Cây thuốc, Vị thuốc

Bồ hòn: Vị thuốc tiêu đờm, sát trung hiệu quả

Từ lâu, nhân dân ta thường sử dụng Bồ hòn để giặt và tẩy quần áo. Đây cũng là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng tiêu đờm, sát trùng rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về Bồ hòn

  • Tên gọi khác: Bòn hòn, Vô hoạn…
  • Tên khoa học: Sapindus mukorossi Gaertn.
  • Họ: Bồ hòn (danh pháp khoa học: Sapindaceae)

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Bồ hòn được tìm thấy rải rác ở những vùng á nhiệt đới và nhiệt đới như Ấn Độ, Malaysia và Srilanca. Tại Việt Nam, loài cây này mọc nhiều ở những vùng núi trung du như Tuyên Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hà Tĩnh,…

Mùa hoa vào tháng 7 – 9 và sai quả vào tháng 10 – 12.

1.2. Mô tả toàn cây

Bồ hòn là cây thân gỗ, to, chiều cao trung bình từ 5 – 10m. Cây cao nhất có thể đạt tới 20 – 30m. Là loài thực vật kén đất, chịu được hạn, không chịu được úng, thường được trồng ở ven đường. Gỗ Bồ hòn đặc biệt cứng và nặng. Có màu vàng sáng, thường được dùng làm dụng cụ ép dầu, ép đường, làm nông cụ hoặc trong xây dựng ở một số vùng nông thôn.

Thường rụng lá vào mùa khô, lá mọc so le, dạng kép lông chim. Mỗi lá gồm có khoảng 4 – 6 đôi lá chét mọc đối xứng. Phiến lá có gân nổi rõ ở cả hai mặt, mép nguyên, đầu nhọn và gốc hơi lệch.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm hoặc chùy gồm rất nhiều hoa nhỏ, màu lục nhạt. Đài 5 răng có ít lông. Tràng 5 cánh hình trứng có vảy ngắn ở gốc, có lông. Nhị 8, cong, dài hơn tràng. Bầu hình trứng nhẵn, có 3 ô.

Quả thuộc loại quả hạch, hình cầu. Vỏ ngoài dày, có màu vàng nâu khi chín, sần sùi. Bên trong có chứa một hạt màu đen, bóng, hình cầu. Thịt quả khá dày, khi chín mềm lại khiến cho cả vỏ và thịt quả đều bị tóp lại, nhăn nheo, vị đắng.

1.3. Bộ phận làm thuốc

Bộ phận dùng chủ yếu của Bồ hòn là phần rễ và quả của nó. Thường thì phần quả sẽ được sử dụng nhiều hơn và được ứng dụng rộng rãi không chỉ trong đời sống mà còn cả trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa.

Quả Bồ hòn sau khi thu hái về, có thể để nguyên cả hạt rồi phơi khô dùng. Hoặc có thể tách bỏ vỏ, chỉ lấy phần thịt rồi xâu thịt vào một que tre. Sau đó đem phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần. Ngoài ra, phần hạt của quả sau khi phơi khô cũng được ứng dụng nhiều trong làm thuốc.

Quả Bồ hòn
Quả Bồ hòn được sử dụng rộng rãi trong đời sống và trong sản xuất chất tẩy rửa.

1.4. Bảo quản

Nơi khô ráo và thoáng mát. Tránh nơi có độ ẩm cao và ánh nắng trực tiếp. Ngoài Bồ hòn, cần tây cũng là loài cây quen thuộc có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Trong thịt quả Bồ hòn có chứa 18% saponizit hay còn gọi là sapindus saponozit C41H61O13– Sapindus saponin. Đây là một chất bột vô định hình, có màu trắng. Khi thủy phân cho tinh thể với độ chảy 319°C, vào loại triterpen.

Các saponin trong dược liệu đều có dược tính mạnh như Sapindosid A, B, E, E1, C, Y2, X, Y,… Ngoài ra hạt bồ hòn còn chứa 9 – 10% dầu béo.

