Cây thuốc, Vị thuốc

Cà gai leo: Cây thuốc quý trong vườn thuốc Nam

Việc sử dụng thảo dược giúp hỗ trợ trong việc điều trị bệnh đang là một xu hướng không thể thiếu của y học hiện nay. Trong đó các thảo dược giúp hỗ trợ các bệnh gan mật đang nhận được sự quan tâm không nhỏ. 

1. Cà gai leo – Đặc điểm cần nhớ 

1.1. Nhận diện đúng Cà gai leo

Cà gai leo (Solanum procumben Lour.) còn gọi là cà quạnh, cà gai dây, cà quýnh, cà vạnh, thuộc họ Cà (Solanaceae).

Là cây nhỡ leo, sống nhiều năm, dài khoảng 1m hay hơn. Thân có rất nhiều gai, cành xòa rộng, trên phủ lông hình sao.

Lá hình trứng hay thuôn, phía gốc lá hình rìu hay hơi tròn, mép nguyên hay hơi lượn và khía thùy, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng, có gai.

Hoa màu trắng hoặc tím nhạt, nhị vàng, họp thành xim gồm 2 – 5 hoa. Quả mọng, hình cầu nhẵn, có cuống dài, màu vàng sau đỏ, hạt hình thận màu vàng. Cà gai leo rất dễ bị nhầm với các loại cà khác, có loại gây độc khi sử dụng nên người dùng phải lưu ý thật kĩ.

Cà gai leo
Quả cà gai leo

1.2. Phân bố và bộ phận dùng 

Cà gai leo phân bố phân bố tương đối phong phú ở Việt nam, chủ yếu ở trung du và đồng bằng. Cây mọc ở chỗ nhiều ánh sáng, sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều hoa quả. Ngoài ra, còn có khả năng tái sinh bằng hạt hoặc từ các phần thân và gốc còn lại sau khi chặt. 

Bộ phận dùng: Rễ và cành lá, thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Có khi dùng tươi. 

Cà gai leo phơi khô
Cà gai leo phơi khô

2. Có gì trong Cà gai leo?

Cà gai leo đã được nghiên cứu nhiều, trong thân lá và rễ đều chứa các nhóm chất glycoalcaloid, flavonoid, saponin, sterol, acid amin, chất béo…

Hoạt chất có tác dụng quan trọng là glycoalkaloid (solasodine), đây là hoạt chất kháng viêm và bảo vệ gan, do khả năng ức chế sinh tổng hợp collagen và hạn chế sự tạo thành xơ ở một số tổ chức mô liên kết.

Thành phần glycoalkaloid cao nhất nằm trong quả, sau đến lá, rễ và thân.

3. Công dụng điều trị của Cà gai leo 

Theo Đông y, dược liệu này có vị hơi the, đắng, tính ấm; có tác dụng tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu. Có thể sử dụng để điều trị các bệnh: 

  • Ho gà, suyễn
  • Bảo vệ tế bào gan, phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ…
  • Giải rượu.
  • Tê thấp, đau lưng, nhức mỏi.
  • Chữa rắn cắn.

4. Tác dụng dược lý của Cà gai leo

Cà gai leo là thảo dược đã được nghiên cứu hoàn chỉnh, được công nhận có tác dụng trong hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về gan. Các tác dụng sinh học nổi bật như sau:

4.1. Chống viêm

Nghiên cứu thực hiện trên mô hình u thực nghiệm với dạng chiết toàn phần của cà gai leo (15g dược liệu/kg). Thời gian sử dụng trong 5 ngày đã ức chế tạo u hạt với mức độ tương đương 42,2% so với đối chứng. Kết quả cho thấy cây có tác dụng chống viêm mạn có ý nghĩa. 

