính vị: đắng, sáp, ôn. Quy kinh vị, can.

Tác dụng: ôn kinh chỉ huyết, ôn trung chỉ huyết.

Chỉ định:

Điều trị chứng xuất huyết do hư hàn, dùng bào khương tán bột uống. Điều trị chứng lỵ có lẫn nhầy máu thường dùng với các thuốc chỉ huyết khác. Khi điều trị trên lâm sàng thường phối hợp với nhân sâm, hoàng kỳ, phụ tử.

Điều trị hư hàn gây đau bụng, ỉa lỏng thường dùng với phụ tử. Điều trị  sản hậu huyết hư hàn ngưng, đau bụng dưới thường dùng với đương quy, xuyên khung như bài sinh hoá thang.

Liều dùng: 3 – 6g.

 

2. Ngải diệp:

Ngải diệp (Folium Artemisiae Argyi) là lá phơi khô của cây ngải cứu Artemisia argyi Lévl. et Vant, thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: đắng, cay, ấm. Quy kinh can, tỳ, thận.

Tác dụng: ôn kinh chỉ huyết, tán hàn điều kinh, an thai.

Chỉ định:

Điều trị chứng xuất huyết do hư hàn thường dùng với a giao, địa hoàng như bài a giao thang.

Điều trị  hạ tiêu hư hàn gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, thường dùng với hương phụ, đương quy, nhục quế như bài ngải phụ hoãn cung hoàn. Điều trị động thai ra huyết thường dùng với tục đoạn, tang ký sinh. Gần đây điều trị hàn chứng gây hen xuyễn, có tác dụng giảm ho, tiêu dàm, giảm khó thở (bình xuyễn). Ngoài ra nước sắc rửa ngoài dể diều trị chứng thấp chẩn.

Liều dùng: 3 -10g.

Tác dụng dược lý: bình xuyễn, giảm ho, tiêu đàm, chống quá mẫn.

 

3. Táo tâm thổ: đất lòng bếp, phục long can.

Táo tâm thổ (Terra flava usta) là đất lấy ở lòng bếp do đun nhiều mà có, mầu đất bên ngoài đỏ, bên trong vàng.

Tính vị: cay, ấm. Quy kinh tỳ, vị.

Tác dụng: ôn trung chỉ huyết, chỉ ẩu, chỉ tả.

Chỉ định:

Điều trị chứng tỳ khí hư hàn không thống nhiếp huyết gây xuất huyết, thường dùng với phụ tử, địa koàng, a giao như bài hoàng thổ thang.

Điều trị  hư hàn gây nôn thường dùng với bán hạ, can khương, bạch truật.

Điều trị tỳ khí hư hàn gây đại tiện lỏng thường dùng với đảng sâm, bạch truật, nhục đậu khấu.

Liều dùng: 15  – 30g. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment