Hội chứng bệnh theo YHCT

Chứng tỳ không thống huyết

Chứng tỳ không thống huyết

1. Nguyên nhân:

Chứng tỳ không thống huyết là chỉ vào triệu chứng vì khí hư nhược không thống nhiếp được huyết dịch mà sinh ra, vì khó nhọc hại tỳ, hoặc người yếu bệnh lâu làm cho tỳ khí suy tổn, đều có thể sinh ra chứng  này. (Bệnh thiếu máu, dị ứng thành mạch, chảy máu nội tạng)

2. Chứng trạng:

Với các triệu chứng xuất huyết như thổ huyết, nục huyết, lạc huyết, nữu huyết, kinh nguyệt quá nhiều, hoặc băng lậu, cơ nục, và thường kiêm có các chứng huyễn vựng, đoản khí, thần mệt, người mệt, ăn ít, bụng đầy, phân lỏng, sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng ải, lưỡi nhợt, mạch tế.

3. Cơ chế bệnh sinh:

Huyết sinh ở tỳ, tỳ khí vượng thì các kinh nhờ đó được nuôi dưỡng trưởng thành. Tỳ khí hư trăm mạch do đó mà trống rỗng. Huyết lại thống thuộc ở tỳ, cho nên huyết vận hành khắp trên dưới, hoàn toàn nhờ ở tỳ. Nếu tỳ khí hư âm dương không giữ kín được nhau, huyết dịch li kinh mà chạy loạn. Huyết nghịch lên trên tràn ra khiếu trên thì thành thổ huyết, lạc huyết, nục huyết; huyết thoát ở dưới thì thành đại tiểu tiện ra máu; huyết tràn ở ngoài thì thành cơ nục. Tỳ hư, mạch nhâm, mạch xung không giữ kín cho nên kinh nguyệt quá nhiều hoặc băng huyết, lậu huyết không chỉ.               

Huyết thoát thì sắc bạc khô mà không mượt, trong mạch trống rỗng cho nên sắc mặt xanh bạc, lưỡi nhợt, mạch tế.

Tỳ khí hư thì cơm nước khó hoá, thấp trọc sinh ở trong cho nên ăn ít, bụng chướng, phân lỏng. Khí huyết không đủ thì huyễn vựng, khí đoản, thần mệt, người mỏi.

Điểm chính để chẩn đoán là: tỳ khí hư kiêm có xuất huyết.

4. Luận trị:

– Phép trị: Ôn tỳ nhiếp huyết.

– Dược vị: các vị thuốc có tác dụng chỉ huyết: Tam thất, Bạch cập, Tông lư, Ngẫu tiết, Bồ hoàng, Trắc bách diệp, Hạn liên thảo, Tiên hạc thảo, Ô tặc cốt, Ngải cứu…

– Phương dược:

* Quy tỳ thang (Tế sinh phương): Hoàng kỳ, Nhân sâm, Long nhãn, Mộc hương, Đương quy, Bạch truật, Phục thần, Táo nhân, Cam thảo, Viễn chí, Sinh khương, Đại táo. (Xem phần tâm huyết  hư).

Phân tích: Sâm Kỳ Truật Thảo, Khương Táo để bổ tỳ ích khí. Quy để dưỡng tâm an thần. Viễn chí để giao tâm thận định chí an thần. Mộc hương lý khí tỉnh tỳ.

* Bách diệp thang: Bách diệp 12g, Can khương 12g, Lá ngải 30g.

Công dụng dẫn huyết về kinh. Chữa nôn ra huyết lâu ngày không khỏi, sắc mặt vàng bủng do tỳ hư không thống huyết.

Bài viết liên quan

Leave a Comment