4.2. Tác dụng trên mô hình xơ gan 

Các tế bào gan nếu bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng xơ gan. Hiện nay việc điều trị trong xơ gan chủ yếu là làm chậm quá trình xơ, giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Dịch chiết từ dược liệu này đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của xơ gan, cả về số lượng và chất lượng; làm giảm lượng colagen, giảm mức độ liên kết ngang và mức độ xơ về mô học. 

4.3. Chống oxy hóa 

Dịch chiết toàn phần có hoạt tính chống oxy hóa in vitro mạnh ở hầu hết các nồng độ. 

4.4. Tác dụng trên hệ miễn dịch 

Hệ thống miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Nó có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, virus… Trong đó tế bào lympho T đóng vai trò quan trọng. 

Trong nghiên cứu sử dụng chiết suất từ dược liệu này đều kích thích phát triển tế bào lympho T. Tỉ lệ tăng sinh này cho thấy chiết suất từ dược liệu này không gây độc cho tế bào lympho T. 

4.5. Nghiên cứu về độc tính 

Đối với bất kì thảo dược trước khi sử dụng, ngoài tác dụng điều trị thì vấn đề được quan tâm hơn cả là độc tính của nó. Liệu việc sử dụng thảo dược này có gây bất lợi gì về lâu dài hay không? Đây là câu hỏi mà bất cứ người dùng nào cũng quan tâm. Các thử nghiệm đã nghiên cứu và chứng minh là an toàn cho người sử dụng. 

  • Độc tính cấp

Cà gai leo đã được thử nghiệm với liều tối đa (300g dược liệu/kg thể trọng). Được đưa vào dạ dày chuột nhưng không chết. Không xác định được liều LD50, chứng tỏ thuốc có độ an toàn cao.

  • Độc tính bán mạn

Thí nghiệm với liều dùng hàng ngày 10g/kg thể trọng và cho uống liên tục trong 30 ngày. Kết quả không gây ra những biến đổi khác thường về các thông số hóa sinh và huyết học so với nhóm chứng không uống thuốc. 

Hoa cà gai leo
Hoa cà gai leo

5. Các bài thuốc có Cà gai leo 

Có thể dùng 20 – 30 g/ngày, sắc uống, có tác dụng bảo vệ và tăng cường chức năng gan. Ngoài ra Cà gai leo trong dân gian cũng được kết hợp với các vị thuốc khác để điều trị các bệnh:

5.1. Chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi

  • Rễ cà gai leo, rễ xấu hổ, thổ phục linh, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh, mỗi vị 16g. Sắc uống.
  • Rễ cà gai leo, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ tầm xuân, vỏ chân chim, mỗi vị 20g. Sắc uống.
  • Rễ cà gai leo, rễ lá lốt, quýt rừng, rễ gạc, rễ xuyên tiêu, cốt khí củ, mỗi vị 20 – 30g. Sắc uống

5.2. Chữa ho gà

Rễ cà gai leo (10g), lá chanh (30g). Sắc uống làm 2 lần trong ngày

5.3. Giải rượu 

Có thể dùng rễ sát vào răng trong lúc uống hoặc uống nước sắc từ cây. 

5.4. Chữa rắn cắn

Theo kinh nghiệm dân gian Lào, khi bị rắn cắn mà vết thương sưng tấy nhức nhối, để cấp cứu kịp thời, có thể lấy 30 – 50g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ hòa với khoảng 200ml nước đun sôi để nguội, chắt nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần.

Sang ngày sau, tiếp tục cho uống nước sắc của rễ phơi khô (10 – 30g), rễ khô, chặt nhỏ, sao vàng, nấu với 600ml nước còn 200ml. Mỗi ngày uống 2 lần. Dùng 3 – 5 ngày là khỏi hẳn.

Tóm lại, Cà gai leo là dược liệu quý trong kho tàng thuốc Nam, có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh lý về gan. Tuy nhiên, người dùng cần chú ý trong việc chọn đúng thảo dược để đạt kết quả tốt nhất. 

Bài viết liên quan

Leave a Comment