Cây thuốc, Vị thuốc

Bí kỳ nam: Loài thực vật trong sách đỏ Việt Nam

Bí kỳ nam là một loài thực vật đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Dù chưa được sử dụng phổ biến nhưng đã có những kinh nghiệm sử dụng cũng như các nghiên cứu về tác dụng của nó trong điều trị bệnh. 

1. Giới thiệu cây thuốc Bí kỳ nam

Bí kỳ nam, tên khác là Kỳ nam kiến, có tên khoa học Hydnophytum formicarum Jack, thuộc họ Cà phê. Đây là cây sống cộng sinh với kiến.

Thân phình thành củ lớn dày và to đến 30cm, mặt ngoài sần sùi màu nâu xám. Bên trong có các lỗ hổng chằng chịt mang đầy kiến, thịt màu trắng, chứa nhiều nước.

Từ thân củ mọc ra những rễ nhỏ phía dưới và một vài cành mang lá ở phía trên. Cành ngắn, mập, màu nâu. Lá mọc đối, hình trái xoan hoặc bầu dục, phiến lá dày, nhẵn bóng, màu lục nhạt.

Bí kỳ nam có cành ngắn, mập, màu nâu
Bí kỳ nam có cành ngắn, mập, màu nâu

Hoa không cuống, mọc tụ họp 4 – 5 cái ở nách lá, màu trắng. Quả nhỏ, hình trụ hơi dài, khi chín màu da cam. Cây ra hoa tháng 5 – 6, có quả tháng 12 – 1 năm sau.

Bí kỳ nam phổ biến ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ. Tại Việt Nam, cây mọc hoang, bám vào các cây gỗ trong rừng thứ sinh ở miền Nam. Ngoài ra còn gặp ở Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang. Cây đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam để lưu ý bảo tồn.

Bí kỳ nam thường bám trên các cây gỗ
Bí kỳ nam thường bám trên các cây gỗ

2. Bộ phận dùng và thành phần hóa học

2.1. Bộ phận dùng

Thân phình thành củ, thu hoạch vào mùa khô. Thu hái thân, thái mỏng, phơi đến gần khô thì phơi tiếp trong râm. Khi dùng đem thuốc tẩm qua nước đang sôi rồi sao vàng.

Bí kỳ nam xắt lát, phơi khô
Bí kỳ nam xắt lát, phơi khô

2.2. Thành phần hóa học

Thân củ chứa nhiều muối vô cơ và một số alkaloid.

3. Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, Bí kỳ nam có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm kháng sinh, sát trùng. Thường dùng chữa viêm gan, vàng da, đau nhức gân xương, bong gân, thấp khớp, đau bụng, tiêu chảy, ăn uống kém.

Ngày dùng 10 – 16g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống.

4. Các bài thuốc sử dụng Bí kỳ nam

4.1. Chữa viêm gan, vàng da

Bí kỳ nam 20g, Thảo quyết minh 10g, Actiso 20g, Nhân trần 15g.

Hoặc Bí kỳ nam 80g, Hạ khô thảo, Chó đẻ, Hậu phác nam, mỗi vị 20g.

Cho 500ml nước, sắc còn 100l, chia 2 lần uống trước ăn 1 giờ. Uống liên tục trong 10 – 15 ngày.

4.2. Chữa đau nhức xương khớp

Bí kỳ nam 20g, Ngũ gia bì 30g, rễ Vú bò 20g, Xuyên tiêu 20g.

Hoặc Bí kỳ nam 40g, phối hợp với Bổ cốt toái 30g, rễ Trứng cuốc, rễ Trinh nữ, mỗi vị 20g.

Sắc nước uống, có thể ngâm rượu uống trước bữa ăn, mỗi lần 15ml.

4.3. Chữa đau bụng, tiêu chảy

Bì kỳ nam 20g, sắc thật đặc, chia thành 2 lần uống cách nhau 1 giờ.

Lá cây Bí kỳ nam mọc đối, hình trái xoan hoặc bầu dục
Lá của cây

5. Các nghiên cứu gần đây về Bí kỳ nam

Đánh giá độc tính của cây được thu hoạch ở Phú Quốc, người ta không thấy có biểu hiện độc tính nào trên gan và thận của chuột.

Trên mô hình chuột đái tháo đường, người ta thấy khi tiêm dịch chiết Bí kỳ nam, kích thước và hoạt động các tiểu đảo tuyến tụy tăng lên. Suy yếu của tuyến tụy là một trong những cơ chế của đái tháo đường. Vì vậy, sự tăng cường hoạt động các tiểu đảo tụy dưới tác dụng của dịch chiết này hứa hẹn về khả năng hỗ trợ điều trị đái tháo đường.

Một nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất của Bí kỳ nam có tác dụng làm tăng lượng tế bào lympho, là dòng tế bào liên quan đến miễn dịch của cơ thể. Chiết xuất dược liệu này còn cho thấy tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi các độc chất.

Các chiết xuất của cây cho thấy tác dụng lên các cơ chế liên quan đến điều trị ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng và bệnh bạch cầu tế bào T (một loại ung thư máu). Hứa hẹn tiềm năng trong sản xuất thuốc điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư.

Bí kỳ nam thể hiện hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn. Tác dụng kháng khuẩn này thể hiện trên nhiều chủng vi khuẩn khác nhau, nhất là các vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy. Chiết xuất dược liệu này còn thể hiện hoạt tính chống sốt rét.

Lưu ý không được tự ý sử dụng cây thuốc để điều trị bệnh.

Bài viết liên quan

Leave a Comment