2.2. Tác dụng Y học hiện đại

  • Kháng khuẩn: Cao chiết xuất từ quả Bồ hòn có tác dụng ức chế các vi khuẩn thường gặp như Staphylococcus pyogenes, Staphylococcus aureus, Staphylococcus viridans…
  • Chống viêm, tăng cường miễn dịch…
  • Điều trị bỏng: Dùng cao lỏng Bồ hòn lên vùng da bị bỏng do nhiệt, vôi tôi hoặc do sét đánh nhận thấy vết bỏng nhanh lên da non, không có hiện tượng tụ mủ và nhiễm trùng. Tuy nhiên cao từ dược liệu có thể gây nóng và xót da trong những lần sử dụng đầu tiên.
  • Ngoài ra vỏ cây còn được giã nát và lấy nước tắm cho động vật để trị chấy, rận và bọ.
  • Quả được dùng thay thế xà phòng để giặt quần áo.

2.3. Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Rễ và quả Bồ hòn có vị rất đắng, tính mát. Rễ hơi có độc.

Quy kinh: kinh Phế, Tỳ.

Tác dụng:

  • Rễ: tiêu đờm, hóa trệ. Sắc uống giúp thanh nhiệt, tan đàm, giải độc, điều trị cảm mạo, sốt cao, ho, khó thở…
  • Vỏ cây: nước ngâm từ rễ bồ hòn giã nát được dùng để rửa vùng da bị vảy nến, mụn mủ và rửa sạch lại bằng nước.
  • Lá: giã nát và đắp lên vết côn trùng đốt làm giảm sưng đau, nhanh lành vết thương.
  • Quả: sát trùng.
  • Hạt: giã nát rồi trộn với một ít nước để chấm vào chỗ răng đau (hoặc lấy nước cốt pha loãng để ngậm).
Quả Bồ hòn được dùng thay thế xà phòng để giặt quần áo.
Quả Bồ hòn được dùng thay thế xà phòng để giặt quần áo.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Có thể dùng ở dạng sắc uống, ngâm rượu hoặc tán bột dùng ngoài.

Liều dùng mỗi ngày:

  • Quả: 3 – 9g
  • Rễ: 12 – 16g
  • Vỏ rễ: 6 – 9g

Lưu ý:

  • Quả Bồ hòn để giặt tẩy là phải dùng với nước nóng, nhiệt độ cao thì quả này mới tiết chất saponin (xà phòng tự nhiên).
  • Khi xả phải dùng nước lạnh để xà phòng không tiết ra. Quần áo trắng cần dùng thêm sản phẩm làm trắng.
  • Vỏ quả sau khi sử dụng để khô có thể bỏ vào các chậu cây làm phân, chúng sẽ phân hủy tự nhiên, bảo vệ môi trường.
  • Nước bồ hòn đun sôi để nguội bạn chỉ nên để 1 đến 2 tuần tuỳ theo thời tiết, nếu để quá lâu nước sẽ lên men và có mùi ôi thiu vì trong nước bồ hòn không có chất bảo quản.

4. Kiêng kỵ khi dùng Bồ hòn

Do có tính tẩy rửa nên cần tránh nuốt một lượng lớn hoặc để rơi trực tiếp vào mắt.

Nước bồ hòn lành tính nhưng phụ nữ có thai ở giai đoạn đầu cũng không nên sử dụng.

Hạn chế sử dụng dược liệu để ăn uống.

5. Một số bài thuốc kinh nghiệm

5.1. Hỗ trợ trị đau nhức răng, hôi miệng

Hạt Bồ hòn 5 – 10g giã nát, tán bột, thêm chút nước rồi dùng dung dịch vắt này súc miệng. Thực hiện nhiều lần trong ngày.

5.2. Diệt sâu, trừ giòi

Vỏ cây tươi, giã nát, hòa với nước, đem tưới cây có tác dụng diệt sâu bọ.

5.3. Hỗ trợ điều trị viêm amidan, viêm họng

Vỏ quả Bồ hòn đem rửa sạch, phơi khô và nhai trực tiếp, nuốt lấy nước. Ngoài ra, có thể  dùng vỏ quả sắc lấy nước và chia thành nhiều lần uống trong ngày.

5.4. Hỗ trợ trị ghẻ lở, nấm, nhanh lành vết thương

Vỏ quả bồ hòn phơi khô. Đem nấu dược liệu trong dầu lạc, sau đó thêm bột diêm sinh và hạt củ đậu tán mịn vào. Dùng thuốc thoa lên vùng da cần điều trị nhiều lần trong ngày.

Bồ hòn không chỉ là xà phòng tự nhiên được sử dùng nhiều trong cuộc sống mà còn là vị thuốc có tác dụng trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Bài viết liên quan

Leave a Comment